09:36 17/11/2009

Các bộ trưởng đã thực hiện “lời hứa” như thế nào?

Nguyên Hà

Các vị bộ trưởng đã trả lời chất vấn từ kỳ họp thứ năm đã gửi báo cáo thực hiện "lời hứa" đến Quốc hội

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trong giờ nghỉ giải lao họp tổ.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trong giờ nghỉ giải lao họp tổ.
Ngay trước khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu mở màn phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội vào sáng 17/11, tổng hợp tình hình thực hiện các lời hứa qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5 và tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được cung cấp cho báo chí.

Liên quan đến vấn đề lớn được Quốc hội đặc biệt quan tâm tại kỳ họp này là tái cấu trúc nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức trả lời: Bộ đang nghiên cứu, soạn thảo đề án “Đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn đến năm 2020”. Đây là vấn đề lớn và rất quan trọng, nên cần có thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị, trao đổi với các cấp, các ngành, các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp...

Dự kiến đề án sẽ được trình lên Chính phủ xem xét vào cuối năm 2009. Sau khi đề án được Chính phủ thông qua sẽ chính thức báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết.

Quý 4 năm nay Vedan sẽ nộp đủ 127 tỷ đồng

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trả lời “cuối năm 2009 sẽ khắc phục được tình trạng ô nhiễm phần còn lại trên sông Thị Vải do công ty Vedan gây ra”.

Theo báo cáo kết quả trả lời chất vấn của bộ này, Công ty Vedan đã hoàn thành nộp tiền phạt vi phạm hành chính là 267.500.000 đồng, đã nộp tổng cộng trên 93 tỷ đồng trong tổng số 127.268.067.520 đồng tiền phí bảo vệ môi trường trốn nộp; đồng thời đang làm thủ tục để nộp nốt số tiền còn lại (dự kiến quý 4/2009 sẽ hoàn thành).

Công ty đã cải tạo, nâng cấp 3 hệ thống xử lý nước thải hiện tại (công suất mỗi hệ thống tương ứng là 1.500 m3/ngày đêm, 1.800 m3/ngày đêm và 1.000 m3/ngày đêm); đồng thời, tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý độ màu cao cấp, đảm bảo toàn bộ nước phát sinh từ hoạt động của các nhà máy đều được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra môi trường.

Vedan cũng đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục đối với nước thải trước khi thải ra môi trường, dự kiến cuối tháng 11/2009 sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức; lắp đặt bổ sung 4 dây chuyền cô đặc dung dịch thải sau lên men (loại dung dịch này trước đó đã được thải ra sông Thị Vải) để sản xuất phân bón dạng hạt, dự kiến cuối tháng 12/2009 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện tại, công ty này đang tiến hành rà soát toàn bộ quy trình quản lý công tác bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng, áp dụng quy trình quản lý theo tiêu chuẩn ISO 14000.

Về chất lượng nước sông Thị Vải, Bộ trưởng cho biết,  trong thời gian vừa qua, bộ đã tăng cường các hoạt động quan trắc môi trường, theo dõi sát diễn biến chất lượng nước sông này. Kết quả cho thấy, hiện nay, chất lượng nước sông Thị Vải đã dần dần được cải thiện. Vùng ô nhiễm nặng (có DO < 1 mg/l) trước đây dài trên 15 km thì nay hầu như không còn; vùng ô nhiễm nhẹ (DO trong khoảng 2-3 mg/l) chỉ còn khoảng 5 km; từ cảng Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến vùng cửa sông, nước biển đã có màu xanh bình thường.

Kết quả phân tích hàm lượng các thông số ô nhiễm khác và độ đục của nước cũng giảm đáng kể. Kết quả thị sát thực địa vừa qua của đích thân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy cua, cá đã xuất hiện trở lại tại sông Thị Vải.

Sẽ đổi mới quản lý lao động nước ngoài

Cũng tại kỳ họp thứ năm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trả lời chất vấn về thực trạng và giải pháp đối với người mất việc, thiếu việc làm, lao động vị thành niên; vấn đề quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài và lao động nước ngoài tại Việt Nam, việc đào tạo nghề cho người lao động...

Trong quá trình trả lời chất vấn, Bộ trưởng đã cam kết sẽ tăng cường công tác kiểm tra các đối tượng lao động nước ngoài. Trước kỳ họp thứ sáu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo Quốc hội đã xây dựng dự thảo chỉ thị của Ban bí thư về “Tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam” và đang trong quá trình hoàn thiện để trình trong thời gian tới. Đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/03/2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, Bộ luật Lao động đang được sửa đổi  trong đó có một số điểm mới trong nội dung quản lý lao động nước ngoài. Đó là, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trong nước chỉ được tuyển người nước ngoài để làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh; không được phép tuyển lao động phổ thông.

"Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ các trường hợp không thuộc diện cấp  giấy phép theo quy định của điều ước quốc tế và các trường hợp khác do phát luật quy định (như: luật sư, thương nhân, chủ doanh nghiệp). Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật", Bộ trưởng Ngân cho biết.

Liên quan đến thông kê lao động việc làm, Bộ đã ban  hành Thông tư số 25/2009/TT-BLĐTBXH ngày 14/7/2009 về việc hướng dẫn thu thập và xử lý thông tin cung, cầu lao động, việc làm, thất nghiệp và biến động qua từng thời kỳ, địa bàn, làm cơ sở hoạch định chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của cung, cầu lao động; thu thập thông tin về thực trạng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động theo nghề và trình độ đào tạo; nhu cầu tuyển dụng lao động, làm cơ sở để xác định hướng đào tạo và bố trí hợp lý nguồn nhân lực. Đồng thời, để phục vụ công tác nghiên cứu và dự báo về thị trường lao động, Bộ tổ chức tiến hành điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động năm 2009.

Trong năm tới, Bộ sẽ tập trung mọi nguồn lực để cải thiện và nâng cao công tác dự báo. Ngay từ cuối năm 2008, Bộ đã ký quyết định thành lập Trung tâm Quốc gia Dự báo và Thông tin thị trường lao động và chỉ đạo Trung tâm cần nhanh chóng, tập trung vào nghiên cứu phân tích đánh giá và dự báo về tình hình lao động – việc làm của Việt Nam cho đến năm 2020.

Dự kiến, các kết quả sơ bộ về dự báo việc làm và thị trường lao động Việt Nam sẽ được công bố vào tháng 12/2009, Bộ trưởng báo cáo.