Cả ngành thép báo lãi lớn, riêng VIS lỗ luỹ kế hơn 600 tỷ đồng, ban lãnh đạo công ty nói gì?
Tính đến thời điểm cuối năm 2021, lỗ luỹ kế của VIS lên đến 647 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm từ 528 tỷ đồng xuống còn 396 tỷ đồng...
Giá thép tăng cao trong suốt năm 2021 đã giúp hầu hết các công ty thép trên thị trường báo lãi lớn dù cho nửa năm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đã giảm đáng kể. Theo đó, lợi nhuận ròng của HPG đạt 34.478 tỷ đồng tăng 156,3% so với cùng kỳ; HSG lợi nhuận ròng 4.379 tỷ đồng tăng 183,8% so với cùng kỳ và NKG lợi nhuận ròng đạt 2.225 tỷ đồng, tăng 654,2% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trái chiều lợi nhuận so với các công ty trên, riêng Thép Việt Ý - VIS báo lỗ cả năm gần 133 tỷ đồng.
Theo lý giải của ban lãnh đạo doanh nghiệp, nửa đầu năm hoạt động sản xuất kinh doanh của Thép Việt Ý thu được nhiều tín hiệu khả quan do tiếp nối được những thuận lợi từ năm 2020 mang sang và những yếu tố thúc đẩy tích cực từ thị trường. Kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2021 của VIS thu được rất ấn tượng. Tuy nhiên, bước sang quý 3/2021, do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, kết quả hoạt động kinh doanh của VIS đã đổi chiều.
Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp do dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài khiến các hoạt động xây dựng bị đình trệ, giãn tiến độ hoặc dừng lại. Đầu ra sản phẩm thép gần như đóng băng. Tại một số thời điểm cả hai nhà máy của VIS cũng phải dừng sản xuất do lượng tồn kho quá lớn làm phát sinh các khoản lỗ về chi phí cố định.
Giá cả nguyên vật liệu sản xuất thép và các chi phí đầu vào cùng với giá thép đầu ra đều tăng lên nhưng tốc độ tăng giá của các nguyên vật liệu đầu vào nhanh hơn tốc độ tăng giá sản phẩm thép đầu ra là nguyên nhân chính làm hoạt động sản xuất kinh doanh của VIS thua lỗ lớn trong năm.
Dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng tới công tác bán hàng làm cho lượng tồn kho của VIS luôn duy trì ở mức cao làm gia tăng chi phí lãi vay trong kỳ cũng là bất lợi cho doanh nghiệp.
"Mặc dù công ty đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu các chi phí sản xuất, chi phí hoạt động nhưng trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao các hạn chế do công nghệ sản xuất của nhà máy phôi đã tồn tại từ những năm trước đây vẫn chưa được giải quyết tiếp tục làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của VIS", ban lãnh đạo VIS lý giải.
Tính đến thời điểm cuối năm 2021, lỗ luỹ kế của VIS lên đến 647 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm từ 528 tỷ đồng xuống còn 396 tỷ đồng. Nợ phải trả 2.602 tỷ đồng tăng mạnh so với con số đầu năm và gấp gần 7 lần so với vốn chủ sở hữu. Hàng tồn kho tăng mạnh từ 823 tỷ đồng đầu năm 2021 lên đến 1.302 tỷ đồng thời điểm cuối năm. Dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp âm 550 tỷ đồng.