10:34 05/02/2010

Bớt căng tỷ giá nhưng còn lo vốn

Minh Đức

Vào thời điểm này, tỷ giá không biến động, cung - cầu vốn ngoại tệ đã bớt căng thẳng, nhưng vốn khả dụng vẫn là khó khăn nổi bật

Theo niêm yết của các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND đứng yên trong tháng 1 vừa qua - Ảnh: Reuters.
Theo niêm yết của các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND đứng yên trong tháng 1 vừa qua - Ảnh: Reuters.
Vào thời điểm này, tỷ giá không biến động, cung - cầu vốn ngoại tệ đã bớt căng thẳng, nhưng vốn khả dụng vẫn là khó khăn nổi bật.

Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã trải qua tháng đầu tiên của năm mới. Có những hiện tượng ít thấy, có những chuyển động mới và vẫn còn những khó khăn cơ bản chưa thể tháo gỡ.

Tỷ giá… giảm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá USD tháng 1/2010 so với tháng 12/2009 giảm 0,11%, so với tháng 1/2009 tăng 8,96%. Mức giảm chỉ 0,11% qua một tháng nhưng là diễn biến ít thấy trong suốt những năm gần đây.

Còn theo niêm yết của các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND đứng yên trong tháng 1 vừa qua. Thay đổi chỉ có ở mức chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra. Đúng hơn, đó là sự đứng yên kể từ ngày 10/12/2009 đến nay.

Nguyên do, sau những điều chỉnh trong tháng 11/2009, Ngân hàng Nhà nước liên tục cố định mức 17.941 VND của tỷ giá bình quân liên ngân hàng (đây cũng là điều hiếm thấy kể từ kỳ liên tục có biến động mạnh từ năm 2008). Giá USD niêm yết của các ngân hàng thương mại theo đó cũng ở trạng thái luôn kịch trần biên độ cho phép, cố định ở mốc 18.479 VND.

Điểm khác biệt so với hơn một tháng trước đó là giá mua vào được giữ thấp hơn giá bán ra 10 VND. Diễn biến này phản ánh một phần trạng thái cung – cầu vốn ngoại tệ của các ngân hàng thương mại; họ không mua vào “bằng mọi giá” khi đẩy giá mua kịch trần biên độ như trong gần suốt năm 2009.

Mặt khác, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, thị trường ngoại tệ thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực, cung – cầu đã bớt căng thẳng.

“Trong tháng 1/2010, thị trường ngoại tệ đã có nhiều chuyển biến tích cực, tính thanh khoản được cải thiện, các tổ chức tín dụng đã mua được ngoại tệ từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước bán hỗ trợ các tổ chức tín dụng đã giảm mạnh so với tháng trước và Ngân hàng Nhà nước đã mua được ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Một nguyên nhân được đề cập đến là nguồn ngoại tệ đã có sự hỗ trợ từ hoạt động bán lại của 7 tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước. Tính đến cuối tháng 1, con số liên quan đến nguồn này là khoảng 450 triệu USD.

Như vậy, một phần ngoại tệ mà nhiều doanh nghiệp găm giữ trước đó đã được giải phóng. Qua nguồn hỗ trợ này, một câu hỏi đặt ra có cách nào để có sự giải phóng tương tự đối với nguồn ngoại tệ còn “găm” trong dân cư? Đây lại là một vấn đề khác, cơ bản và không bị mờ nhạt bởi sự ổn định của tỷ giá hiện tại (sự ổn định có thể chỉ mang tính thời điểm). Một tham khảo là nguồn thông tin chính thống mới đây cho hay chỉ có khoảng 10% trong khoảng 6,3 tỷ USD kiều hối năm 2009 được bán lại cho các ngân hàng thương mại.

Trở lại với diễn biến của tỷ giá trong tháng 1, một tín hiệu tích cực là nhập siêu đã giảm tháng thứ ba liên tiếp. Từ mức trên 2 tỷ USD trong tháng 11/2009, nhập siêu giảm còn trên 1,9 tỷ USD trong tháng 12/2009 và ước tính chỉ còn 1,3 tỷ USD trong tháng 1/2010 (giảm tới 32,6% so với tháng trước).

Có thể có những bình luận khác nhau, còn những vấn đề để ngỏ, nhưng diễn biến của tỷ giá trong tháng 1 và tháng 12/2009 cho thấy Ngân hàng Nhà nước muốn phát đi thông điệp là giữ ổn định, dù chưa thể khẳng định là sẽ ổn định trong trung và dài hạn hay không.

Tăng trưởng tín dụng thấp là bình thường?

Tháng 1, Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng ước tăng 1%. Đây là mức tăng thấp nếu so với bình quân của năm 2009 (cả năm là 37,73%), hay theo dư địa định hướng 25% cho năm 2010.

Tuy nhiên, một so sánh cho thấy đó là bình thường, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2009 đã chậm lại; riêng tháng 12/2009 chỉ tăng 0,87%. Hay so với cùng thời điểm những năm trước, mức tăng 1% nói trên cũng là bình thường. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tháng 1 các năm gần đây: năm 2005 là 1,4%, 2006 là 1%, 2007 là 0,9%, 2009 là 0,65%; ngoại trừ tháng 1/2008 (không có số liệu cập nhật cụ thể).

Về mức tăng này, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cũng cho là “hơi thấp” nhưng bình thường. Bởi theo ông, quy luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính là những tháng đầu năm và cuối năm, doanh nghiệp tập trung cho công tác tổng kết, lập kế hoạch kinh doanh nên chưa đẩy mạnh các hoạt động tín dụng.

Tuy nhiên, về phía ngân hàng thương mại, một số ý kiến cho rằng, với khó khăn thanh khoản hiện nay, muốn đẩy mạnh tín dụng cũng khó. Lãi suất huy động đã đồng loạt lên 10,49% ở hầu hết các kỳ hạn, trong khi trần lãi suất chốt ở 12%/năm đối với cho vay sản xuất kinh doanh. Đó là chưa kể những trường hợp phải huy động trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất phổ biến từ trên 11%...

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tháng 1 vừa qua, cơ quan này đã làm việc với 8 tổ chức tín dụng để đánh giá mức độ an toàn hoạt động. Tuy nhiên, nội dung và kết quả các buổi làm việc đó không công bố cụ thể.

Còn trong huy động vốn, tháng 1/2009, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng cũng chỉ tăng khoảng 0,3% so với tháng trước. Mức tăng này cũng mang tính thời điểm thường thấy ở những năm trước, nhưng khó khăn nổi bật hiện nay là các ngân hàng không thể nâng lãi suất để tạo thêm sức lôi kéo nguồn tiền gửi.

Tại buổi gặp mặt báo chí đầu tuần này, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại than rằng, để huy động được vốn, ngân hàng “bó tay” với lãi suất và chỉ biết mở các chương trình khuyến mại, dồn dập khuyến mại.

Quan điểm bền lề của vị tổng giám đốc này là bàn tay quản lý Nhà nước trong vấn đề lãi suất hiện nay lớn hơn bàn tay của thị trường. Và mong muốn lớn nhất trong năm 2010 mà đại diện này đưa ra là làm sao cơ chế trần lãi suất được thay đổi, không bị neo bởi quy định 150% lãi suất cơ bản.

Để bớt khó khăn, lãnh đạo ngân hàng này hy vọng, sau Tết Nguyên đán, nguồn vốn sẽ trở lại ngân hàng theo chu kỳ thường thấy ở những năm trước…