08:49 17/06/2021

Bước ngoặt chính sách của Fed:  Phát tín hiệu thắt chặt, dự kiến nâng lãi suất từ 2023

An Huy

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 16/6 bắt đầu tiến tới thắt lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của thời Covid-19…

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 16/6 bắt đầu tiến tới thắt lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của thời Covid-19, bằng dự báo đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất và mở ra cuộc thảo luận về cắt giảm chương trình mua tài sản. Fed cho rằng đến thời điểm này, đại dịch không còn là thách thức lớn nhất của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo tin từ Reuters, tuyên bố sau cuộc họp định kỳ kéo dài hai ngày 15-16/6 cho thấy một sự thay đổi lớn trong chính sách tiền tệ của Fed có thể sẽ diễn ra sớm hơn dự kiến trước đây. Các quan chức thuộc Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách trong Fed – dự báo lần nâng lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra trong năm 2023, thay vì năm 2024 như dự báo đưa ra trong các lần họp trước.

LÁ PHIẾU NIỀM TIN VÀO SỰ PHỤC HỒI KINH TẾ

13/18 quan chức của FOMC dự báo lãi suất sẽ tăng trong 2023, chỉ có 5 vị cho rằng lãi suất sẽ giữ nguyên cho tới hết năm 2023. 11 vị cho rằng lãi suất sẽ tăng hai lần trong 2023, mỗi lần tăng 0,25%.

Thậm chí, có 7 quan chức FOMC dự báo lãi suất tăng trong năm 2022 – cho thấy khả năng Fed có thể hành động sớm hơn nữa.

Trong một cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói Fed đã bắt đầu thảo luận về thời điểm cắt giảm chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD vì nền kinh tế Mỹ tiếp tục hồi phục nhanh.

Giới phân tích đánh giá rằng phát biểu của ông Powell và tuyên bố của Fed thể hiện một lá phiếu niềm tin mạnh mẽ rằng sự phục hồi kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng, rằng mối lo về đại dịch đã dịu đi rất nhiều.

 

“Sự thay đổi lập trường này ít nhiều xung đột với những tuyên bố gần đây của Fed rằng lạm phát tăng vọt chỉ là tạm thời. Fed bắt đầu đối mặt với sức ép làm thế nào để giải thích về lập trường mới mà không khiến thị trường hoảng sợ” -  chuyên gia kinh tế James McCann, Aberdeen Standard Investments.

Tuyên bố của Fed đã bỏ đoạn nói rằng cuộc khủng hoảng Covid “tiếp tục gây sức ép” lên nền kinh tế - một nội dung thường trực trong các tuyên bố của Fed kể từ khi đại dịch bắt đầu. Thay vào đó, Fed nói rằng tác dụng của vaccine “sẽ tiếp tục giảm bớt tác động” của đại dịch. Một ngày trước, hai bang New York và California đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế liên quan đến Covid.

“Thật tuyệt vời khi chứng kiến nền kinh tế mở cửa trở lại… và cuộc sống của mọi người trở lại bình thường. Ai mà lại không muốn chứng kiến điều đó chứ?” ông Powell phát biểu, nhưng nhấn mạnh rằng các quan chức ngân hàng trung ương sẽ từ tốn và thận trọng trong việc công bố bất kỳ một chiến thắng cuối cùng nào với virus corona.

Dù sao, lần họp này của Fed cũng được nhận định là một bước ngoặt khỏi chính sách chống khủng hoảng mà Fed đã theo đuổi kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ông Powell nói rằng cuộc thảo luận về cắt giảm chương trình mua tài sản và về tăng lãi suất – bất cứ khi nào được khởi động – cũng sẽ là một dấu hiệu cho thấy sự tin tưởng vào tiến trình phục hồi kinh tế Mỹ.

Fed dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 7% trong năm nay, thay vì mức dự báo tăng 6,5% đưa ra hồi tháng 3. Con số này cũng nhỉnh hơn mức dự báo tăng 6,9% mà các chuyên gia được Reuters khảo sát dành cho nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 2021.

ÁP LỰC ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH NGÀY CÀNG LỚN

Cần phải nói thêm rằng ngôn từ mới trong tuyên bố của Fed không có nghĩa là Fed sẽ ngay lập tức cơ sự điều chỉnh chính sách. Fed vẫn giữ lãi suất ở mức 0-0,25% và tiếp tục chi 120 tỷ USD mỗi tháng để mua trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu đảm bảo bằng nợ địa ốc. Fed vẫn cam kết dùng chính sách tiền tệ để hỗ trợ sự hồi phục của thị trường việc làm, nhắc lại rằng sẽ không thay đổi chính sách cho tới khi “có thêm bước tiến lớn” trên thị trường lao động.

 

Theo dự báo của Fed, lạm phát ở Mỹ năm nay có thể cao hơn 3,5 điểm phần trăm so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra, và có khả năng tiếp tục tăng trong 2 năm tới.

So với trước đại dịch, số việc làm ở Mỹ hiện nay vẫn ít hơn khoảng 7,5 triệu công việc. Fed vẫn nói rằng còn một chặng đường dài phải đi trước khi có đủ việc làm cho người lao động ở nước này. Ông Powell cũng nói bất kỳ sự dịch chuyển chính sách nào trong tương lai cũng đều phải dựa trên các số liệu kinh tế cụ thể.

Tuy nhiên, các dự báo kinh tế mới nhất cho thấy áp lực điều chỉnh chính sách của Fed ngày càng lớn.

Cùng với sự phục hồi tăng trưởng, giá cả cũng đang leo thang. Theo dự báo của Fed, lạm phát ở Mỹ năm nay có thể cao hơn 3,5 điểm phần trăm so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra, và có khả năng tiếp tục tăng trong 2 năm tới.

Ông Powell nói ông tiếp tục rằng giá cả tăng nóng chủ yếu là do một số yếu tố đặc biệt khi nền kinh tế 20 nghìn tỷ USD của Mỹ mở cửa trở lại. Trong số này có các nút thắt nguồn cung gây hạn chế sản lượng hàng hoá, và những vấn đề khiến một số người lao động không tìm được việc làm trong khi một số khác được trả lương cao hơn. Nhưng ông Powell cũng thừa nhận lạm phát tăng có thể duy trì – một khả năng thúc đẩy các quan chức Fed tính đến việc nâng lãi suất sớm hơn.

“Sự thay đổi lập trường này ít nhiều xung đột với những tuyên bố gần đây của Fed rằng lạm phát tăng vọt chỉ là tạm thời”, chuyên gia kinh tế James McCann của Aberdeen Standard Investments phát biểu. “Fed bắt đầu đối mặt với sức ép làm thế nào để giải thích về lập trường mới mà không khiến thị trường hoảng sợ”.