17:30 10/02/2023

Bổ sung Covid-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội

Nhật Dương

Bộ Y tế đã bổ sung Covid-19 vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, quy định này chính thức áp dụng từ ngày 1/4 tới đây...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-BYT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4/2023. 

Theo đó, Thông tư 02 đã bổ sung Covid-19 vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Thông tư quy định, bệnh Covid-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.

Yếu tố gây bệnh bao gồm: Có tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 trong môi trường lao động.

Yếu tố gây bệnh được ghi nhận tại một trong các văn bản sau: Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với virus SARS-CoV-2 được quy định tại Phụ lục 36 ban hành kèm theo Thông tư này; văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận, đóng dấu và các văn bản khác phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Các văn bản đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp quy định tại mục VI Mẫu 04 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP; biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BYT.

Người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 bao gồm: Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa virus SARS-CoV-2; người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Người làm nghề, công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà; người vận chuyển, phục vụ người bệnh Covid-19; người vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh Covid-19; người giám sát, điều tra, xác minh dịch Covid-19.

Các trường hợp là nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng; chiến sỹ, sĩ quan thuộc lực lượng công an; người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Thông tư Bộ Y tế cũng nêu rõ, thời gian tiếp xúc tối thiểu (thời gian tiếp xúc ngắn nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây bệnh nghề nghiệp) là một lần. Thời gian bảo đảm (khoảng thời gian kể từ khi người lao động đã thôi tiếp xúc với nguồn lây đến thời điểm phát bệnh) là 28 ngày.

Việc chẩn đoán xác định bệnh Covid-19 theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 250/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 và Quyết định số 437/QĐ-BYT về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19.

Chẩn đoán phân biệt để phân biệt bệnh Covid-19 với các bệnh viêm đường hô hấp cấp do các tác nhân hay gặp khác (virus cúm mùa, myxo virus, adeno virus, hội chứng cảm cúm do các chủng Coronavirus thông thường, các vi khuẩn, cúm gia cầm A/H5N1, A/H7N9, SARS-CoV-1, MERS-CoV…).

Thời gian khám xác định di chứng sau tối thiểu 6 tháng kể từ khi mắc bệnh Covid-19 và được điều trị ổn định. Trường hợp không điều trị ổn định được thực hiện theo quy định hiện hành.

Như vậy, từ ngày 1/4 tới đây sẽ có 35 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài Covid-19 là bệnh nghề nghiệp mới được bổ sung, trước đó, Thông tư 15/2016/TT-BYT đã quy định 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội khi đủ các điều kiện như: Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp; viêm phế quản mạn tính; hen; nhiễm độc chì nghề nghiệp; nhiễm độc nghề nghiệp do benzen và đồng đẳng; bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài; bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su…