08:23 20/11/2010

“BSC dự kiến lên sàn trong 6 tháng tới”

Thanh Loan

Phó giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán BSC nói về những mục tiêu của công ty sau khi IPO

Bà Lưu Diễm Cầm, Phó giám đốc BSC.
Bà Lưu Diễm Cầm, Phó giám đốc BSC.
Ngày 17/11, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã chào bán thành công toàn bộ 10.195.570 cổ phần phát hành lần đầu ra công chúng (IPO), với tổng giá trị đạt khoảng 105,2 tỷ đồng.

"Sau khi cổ phần hóa, BSC sẽ có một mô hình tổ chức mới, phù hợp với định hướng trong 10 năm tới. Ban lãnh đạo BIVD đang xem xét định hướng mô hình hoạt động của BSC với chức năng cơ bản là một ngân hàng đầu tư, theo đó, BSC sẽ đặt trọng tâm thực hiện các nghiệp vụ của một ngân hàng đầu tư với các sản phẩm như thu xếp vốn, tư vấn cấu trúc tài chính doanh nghiệp, bảo lãnh phát hành cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư tài chính, nghiên cứu phân tích…, bên cạnh việc duy trì chức năng môi giới truyền thống của một công ty chứng khoán", bà Lưu Diễm Cầm, Phó giám đốc BSC nói.

Kế hoạch tăng vốn sau khi IPO của BSC như thế nào, thưa bà? Bao giờ công ty sẽ lên sàn niêm yết?

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng một cơ cấu vốn bền vững là mục tiêu không chỉ đối với riêng BSC mà phần lớn các doanh nghiệp cổ phần, để bảo bảo tỷ lệ an toàn vốn và giảm gánh nặng vào chi phí lãi vay, trong bối cảnh nền lãi suất tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục tăng vốn vào thời điểm thị trường thuận lợi, và đợt tăng vốn sắp tới sẽ hướng đến việc phát hành cho các nhà đầu tư tổ chức và mang ý nghĩa chiến lược, đặc biệt là các tổ chức tài chính từ các thị trường hàng đầu thế giới.

Dự kiến trong quý 4/2011, BSC sẽ tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ bán cho cổ đông chiến lược là từ 10-15% vốn điều lệ, tương ứng với 120-180 tỷ đồng.

Về cơ cấu sở hữu sau khi IPO, Nhà nước vẫn nắm quyền kiểm soát tuyệt đối, tức là BSC vẫn là một công ty con của BIDV. Đồng thời, sự tham gia của yếu tố nước ngoài cũng có ý nghĩa tác động tích cực đến sự phát triển của BSC về mặt dài hạn.

BSC dự kiến sẽ lên sàn trong sáu tháng tới. Chúng tôi ý thức về tầm quan trọng của một công ty niêm yết và đích niêm yết mới là đích tiến trong giai đoạn này, và chúng tôi xem IPO chỉ là một công đoạn trung gian cho quá trình chuẩn bị niêm yết.

Kế hoạch phát triển của BSC trong các năm tới có gì đáng chú ý, thưa bà?

BSC sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ sang thị trường vốn, trong đó, tập trung mở rộng các loại hình sản phẩm dịch vụ của một ngân hàng đầu tư, hướng đến việc trở thành một trong những nhà tạo lập thị trường vốn hàng đầu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì chức năng môi giới, với mục tiêu đưa thị phần môi giới của BSC trở lại top 5 công ty dẫn đầu thị trường, thông qua sự liên kết và gắn kết chặt chẽ các sản phẩm dịch vụ trọn gói từ khâu tư vấn tài chính cho đến đầu tư.

Vai trò hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với sự phát triển của BSC giai đoạn sau IPO sẽ như thế nào?

Vai trò của BIDV là rất lớn, đặc biệt trong quá trình ban đầu thành lập BSC. Là một trong bốn ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất tại Việt Nam, BIDV đã hỗ trợ BSC thiết lập mạng lưới hoạt động kinh doanh trên khắp cả nước.

Tính đến tháng 1/2010, BSC đã thiết lập 27 đại lý nhận lệnh trong cả nước và xây dưng quan hệ đối tác chiến lược với các tổ chức nước ngoài thuộc khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Trong đó, việc thiết lập quan hệ với doanh nghiệp và khách hàng tại các địa bàn chi nhánh của BIDV là giá trị và lợi thế rất lớn của BSC. Ngoài ra là những kiến thức và kinh nghiệm quý báu được tích lũy từ hoạt động ngân hàng trong hơn 50 năm qua của hệ thống BIDV.

Nhiều người cho rằng sau cổ phần hóa là giai đoạn các công ty nhà nước chuyển sang quá trình “cai sữa” mẹ, bà đánh giá những thách thức mà công ty có thể gặp phải? Liệu việc này có ảnh hưởng đến hoạt động của công ty?

Những khó khăn từ việc bắt đầu tách khỏi sự hỗ trợ của BIDV như trước đây là đương nhiên, nhưng cũng là cơ hội cho BSC. Nếu sự hỗ trợ trước đây là cần thiết và giúp BSC đủ lớn mạnh và tự tin để “bước ra ánh sáng”, thì quá trình tự khẳng định mình bằng nỗ lực tự thân sau cổ phần hóa sẽ tạo điều kiện cho BSC có những thay đổi mới, về mặt cơ chế quản lý cũng như về mặt con người, công nghệ.

Tôi cho rằng với vị thế của BSC hiện giờ, thì cái lợi sẽ nhiều hơn là những khó khăn gặp phải, và việc này sẽ không ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của công ty.