14:14 06/09/2018

Buông bỏ BOT, Tasco lại vỡ mộng vì bất động sản

KIỀU LINH

Công ty Cổ phần Tasco (mã HUT - HNX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2018, trong đó ghi nhận nhiều chỉ tiêu kinh doanh sa sút

Dự án  Xuân Phương Residence của Tasco.
Dự án Xuân Phương Residence của Tasco.

Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng qua của Tasco chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 598 tỷ đồng. Sự sụt giảm này do tất cả các mảng kinh doanh của Tasco đều giảm mạnh.

Cụ thể, doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 228,7 tỷ đồng, giảm 61,79%; doanh thu hoạt động thu phí đạt 288 tỷ đồng, giảm 0,76%; doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 57 tỷ đồng, giảm 19,65%; doanh thu hợp đồng xây dựng giảm 70,2%, từ 80 tỷ đồng năm ngoái xuống còn vỏn vẹn 24 tỷ đồng năm nay.

Theo lý giải của ban lãnh đạo công ty, doanh thu mảng bất động sản giảm mạnh là do chưa bán và bàn giao hết sản phẩm cho khách hàng. Đối với mảng xây dựng, doanh thu giảm là do công ty chuyển đổi định hướng sản xuất kinh doanh từ hoạt động xây lắp sang lĩnh vực đầu tư.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm, trong khi ghi nhận lỗ từ công ty liên kết hơn 1,5 tỷ đồng cùng với chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao dẫn đến nửa đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Tasco giảm mạnh 77,2%, chỉ còn 41 tỷ đồng.

Trước đó, Tasco đặt mục tiêu tài chính năm 2018 với tổng doanh thu dự kiến là 2.100 tỷ đồng giảm nhẹ so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế là 207 tỷ đồng, giảm 30,5%. Tuy nhiên, với con số vừa công bố thì Tasco khó mà đạt được mục tiêu như đã đề ra.

Tasco từng được mệnh danh là "ông trùm" BOT.  Tasco sở hữu hàng loạt dự án BOT, BT như dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 đoạn qua thành phố Hài Phòng; dự án xây dựng cải tạo nâng cấp quốc lộ 1; Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 đoạn qua tỉnh Thái Bình; dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc…

Việc đầu tư vào các dự án này đã đem lại cho Tasco một khoản lợi nhuận lớn. Có thể dẫn chứng là, riêng trong năm 2014, Tasco bứt phá với khoản lãi 253 tỷ đồng, gấp 25 lần lợi nhuận của năm 2013. Khoản lợi nhuận tăng đột biến nhờ dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc đưa vào vận hành và thu phí.

Tuy nhiên, năm 2017, lãnh đạo Tasco lại bất ngờ chuyển hướng kinh doanh, từ việc lấy BOT là "con gà đẻ trứng vàng" sang tập trung nguồn lực vào bất động sản theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (BT). Tasco đầu tư lớn vào lĩnh vực bất động sản với lợi thế là quỹ đất đối ứng từ các dự án giao thông.

Hàng loạt dự án bất động sản của Tasco thu hút sự quan tâm của dư luận như: Dự án Foresa Villa (khu nhà ở sinh thái Xuân Phương rộng 38ha), Dự án văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp 48 Trần Duy Hưng, Dự án đầu tư xây dựng nhà ở South Building - Pháp Vân, dự án  Xuân Phương Residence...

Dù kỳ vọng vào bất động sản nhưng mảng này không phải là "miếng pho mát dễ ăn" như lãnh đạo Tasco hằng mong muốn.

Tasco cho biết, trong năm 2017 vẫn chưa thực hiện được công tác bán hàng dự án Foresa Mỹ Đình như dự kiến. Công ty đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/500 của dự án nhưng thủ tục bị kéo dài so với dự kiến, dẫn đến tiến độ toàn dự án bị chậm.

Tại Dự án khu nhà ở cho Báo Nhân dân, Tasco cho biết mặc dù dự án đã thi công vượt tiến độ, tuy nhiên Công ty vẫn chưa ký được hợp đồng mua bán với gần 130 khách hàng là cán bộ nhân viên của Báo Nhân dân.

Do tình hình kinh doanh và hướng đi của Tasco đã có nhiều thay đổi. Các quỹ ngoại dường như cũng không còn tỏ ra mặn mà đối với cổ phiếu này. Có những dấu hiệu cho thấy các quỹ bắt đầu rút ra. Vinacapital hồi đầu tháng 6 đã bán ra 500.000 cổ phiếu HUT, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn hơn 6,7 triệu đơn vị (2,68%).

Hồi cuối tháng 6, Tasco cũng đã phải nhượng 70% vốn điều lệ công ty con duy nhất thuộc ngành điện cho đối tác ngoại. Tasco bán 70% cổ phần tại Công ty cổ phần Tasco Năng lượng (vốn 420 tỷ đồng) cho đối tác ngoại là Công ty Risen Energy (Hongkong) Co., Limited.