13:12 12/04/2023

Ca Covid-19 tăng trở lại có đáng lo ngại?

Nhật Dương

Số ca mắc Covid-19 đang gia tăng trở lại, cao nhất tại Hà Nội. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên chú ý các vấn đề dự phòng, đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao để hạn chế lây nhiễm bệnh…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 đang tăng trở lại, riêng ngày 11/4 ghi nhận 183 ca, tăng 70 ca so với ngày trước đó, đây cũng là ngày có số mắc cao nhất từ đầu năm đến nay.

Số ca Covid-19 gần đây chủ yếu tập trung tại miền Bắc, cao nhất là TP. Hà Nội. Trong tuần đầu của tháng 4, TP. Hà Nội ghi nhận 67 ca mắc, số mắc tăng 44 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn năm 2023, Hà Nội ghi nhận 263 mắc. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng nhận định trong tuần qua, số ca Covid-19 tăng so với tuần trước.

Theo các chuyên gia, số ca mắc Covid-19 gần đây gia tăng nguyên nhân có thể do miễn dịch cộng đồng giảm xuống, cùng với đó có sự chủ quan trong tự phòng bệnh, tụ tập đông mà không đeo khẩu trang làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus phát triển, trong đó có virus SARS-CoV-2.

Số ca mắc Covid-19 tăng trở lại từ đầu tháng 4 đến nay. Nguồn - Bộ Y tế.
Số ca mắc Covid-19 tăng trở lại từ đầu tháng 4 đến nay. Nguồn - Bộ Y tế.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cũng nhận định, số ca Covid-19 tăng có thể do miễn dịch của người sau tiêm vacicne hoặc từng nhiễm đã giảm, trong khi nhiều người lơ là không đeo khẩu trang nên lây nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, nước ta đã mở cửa du lịch, phát triển giao thương kinh tế, đo dó tình hình dịch bệnh của Việt Nam cũng không thể tách biệt với tình hình dịch của thế giới.

Để chủ động phòng, chống dịch Covid-19, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chú ý các vấn đề dự phòng, đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ...

Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận hơn 11,5 triệu ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.500 ca nhiễm).

Tổng số ca được điều trị khỏi 10,6 triệu ca, hiện có 10 ca đang thở ô xy. Tổng số liều vaccine đã được tiêm là trên 266 triệu liều.

Đến ngày 17/3/2023, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng cần tiếp tục đánh giá xem virus SARS-CoV-2 có tiếp tục biến đổi hay không; tiếp tục triển khai tiêm vaccine tới từng người dân, nhất là ở các nước kém phát triển.

Thế giới tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng lây lan nhanh hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến số mắc, số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát.

Để chủ động phòng, chống dịch Covid-19, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, quốc tế; tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gen nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt khi các biến thể mới của virus cũng như các biến thể phụ có khả năng gây bệnh nặng, né tránh miễn dịch hay giảm hiệu quả thuốc chữa bệnh.

Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19, đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao.

Tiếp tục đảm bảo công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp các ca mắc Covid-19 tăng cao; đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trong trường hợp phát sinh các tình huống mới của dịch bệnh…