Bức tranh thương mại Hồng Kông “xám đi” do du lịch suy yếu
Số lượng khách quốc tế đến Hồng Kông trong năm nay không còn nhiều như trước năm đại dịch. Lượng du khách đến thành phố này trong tháng 6 thấp hơn 42% so với cùng kỳ năm 2018...
Bức tranh thương mại của Hồng Kông hiện đang tương phản rõ rệt so với thập niên trước, khi số lượng khách từ Trung Quốc đại lục chen chúc mua sắm ở các cửa hàng bán đồ xa xỉ. Hậu quả là chi tiêu của người tiêu dùng suy giảm. Doanh số bán lẻ trong tháng 6 rơi xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ của bất kỳ năm nào kể từ năm 2011.
Năm 2018, tổng lượt khách quốc tế đạt 65 triệu, Hồng Kông trở thành một trong những điểm du lịch nóng nhất trên toàn cầu. Năm đó, Hồng Kông cũng chiếm giữ ngôi vị thành phố có khu bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới khi các thương hiệu quốc tế cạnh tranh để giành được "miếng bánh" tiêu dùng.
Theo Bloomberg, năm nay, chi tiêu yếu của du khách có thể gây áp lực nền kinh tế địa phương, vốn đang có dấu hiệu căng thẳng sau khi phục hồi trong quý đầu tiên. Trong tháng này, chính quyền Hồng Kông hạ thấp mục tiêu tăng trưởng cho năm 2023, và cho biết du lịch và chi tiêu tiêu dùng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm.
Truyền thông Hồng Kông dự đoán, ngay cả khi số lượng khách Trung Quốc đại lục tăng đáng kể, họ khó có thể chi tiêu mạnh tay như trước. Giá nhà sụt giảm và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp gia tăng đã làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giữa lúc triển vọng tăng trưởng ảm đạm. Đồng nhân dân tệ mất giá nhanh chóng cũng khiến Hồng Kông trở thành nơi mua sắm đắt đỏ hơn. Đồng đô la Hồng Kông, được neo giá với đồng bạc xanh, đang giao dịch gần mức mạnh nhất so với nhân dân tệ kể từ năm 2008.
Những hạn chế về hàng không cũng kìm hãm du lịch. Sân bay Hồng Kông, trước đây là sân bay bận rộn thứ ba thế giới về lượng hành khách quốc tế, đang hoạt động với 60% công suất so với thời điểm trước Covid-19, phần lớn là do thiếu nhân lực. Các khách sạn cũng vẫn chưa phục hồi đầy đủ các dịch vụ như trước đại dịch. Caspar Tsui, giám đốc Liên đoàn các chủ khách sạn Hồng Kông, cho biết: “Năng lực vận tải và hậu cần đang ảnh hưởng lớn đến số lượng du khách có thể đến và nghỉ qua đêm ở Hồng Kông”.
Trong một dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh doanh của Hồng Kông đang u ám, truyền thông địa phương đưa tin, một cửa hàng ở trung tâm du lịch Tsim Sha Tsui gần đây đã được cho thuê với giá thấp hơn 70% so với giá mà tập đoàn hàng xa xỉ Burberry Group trả vào năm 2014. Khách thuê mới nhất là một thương hiệu trang sức Trung Quốc. “Du khách đang tìm kiếm trải nghiệm, thay vì chỉ mua sắm”, Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng Natixis, nói.
Khi lượng du khách quốc tế vẫn ở mức thấp, người Hồng Kông lại chọn đi du lịch sang Trung Quốc đại lục, nơi hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn, do đồng nhân dân tệ mất giá. Trong tháng 6, có khoảng 5 triệu lượt khách Hồng Kông đến đến Trung Quốc đại lục, bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2018. Ngay cả cuộc sống về đêm nổi tiếng thế giới của thành phố Hồng Kông cũng bị ảnh hưởng. Các quán bar ở các khu thương mại của thành phố chỉ kiếm được doanh thu hàng tháng ở mức 70% của trước đại dịch.
Chính phủ Trung Quốc mới đây thậm chí đã công bố có kế hoạch nâng cao vị thế của đảo Hải Nam hơn nữa. Bắc Kinh đặt mục tiêu miễn thuế cho toàn bộ hàng hóa bán trên hòn đảo vào năm 2025. Sau thời gian này, bán lẻ miễn thuế sẽ không còn giới hạn trong 12 trung tâm thương mại hiện có thuộc sở hữu của các đại gia bán lẻ du lịch như China Duty Free. Thay vào đó, toàn bộ hòn đảo sẽ được miễn thuế. Về cơ bản, mức giá rẻ hơn từ 10 - 40% đối với các loại hàng hóa từ mỹ phẩm, rượu và các sản phẩm xa xỉ.
Sự thay đổi này đang tác động đến những trung tâm xa xỉ truyền thống là Hong Kong và Macau - 2 đặc khu hành chính của Trung Quốc. Từ trước đến nay, Hong Kong vẫn được hưởng vị thế đặc biệt là thiên đường mua sắm miễn thuế của Trung Quốc đại lục. Trong khi các quan chức lập luận rằng Hải Nam và Hong Kong sẽ bổ sung cho nhau chứ không phải cạnh tranh, thì sự thật là Hải Nam sẽ cung cấp một giải pháp thay thế hấp dẫn hơn cho người dân đại lục để mua sắm hàng xa xỉ. LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ hàng đầu thế giới, đang chuyển các nguồn lực ra khỏi Hong Kong và tập trung đầu tư nhiều hơn vào các thành phố đại lục bao gồm Thượng Hải và Thâm Quyến.
Theo Jing Daily, Hải Nam lớn hơn nhiều so với Hong Kong về mặt địa lý và đường bờ biển dài của nơi này mang đến nhiều điểm tham quan tự nhiên để phát triển du lịch. Với giá cả cạnh tranh hơn và số lượng cửa hàng bán lẻ lớn hơn để lựa chọn, Hải Nam có thể trở thành điểm đến mua sắm hàng đầu của người tiêu dùng Trung Quốc. Do đó, Alicia Garcia-Herrero, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn kinh tế Bruegel, nhận định, trừ khi du khách phục hồi về mức trước năm 2019, tốc độ tăng trưởng của Hồng Kông sẽ chậm lại trong nửa cuối năm.
Chính quyền Hồng Kông hiện đã phát động một loạt chiến dịch trong năm nay nhằm thu hút du khách và cải thiện hình ảnh của thành phố, bao gồm chiến dịch du lịch “Xin chào Hồng Kông”, tặng vé máy bay và đưa các ngôi sao điện ảnh cũng như những người có ảnh hưởng đến Hồng Kông... Người đứng đầu cơ quan tài chính Hồng Kông Paul Chan cho biết thành phố cần cải thiện khả năng cạnh tranh và thu hút du khách. Ông tiết lộ thêm thành phố sẽ tổ chức nhiều sự kiện hơn, như chợ đêm và triển lãm.
Mới đây, để nắm bắt nhu cầu du lịch MICE đang bị dồn nén trong khu vực, Tổng cục Du lịch Hồng Kông đã tổ chức nhiều chuyến đi làm quen được sắp xếp một cách khéo léo, chu đáo để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Hơn 160 đại lý và công ty du lịch đến từ Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc và Ấn Độ đã đến khảo sát và trải nghiệm trực tiếp tại Hồng Kông. Ông Kenneth Wong, Tổng giám đốc, Bộ phận MICE và Du lịch tàu biển (MICE& Cruise) của HKTB, cho biết: “Thấy là tin – là cách tốt nhất để mọi người trải nghiệm những gì Hồng Kông mang lại, vì các điểm tham quan mới đã được công bố, các sản phẩm MICE sáng tạo và hỗ trợ tài chính hào phóng cũng đã được giới thiệu”.
Tổng cục Du lịch Hồng Kông cũng thông báo sẽ hỗ trợ các nhà làm phim đến từ các quốc gia khác. Thông qua sự hỗ trợ này, Tổng cục Du lịch Hồng Kông muốn quảng bá những nét văn hóa độc đáo và riêng biệt của xứ Cảng Thơm thông qua phim ảnh. Hiện nay, Tổng cục Du lịch Hồng Kông đang hỗ trợ việc thực hiện bộ phim châu Á Under Parallel Skies (tạm dịch: Dưới bầu trời song song), với sự tham gia của nam diễn viên đình đám xứ chùa Vàng Win Metawin và nữ diễn viên Philippines Janella Salvador.