11:06 18/09/2015

Buôn người, “ngành công nghiệp” phát đạt vùng Địa Trung Hải

Ngọc Diệp

Phải là người Syria khá giàu mới có thể di cư sang châu Âu, bởi số tiền mỗi người phải trả lên đến nhiều nghìn USD

Với mỗi chuyến tàu chở người ra khơi, băng nhóm của Ahmed được cho là 
kiếm được khoảng 37.000 USD, mỗi tuần họ kiếm được khoảng trên 700.000 
USD cho xấp xỉ 20 chuyến đi sang châu Âu, mỗi tháng kiếm trên 2 triệu 
USD. <br>
Với mỗi chuyến tàu chở người ra khơi, băng nhóm của Ahmed được cho là kiếm được khoảng 37.000 USD, mỗi tuần họ kiếm được khoảng trên 700.000 USD cho xấp xỉ 20 chuyến đi sang châu Âu, mỗi tháng kiếm trên 2 triệu USD. <br>
Ngay cả khi đã bỏ nhiều tiền, những người di cư vẫn có khả năng bị hành hạ, bị ngược đãi đến mất mạng.

Chất càng nhiều càng tốt

Theo một bài báo trên The Guardian, những thành phố cảng ở miền Bắc Lybia nơi từng nổi tiếng với nghề cá và các sản phẩm cá nay đã không còn mấy ngư dân nữa.

Bởi các ngư dân đã có nghề mới: đứng tên mua tầu cá để bán lại kiếm lời, hoặc chính họ đứng ra buôn người.

Kẻ buôn người nào cũng luôn miệng nói rằng anh ta rất nhân đạo và chỉ muốn giúp đỡ những người di cư. Thế nhưng trên thực tế, độ nhân đạo sẽ phụ thuộc vào số tiền mà người di cư chấp nhận chi trả.

Tiền thường được thanh toán làm hai lần, người di cư sẽ đặt cọc một nửa khi họ quyết định đi, một nửa còn lại sẽ được trả cho những kẻ buôn người khi chuyến đi kết thúc.

Để vượt biển, dù là người đến từ các nước châu Phi hay như Syria thuộc Trung Đông, tất cả đều phải tập trung ở khu vực bờ biển Lybia. Khi đã đi từ chính quốc đến được bờ biển Lybia, yếu tố quốc tịch sẽ quyết định người đó phải trả bao nhiêu tiền để sang được châu Âu.

Thông thường với người đến từ khu vực Trung Phi, mức giá sẽ khoảng 800 đến 1.000 USD. Thế nhưng người đến từ vùng chiến sự Syria sẽ phải trả 2.500 USD hoặc cao hơn nữa. Đó là chưa kể đến việc những kẻ buôn người thường muốn dồn càng nhiều người lên tầu càng tốt.

Đây chính là nguyên nhân của nhiều thảm họa trên biển Địa Trung Hải. Một chiếc tầu cá dài 17 - 18 m chỉ có thể chở tối đa 300 người, nhưng những kẻ buôn người thường để nó ra khơi với số lượng người từ 350 trở lên, thậm chí là 700 - 800.

Một kẻ buôn người có tên Ahmed cho biết những người Syria đến được bờ biển Lybia thường khá giàu và muốn rời đất nước bằng mọi giá, và đi càng sớm càng tốt. Vì thế họ thường hỏi giá của cả con tàu, chấp nhận bao cả tàu, trả thêm 20% phụ phí và không cho phép cho thêm người lên. Nhưng nhiều người Trung Phi ít tiền thì chấp nhận để chủ tàu chất đầy hành khách.

Những trùm buôn người thường kiếm siêu lợi nhuận. Với mỗi chuyến tàu chở người ra khơi, băng nhóm của Ahmed được cho là kiếm được khoảng 37.000 USD, mỗi tuần họ kiếm được khoảng trên 700.000 USD cho xấp xỉ 20 chuyến đi sang châu Âu, mỗi tháng kiếm trên 2 triệu USD.

Thế nhưng theo một số tay buôn người khác, con số thực tế thậm chí còn cao hơn rất nhiều.

Và không phải cứ bỏ tiền ra thì sẽ được lên tàu đi châu Âu ngay. Sau khi thanh toán nửa phần tiền, những người này sẽ bị gom vào một khu vực giống như trại tập trung, sống trong điều kiện hết sức tồi tệ, nhưng chi phí hàng ngày cao cắt cổ. Họ không dám ra thuê chỗ khác ở bởi bọn buôn người luôn miệng khẳng định có thể lên đường bất kỳ lúc nào. Điều kiện sống nguy hiểm, có những người phụ nữ bị lạm dụng tình dục mà không dám bỏ đi.

Dababneh, một kỹ sư dầu khí người Syria mới đến Ý được vài ngày, cho biết: "Chúng tôi bị dồn vào một căn nhà kho, họ tịch thu mọi điện thoại. Không ai được phép mang theo hành lý, chúng tôi được cung cấp chút thức ăn nước uống".

300 nghìn người trong 8 tháng

Theo báo Daily Mail, thay cho việc đi trực tiếp từ khu vực Bắc Phi, người Syria còn có thể lựa chọn đi qua Thổ Nhĩ Kỳ để đến đảo Lesbos của Hy Lạp. Mỗi người tham gia hành trình sẽ phải thanh toán khoảng 1.500 USD, và mọi giao dịch đều được thực hiện bằng tiền mặt.

Một người Syria có tên Ismail đã đến Thổ Nhĩ Kỳ cùng với 8 thành viên khác trong gia đình cách đây khoảng một tháng. Anh cho biết với chiếc xuồng cao su dài chỉ 7 mét, người ta đã nhét đến hơn 60 người lên đó. Rất nhiều lần, khi biển có sóng to, anh đã sợ hãi nghĩ đến khả năng tàu chìm.

Với 9 thành viên trong gia đình, Ismail phải thanh toán 15.000 USD cho hành trình vượt biển. Sau khi đến Hy Lạp, gia đình anh được sắp xếp ở tại một sân vận động, sau đó chờ được chính quyền Hy Lạp phân loại.

Tuy nhiên, mức chi phí trên chưa tính đến việc họ phải trả khoảng 300 đến 500 USD để mua giấy tờ tùy thân giả, nếu muốn nhập cảnh trót lọt vào một số nước như Đức hay Thụy Điển.

Còn nếu muốn đảm bảo hoàn toàn an toàn khi đến châu Âu, mỗi người di cư sẽ phải trả ít nhất 3.500 USD.

Cho đến nay, các tuyến đường biển để sang châu Âu vẫn là lựa chọn phổ biến nhất của những người di cư Syria. Tính toán của Liên hiệp quốc cho thấy 8 tháng đầu năm 2015, đã có 300 nghìn người châu Phi, Trung Đông, châu Á sang châu Âu qua các tuyến đường biển vượt Địa Trung Hải, trong khi đó con số này cả năm 2014 chỉ là hơn 200 nghìn.

Con đường bất ngờ

Abdul Mohammed, một tiểu thương Syria, kể lại câu chuyện anh đã đến Na Uy như thế nào với phóng viên của Wall Street Journal.

Bom đạn đã phá hủy cửa hàng tạp hóa của anh, nhiều người trong gia đình anh bị thương khi đi qua các vùng chiến sự. Dù chưa có ai trong gia đình mất mạng, nhưng Abdul vẫn quyết định ra đi.

Nhưng chọn đi bằng đường nào không phải là đơn giản. Sau rất nhiều cân nhắc, cuối cùng anh đã chọn đi sang Nga.

Những năm gần đây, tuyến đường vào châu Âu qua Nga được nhiều người Syria lựa chọn, bởi dù xa xôi lạnh giá nhưng rủi ro mất mạng thấp hơn, ngoài ra cũng đỡ bị bọn buôn người lừa tiền.

Chặng đường của họ như sau: 250 USD để mua visa sang Nga, 1.600 USD để mua vé máy bay sang Moscow, và khoảng 500 USD chi phí ăn uống dọc đường cùng với 150 USD để mua xe đạp đạp từ thị trấn đến khu vực biên giới Nga - Na Uy.

Theo thống kê của cảnh sát Na Uy, trong năm nay đã có khoảng 150 người Syria nhập cảnh vào Na Uy theo đường này, từ đó họ tiếp tục mua vé tàu hoặc máy bay để đến các quốc gia châu Âu khác.

So với khoảng 4 triệu người Syria đã rời đất nước từ khi cuộc nội chiến bắt đầu thì con số 150 người là rất nhỏ, nhưng đáng chú ý là nó đã tăng nhanh trong năm 2015. Nhiều người Syria hiện đang còn ở Nga được dự báo sẽ tiếp tục chọn lối tương tự để sang châu Âu.