12:25 26/02/2024

“Bùng nổ” xu hướng: Năm mới tiêu dùng đồ cũ

Minh Nguyệt

Không từ bỏ nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cao cấp, cũng không lựa chọn sản phẩm thay thế ở mức giá thấp hơn, nhóm người tiêu dùng trẻ mua hàng đã qua sử dụng để cắt giảm chi phí...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cuộc khảo sát mới nhất của eBay cho thấy, trong hai đợt sale lớn nhất dịp cuối năm 2023 (Black Friday và Giáng sinh), hơn 60% người tiêu dùng Gen Z cho biết họ đã mua những món đồ đã qua sử dụng, với độ mới trung bình khoảng 95%. Theo ước tính của Bain & Company, các sản phẩm xa xỉ cũ (secondhand) đã được bán trên toàn thế giới vào năm 2023 khoảng 49,3 tỷ USD. Còn kết quả báo cáo của The Wall Street Journal dự đoán, trong 5 năm tới, thị trường hàng đã qua sử dụng dự kiến sẽ tăng tới 80% và đạt 289 tỷ USD.

XU HƯỚNG CỦA THỜI LẠM PHÁT

“Thế hệ Gen Z đã trở nên hiểu biết hơn bao giờ hết trước những áp lực mà họ đang phải gánh chịu. Với tình hình lạm phát như hiện tại, lựa chọn tiêu dùng hàng đã qua sử dụng là quyết định thông minh, khi đặt mục tiêu được sử dụng hàng chất lượng tốt nhất với mức giá rẻ nhất có thể”, Eve Williams, Giám đốc Nghiên cứu thị trường mua sắm trực tuyến ở Anh, khẳng định. Trong khi đó, số liệu thống kê của ThredUp - một nền tảng chuyên mua bán đồ đã qua sử dụng - cho thấy lượng người dùng là Gen Z đã tăng khoảng 30% chỉ trong 3 tháng cuối năm 2023.

Khảo sát của eBay và ThredUp cũng cho biết 56% thế hệ Millennials và 40% thế hệ Gen X cũng đang dành sự quan tâm hơn cho thị trường đồ cũ, so với việc mua những món đồ mới 100%. Năm 2023, nhu cầu của người tiêu dùng mua hàng đã qua sử dụng tại Anh và khắp châu Âu đã mang lại cho Amazon 1 tỷ bảng Anh (1,3 tỷ USD). CEO Amazon tại Anh, ông John Boumphrey cho biết, nhiều khách hàng cho biết họ mua sắm đồ đã qua sử dụng để tiết kiệm tiền trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay, cũng như theo đuổi xu hướng mua sắm bền vững hơn.

Trong 5 năm tới, thị trường hàng đã qua sử dụng dự kiến sẽ tăng tới 80% và đạt 289 tỷ USD.
Trong 5 năm tới, thị trường hàng đã qua sử dụng dự kiến sẽ tăng tới 80% và đạt 289 tỷ USD.

Tương tự tại Mỹ, 82% người Mỹ, tương đương 272 triệu người, mua hoặc bán các sản phẩm đã qua sử dụng, bao gồm đồ điện tử, đồ nội thất, đồ gia dụng và thiết bị thể thao và quần áo, theo trang OfferUp. Hầu hết người tiêu dùng mua đồ đã qua sử dụng do giá rẻ. Theo một báo cáo của CouponFollow, những người này tiết kiệm trung bình gần 150 USD mỗi tháng, hay 1.760 USD một năm bằng cách mua đồ cũ.

Giám đốc bán hàng của Kiabi chi nhánh Bỉ, bà Doriane Magnus, cho biết hiện nay nhu cầu chính là hàng đã qua sử dụng. Hơn nữa, các thương hiệu tung ra thị trường hàng cũ không giới hạn ở riêng thương hiệu nào. Kiabi bán quần áo cho cả nam giới và phụ nữ, trẻ sơ sinh và trẻ em. Trong khi thương hiệu bán lẻ Decathlon chào đón tất cả các thương hiệu và tất cả các sản phẩm: dệt may, giày dép, lều, túi xách... Không chỉ xe đạp, xe tay ga mà cả các thiết bị thể dục như máy chèo hoặc xe đạp tập thể dục cũ đều được yêu thích.

Còn tại Pháp vào mùa mua sắm cuối năm vừa qua, áp lực lạm phát và những khó khăn về kinh tế khiến 54% số người tiêu dùng Pháp đã chuyển qua mua các món đồ đã qua sử dụng để giảm bớt chi phí, theo eBay. Xu hướng tiêu dùng tiết kiệm và bền vững hiện cũng đang nhận được sự khuyến khích tại Pháp. Tháng 10/2023, Chính phủ nước này đã áp dụng chương trình hoàn tiền cho những người tiêu dùng đem quần áo và giày dép đi sửa chữa, thay vì mua mới, qua đó giảm lãng phí và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Trên ThredUp, lượng người dùng là Gen Z đã tăng khoảng 30% chỉ trong 3 tháng cuối năm 2023.
Trên ThredUp, lượng người dùng là Gen Z đã tăng khoảng 30% chỉ trong 3 tháng cuối năm 2023.

Trong bối cảnh đó, các nhà bán lẻ thời trang lớn ở châu Âu đang thử nghiệm kinh doanh quần áo cũ trong nỗ lực khai thác nhu cầu tiềm năng từ những khách hàng có ý thức bền vững. Tháng 12/2023, thương hiệu Zara của Inditex (Tây Ban Nha) mở rộng dịch vụ Pre-Owned ra 14 nước ở châu Âu, cho phép người tiêu dùng bán lại hoặc sửa chữa quần áo của thương hiệu. Thương hiệu H&M của Thụy Điển đã xây dựng nền tảng Rewear nhằm bán và mua quần áo đã qua sử dụng từ bất kỳ thương hiệu nào. Mới đây nhất, lần đầu tiên “ông lớn” thời trang Nhật Bản Uniqlo cũng đã mở một cửa hàng bán áo quần đã qua sử dụng tại Tokyo.

Tính riêng thị trường thời trang secondhand toàn cầu, dự kiến đạt giá trị 351 tỷ USD vào năm 2027, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Statista. “Thị trường thời trang secondhand toàn cầu đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2017 và dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu nhờ nhu cầu của thế hệ trẻ”, Achim Berg, cố vấn về thời trang và hàng xa xỉ toàn cầu của hãng tư vấn quản lý McKinsey, nhận xét.

Theo nghiên cứu của tổ chức tư vấn RedSeer Strategy Consultants (Ấn Độ), thị trường đồ cũ ở Việt Nam được dự báo sẽ vượt 5 tỷ USD vào năm 2026, tăng mạnh so với giá trị hiện tại là 1,1 tỷ USD...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 09-2024 phát hành ngày 26/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

“Bùng nổ” xu hướng: Năm mới tiêu dùng đồ cũ - Ảnh 1