14:22 18/01/2013

Boeing “soán ngôi” doanh số của Airbus sau 10 năm

An Huy

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Boeing đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng liên quan tới 787 Dreamliner

Một chiếc Boeing 787 Dreamliner của hãng hàng không Nhật All Nippon Airways (ANA) tại sân bay Haneda ở Tokyo hôm 16/1 - Ảnh: AFP/Getty Images.
Một chiếc Boeing 787 Dreamliner của hãng hàng không Nhật All Nippon Airways (ANA) tại sân bay Haneda ở Tokyo hôm 16/1 - Ảnh: AFP/Getty Images.
Hãng Boeing của Mỹ đã giành ngôi vị số 1 về doanh số bán máy bay từ tay đối thủ châu Âu Airbus. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Boeing đang đối mặt với cuộc khủng hoảng liên quan tới chất lượng của siêu máy bay 787 Dreamliner.

Theo tin từ CNNMoney, đây là lần đầu tiên Boeing “qua mặt” Airbus trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây.

Thông tin do Airbus công bố ngày 17/1 cho biết, số máy bay được hãng này giao cho khách hàng trong năm 2012 tăng 10%, đạt mức kỷ lục 588 máy bay. Tuy nhiên, mức doanh số này vẫn thua Boeing khi mà công ty Mỹ giao hàng được 601 máy bay trong năm qua, mức cao nhất kể từ năm 1999.

Boeing cũng giành vị trí dẫn đầu thế giới về số đơn đặt mua máy bay, với 1.203 phi cơ được đặt hàng, so với con số 833 máy bay được đặt hàng của Airbus trong riêng năm 2012. Mặc dù vậy, cộng dồn lại, hãng sản xuất máy bay của châu Âu vẫn có nhiều máy bay được đặt hàng nhưng chưa giao hàng hơn Boeing.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, vụ máy bay 787 Dreamliner của Boeing bị đình bay có thể giáng một đòn mạnh vào triển vọng của hãng này trong thời gian tới. Hôm 16/1, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã yêu cầu tất cả các máy bay Boeing 787 Dreamliner đăng ký tại nước này dừng bay vì lý do an toàn. Động thái này của FAA được đưa ra sau một loạt sự cố xảy ra trên siêu máy bay này, tiêu biểu là vụ một chiếc 787 Dreamliner của hãng hàng không Nhật Japan Airlines bất ngờ “phát hỏa” khi đậu tại sân bay Boston của Mỹ cách đây ít hôm.

Cũng trong ngày 16/1, hai hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản đã quyết định tạm ngưng sử dụng 787 Dreamliner. Đến hôm qua (17/1), một loạt quốc gia khác trên thế giới cũng ra quyết định dừng bay chiếc máy bay này như Ba Lan, Ấn Độ, Qatar, và Ethiopia.

Tình hình đối với Boeing còn có thể xấu thêm nếu cuộc điều tra của các nhà chức trách Mỹ nhằm vào pin của 787 Dreamliner phát hiện thấy lỗi trong thiết kế của chiếc máy bay có trọng lượng nhẹ làm bằng chất liệu carbon composite này. Các hãng sản xuất máy bay thời gian qua đã nỗ lực để giảm trọng lượng và tăng khả năng tiết kiệm nhiên liệu của máy bay để đáp ứng nhu cầu mới trong bối cảnh giá dầu tăng cao, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, cũng như tốc độ phát triển nhanh của các hãng hàng không giá rẻ.

Hãng Airbus hiện đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến đối với Boeing và có lẽ sẽ không vội vui mừng trước những biến cố mà đối thủ đang gặp phải. Câu trả lời của Airbus đối với chiếc 787 Dreamliner là chiếc A350 sẽ có chuyến bay đầu tiên dự kiến vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 năm nay và sẽ được giao hàng từ năm 2014. Chiếc A350 cũng sử dụng loại pin ion lithium như loại sử dụng cho chiếc 787 Dreamliner, nhưng từ một nhà cung cấp khác.

Các chuyên gia cho rằng Boeing sẽ phải hành động nhanh chóng để kiểm soát bất kỳ sự mất mát niềm tin nào đối với sản phẩm của hãng. Tuy nhiên, các hãng hàng không có thể đang quan ngại trước sự dịch chuyển sang những công nghệ mới chưa được kiểm chứng.

“Tôi cho rằng, Airbus sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi từ phía khách hàng về việc hãng sẽ làm gì để không đi vào vết xe đổ của Boeing”, bà Bridgette Sullivan-Taylor, giáo sư thuộc trường kinh doanh Warwick Business School, nhận xét.

Ngoài ra, bất kỳ chi phí tăng thêm nào liên quan những rắc rối mà chiếc 787 Dreamliner gây ra cũng sẽ có những ảnh hưởng lớn tới hãng Airbus. Ngân hàng UBS đã dự báo, Airbus sẽ lỗ từ 500-700 triệu Euro từ chiếc A350 trong năm 2014-2015 do chi phí vượt giá bán ban đầu của chiếc máy bay này.

Đáp trả những lo ngại trên, Giám đốc điều hành Fabrice Bregier của hãng Airbus ngày 17/1 cho biết, Cục An toàn hàng không châu Âu và FAA hài lòng với kiến trúc của chiếc A350. “Xét về cấu trúc điện của chiếc A350, chúng tôi không thấy lý do gì để phải thay đổi thiết kế, ít nhất là cho tới khi chúng tôi có thêm thông tin mới”, ông Bregier nói tại một cuộc họp báo.

“Tôi không biết thiết kế của chiếc 787 thế nào. Tôi biết thiết kế của chiếc 350 và chúng tôi tự tin rằng thiết kế này là khỏe mạnh cà về pin, cấu trúc, các thiết bị an toàn, và chiếc 350 không có lý do gì để giống như đối thủ của nó”, ông Brigier nói.

Tiến độ sản xuất chiếc A350 đã chậm mất 1 năm, trong khi siêu máy bay A380 của hãng này cũng đang bị cản trở bởi một loạt vấn đề trong sản xuất.

Đức và Pháp thành lập hãng Airbus vào năm 1970 với sự hậu thuẫn của các hàng hàng không hàng đầu ở châu Âu nhằm mục tiêu tạo ra một lựa chọn khác bên cạnh các nhà sản xuất của Mỹ, đáp ứng nhu cầu gia tăng trên các đường bay ngắn trong khu vực. Thành công toàn cầu của Airbus dựa trên dòng máy bay A320 một lối đi ra đời năm 1988.