Bốn tác động từ vàng tăng giá
Trong lúc giá vàng quá cao như hiện nay, đối với những người vay vàng đến kỳ trả nợ thì gánh nặng nợ đã rất cao
Mức này tuy thấp hơn mức giá đỉnh điểm 19,4 triệu đồng cách đó mấy ngày, nhưng vẫn là mức rất cao so với trước đây.
Giá vàng đã tăng cao, tăng gần như liên tục và tăng trong thời gian dài hiếm thấy được vẽ bằng đồ thị thì đường biểu diễn gần như một đường chỉ có độ dốc lên.
Bốn tác động
Thứ nhất, đối với những người vay vàng đến kỳ trả nợ thì gánh nặng nợ đã rất cao. Chỉ nguyên giá vàng tăng, chưa kể lãi, thì giá vàng hiện đã cao gấp nhiều lần so với các thời gian trước. Đó là những tốc độ cao hơn nhiều so với giá tiêu dùng, giá USD, lãi suất tiết kiệm trong thời gian tương ứng; hiếm có mặt hàng nào, kênh đầu tư nào lại tăng liên tục, tăng với tốc độ cao, tăng trong thời gian dài như vậy!
Thứ hai, giá vàng tăng cao góp phần kéo giá bất động sản xuống. Bởi vì, người có tiền đầu tư cũng cân nhắc khi lựa chọn giữa hai kênh đầu tư (bất động sản và vàng) thì đầu tư vào vàng không cần vốn lớn, việc mua bán dễ dàng, tính thanh khoản cao, không bị rủi ro về giấy tờ,... so với bất động sản. Bất động sản khi mua bán ở nhiều nơi vẫn còn tính và thanh toán bằng vàng, hoặc nếu không thanh toán bằng vàng thì cũng thường so với giá vàng.
Thị trường bất động sản rúng động trước việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện siết chặt tiền tệ, làm cho các ngân hàng thương mại “giật mình” khi đã cho vay dưới chuẩn (tỷ lệ rủi ro được xác định lên đến 250%), nay đã trở tay không kịp, phải “cắn răng” vay với lãi suất cao hơn nhiều so với mức bình thường và cao hơn cả mức lãi suất đã “phóng tay” cho vay. Đấy cũng là bài học cho các ngân hàng thương mại nếu chạy theo tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng để cho vay mua vàng, nếu như giá vàng thế giới “đảo chiều”.
Thứ ba, giá vàng tăng là một trong những nguyên nhân làm cho chỉ số chứng khoán bị sụt giảm mạnh. Thị trường chứng khoán, ngoài những tác động khác, thì sự nóng lên của giá vàng lại “bồi thêm”, làm cho giá chứng khoán từ sau Tết Nguyên đán đến nay liên tục bị giảm sâu thêm.
Thứ tư, vàng là kênh đầu tư, nhưng là xét theo người đầu tư, song không trực tiếp đầu tư cho sản xuất kinh doanh, nên không tạo ra giá trị tăng thêm để tính vào tăng trưởng kinh tế, thậm chí còn bị “chôn” dưới dạng “vàng bỏ ống”. Cần lưu ý, mỗi năm nước ta nhập khẩu khoảng trên dưới 60 tấn vàng, tính theo giá bán hiện tại lên đến gần 30,6 nghìn tỷ đồng, hay trên 1,9 tỷ USD. Một lượng vốn lớn như vậy đang “bỏ ống” trong dân đã không được đưa ra để đầu tư trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, không nên lao vào mua vàng, bởi mấy lẽ. Giá vàng hiện đã quá cao; tỷ suất lãi cũng chỉ vào khoảng 6,35%, tương đương với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn sáu tháng hiện nay của một số ngân hàng thương mại với lãi suất 1%/tháng. Đó là chưa kể giá mua vào và bán ra còn có chênh lệch, ít nhất cũng mươi mười lăm nghìn đồng/chỉ. Giá vàng trong nước đang cao hơn thị trường thế giới; nếu giá vàng thế giới đảo chiều thì xu hướng giá vàng trong nước sẽ giảm nhiều hơn (giảm “kép” gồm giảm theo giá thế giới, giảm do tỷ giá VND/USD giảm).
Đối với đất nước, lượng vốn đổ vào và chôn ở thị trường vàng thì đồng nghĩa với đầu tư xã hội dành cho đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh giảm theo. Đó là chưa nói tới, nếu giá trên thị trường chứng khoán tăng trở lại thì vàng sẽ được bán ra để có tiền quay trở lại thị trường chứng khoán. Một bài học là “mua ở đỉnh, bán ở đáy” thì lỗ là cái chắc. Những người vay vốn để mua vàng khi đó lỗ trở thành lỗ “kép”.
Nguyên nhân tăng giá
Trước đây, vàng thường được dùng làm nơi trú ẩn mỗi khi có sự bất ổn, nhất là khi lạm phát cao, hoặc đầu tư vào các kênh đầu tư khác không có lợi nhuận. Bây giờ, vàng không chỉ là nơi trú ẩn an toàn, mà còn là kênh đầu tư hấp dẫn. Nguyên nhân giá vàng trong nước tăng cao do các yếu tố ở trong nước và do các yếu tố ở nước ngoài.
Ở trong nước, yếu tố quan trọng đầu tiên là do lạm phát ở mức cao. Năm 2004 tăng 9,5%, năm 2005 tăng 8,4%, năm 2006 tăng 6,6%, năm 2007 “lồng lên” mức 12,63%. Năm 2008 mới qua 2 tháng đã ở mức 6,02%, cao nhất trong hàng chục năm qua, đã bằng gần một nửa cả năm ngoái và bằng 70% mục tiêu đề ra cho cả năm nay.
Nếu so với cùng kỳ năm trước thì tháng 1 tăng 14,11%, tháng 2 tăng 15,67%, bình quân chung 2 tháng đã tăng 14,89% - tức là không những tăng ở mức 2 chữ số mà còn đang trong xu hướng cao lên.
Một yếu tố quan trọng khác là chứng khoán và bất động sản đang có vấn đề. Ngày 5/3, chỉ số giá chứng khoán trên sàn Tp.HCM (VN-Index) đã giảm chỉ còn 583,45 điểm, trên sàn Hà Nội (HaSTC-Index) đã giảm chỉ còn 191,38 điểm, chỉ bằng một nửa đỉnh điểm đã đạt trước đây. Cơn sốt nóng bất động sản ở các thành phố lớn đang lan rộng ra các tỉnh đã bị chặn lại, đã giảm độ sốt nóng, thậm chí giá đã giảm do người bán nhiều hơn người mua.
Bên cạnh đó, lãi suất tiết kiệm ở các ngân hàng thương mại cổ phần vừa mới vọt lên mà nhiều người gọi là “siêu lãi suất” đã bị chặn lại ở mức 12%/năm. Nhưng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng thương mại nhà nước đang ở mức khá thấp nay bắt đầu vọt lên cũng vào khoảng 12% để giữ chân khách hàng.
Giá vàng tăng mạnh do giá USD giảm, dầu tăng, cầu về vàng tăng trong khi cung về vàng lại giảm. Giá USD tiếp tục giảm mạnh (ngày 4/3, 1 USD chỉ còn ăn 0,6586 Euro, 0,5050 Bảng Anh, 103,64 Yên Nhật,...). Giá USD giảm do tiếp tục xuất hiện những dấu hiệu xấu hơn trong nền kinh tế Mỹ. Tăng trưởng kinh tế quý 4/2007 chỉ có 0,6%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng từ 1,9% năm 2006 lên 3,4% năm 2007 và có khả năng cao hơn trong năm 2008.
Đã có nhiều dự đoán về khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất xuống còn mức 2,5-2,25% tại kỳ họp vào 18/3 tới và xuống mức 2% vào trước tháng 8 năm nay. Giá dầu đã vượt qua mốc 100 USD/thùng, có lúc đã lên đến 104 USD/thùng, do đồng USD giảm giá; do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không tăng sản lượng khai thác...