13:53 22/04/2025

Bước chuyển mình trong dòng chảy phát triển xanh toàn cầu

Phương Hoa

Bằng những nỗ lực cụ thể và hành động thiết thực, Việt Nam khẳng định vai trò nổi bật trên hành trình phát triển xanh và bền vững. Không chỉ là một thành viên tích cực của Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G), Việt Nam còn ghi dấu ấn qua những kết quả thực tiễn ấn tượng, thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với tương lai xanh của quốc gia và toàn cầu...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việt Nam hiện đang được xem là một trong những mắt xích quan trọng và nổi bật trong tiến trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững toàn cầu. Không chỉ dừng lại ở những cam kết chính trị mạnh mẽ, Việt Nam đang chủ động hiện thực hóa các mục tiêu này thông qua việc triển khai hàng loạt chính sách cụ thể, sáng kiến thiết thực và thúc đẩy hợp tác sâu rộng với các đối tác quốc tế.

Thông qua Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4 diễn ra từ ngày 14 - 17/4/2025 tại Hà Nội, cộng đồng quốc tế một lần nữa đánh giá cao những bước tiến thực chất của Việt Nam trong việc thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo và xây dựng một nền kinh tế phát thải thấp. Đồng thời, những cam kết và hành động của Việt Nam đang góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc để chuyển đổi xanh trở thành động lực chiến lược cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Xu hướng chuyển đổi xanh đang trở thành một định hướng phát triển tất yếu và ngày càng đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển bền vững của các quốc gia trên toàn cầu.

CHỦ ĐỘNG KIẾN TẠO TƯƠNG LAI XANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Trong làn sóng toàn cầu này, bà Amina Mohammed, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (UN), đánh giá Việt Nam đang nổi bật như một hình mẫu điển hình trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bền vững. Việt Nam không chỉ chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn đang kiến tạo một xã hội lấy phát triển xanh và phát triển bền vững toàn diện làm trọng tâm.

Cụ thể, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ bằng việc cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây được xem là một mục tiêu đầy tham vọng thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Không dừng lại ở đó, Việt Nam đã cụ thể hóa tầm nhìn này trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030: cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

Nhờ những bước đi rõ ràng và thực chất đó, bà Mohammed cho rằng Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo ngày càng rõ nét của Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi xanh toàn cầu. Vai trò này không chỉ ở tầm nhìn chiến lược mà còn ở năng lực triển khai thực tế, đặc biệt là trong việc thúc đẩy các hành động cụ thể gắn liền với tăng trưởng xanh, công bằng xã hội và chuyển đổi năng lượng bền vững.

Đáng chú ý, chiến lược thu hút dòng vốn xanh đang trở thành một trong những trọng tâm then chốt của Việt Nam. Dù bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn thu hút lượng vốn FDI lên tới 2-3 tỷ USD mỗi tháng, trong đó có một tỷ lệ đáng kể đầu tư vào lĩnh vực xanh và công nghệ sạch. 

“Việt Nam đang chứng minh với thế giới rằng thu hút đầu tư vào tăng trưởng xanh là hoàn toàn khả thi, ngay cả trong thời điểm nhiều bất định và đây chính là tín hiệu tích cực và đầy cảm hứng cho các quốc gia đang phát triển”, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.

Đồng thời, chuyển đổi sang năng lượng sạch đã và đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam. Tính đến cuối năm 2024, năng lượng tái tạo đã chiếm khoảng 27% tổng công suất điện của cả nước, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển bền vững.

Trước những nỗ lực đáng ghi nhận đó, ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nhận định rằng Việt Nam, với vị thế là nhà cung cấp năng lượng tái tạo hàng đầu khu vực, đang sở hữu nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác chiến lược với các đối tác toàn cầu trong lĩnh vực xanh. Những chuyển biến tích cực đang diễn ra không chỉ tại Việt Nam, mà còn lan tỏa tại nhiều quốc gia khác, góp phần tạo nên làn sóng toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

KÍCH HOẠT CHUYỂN ĐỔI XANH TỪ HỢP TÁC CÔNG-TƯ

Ông Cormann cho biết Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo hiệu quả khi định hướng được cho các chủ thể trong xã hội cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh, từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ người dân đô thị đến nông thôn, thông qua các chính sách cụ thể như đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ sạch và thúc đẩy tiếp cận tài chính xanh.  “Đây là minh chứng rõ ràng cho việc Chính phủ không chỉ định hướng mà còn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi xanh”, ông Cormann nhấn mạnh.

Trong nhiều năm vừa qua, Việt Nam đã và đang xây dựng một lộ trình phát triển vững chắc, hướng đến nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Những cam kết mạnh mẽ cùng các hành động cụ thể trong nước, cho thấy quyết tâm chuyển mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để hành trình này đạt được những kết quả thiết thực và bền vững hơn nữa, việc thúc đẩy mô hình hợp tác công- tư (PPP) đóng vai trò vô cùng quan trọng....

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2025 phát hành ngày 21/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây 

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1365

Bước chuyển mình trong dòng chảy phát triển xanh toàn cầu - Ảnh 1