22:52 04/01/2007

Các công ty chứng khoán đồng loạt tăng vốn

Đăng Long

Trong khoảng thời gian chuyển giao giữa năm 2006 và năm 2007, các công ty chứng khoán đã đồng loạt thực hiện một đợt tăng vốn đáng chú ý

Đợt tăng vốn lần này của các công ty chứng khoán là một yêu cầu gần như bắt buộc - Ảnh: Việt Tuấn.
Đợt tăng vốn lần này của các công ty chứng khoán là một yêu cầu gần như bắt buộc - Ảnh: Việt Tuấn.

Trong khoảng thời gian chuyển giao giữa năm 2006 và năm 2007, các công ty chứng khoán đã đồng loạt thực hiện một đợt tăng vốn đáng chú ý.

Mở đầu là Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS). Đây cũng là công ty có bước tăng ấn tượng nhất trong đợt này, từ 60 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng và trở thành một trong hai công ty có quy mô vốn lớn thứ tư trên thị trường.

Ngay sau VCBS, một loạt các công ty chứng khoán khác mới thành lập cũng lần lượt có mức vốn mới: Chứng khoán Âu Lạc tăng vốn điều lệ từ 22,68 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng; Chứng khoán Đại Việt tăng từ 10 tỷ đồng lên 44 tỷ đồng; Chứng khoán Quốc tế tăng từ 55 tỷ lê 62 tỷ đồng…

Với đợt tăng vốn này, thứ tự về quy mô vốn của các công ty chứng khoán liên tục thay đổi. Hiện tại, Công ty Chứng khoán Sài Gòn vẫn dẫn đầu thị trường với 500 tỷ; kế đến là Công ty Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín với 300 tỷ rồi đến Chứng khoán Á châu với 250 tỷ; Chứng khoán Ngoại thương và Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư với 200 tỷ; các thành viên còn lại phổ biến dưới 100 tỷ, cá biệt có Công ty Chứng khoán Việt chỉ 9,75 tỷ đồng.

Nếu như việc tăng vốn của VCBS, ACBS hay BVSC (Chứng khoán Bảo Việt) được đánh giá là khá thuận lợi vì đã có thâm niên, thị phần và lợi nhuận trong hoạt động thì một số công ty mới thành lập cũng tăng vốn là điểm đáng chú ý.

Nếu VCBS, ACBS hay BVSC tăng vốn để đẩy mạnh hoạt động và tăng cạnh tranh thì các công ty thành lập mới có mục đích là để tiến dần tới những yêu cầu tối thiểu về vốn để được hoạt động đầy đủ trong tương lai.

Theo quy định hiện hành, để thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh, mức vốn tối thiểu của các công ty chứng khoán phải đảm bảo các yêu cầu vốn đối ứng. Ví dụ, để thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán phải có vốn tối thiểu là 2 tỷ đồng; tự doanh chứng khoán là 12 tỷ đồng; bảo lãnh phát hành là 22 tỷ đồng.

Riêng nghiệp vụ bảo lãnh phát hành với quy định vốn tối thiểu hiện nay cũng đã có một số công ty chứng khoán không thể tham gia vì vốn quá thấp.

Áp lực hơn là Luật chứng khoán đã có hiệu lực, Nghị định hướng dẫn cũng chuẩn bị được ban hành, trong đó dự kiến sẽ tăng mạnh yêu cầu về vốn đối với các nghiệp vụ mà các công ty được phép kinh doanh. Và để thực hiện được trọn vẹn các nghiệp vụ thì vốn có thể phải đẩy lên ít nhât là 200 tỷ đồng thay vì 43 tỷ đồng hiện nay.

Tất nhiên là Ủy ban Chứng khoán sẽ có một lộ trình nhân nhượng để các công ty theo kịp quy định về vốn. Còn nếu áp dụng ở thời điểm này thì có ít nhất 2/3 số công ty chứng khoán đang có mặt trên thị trường bị đặt ở tình thế “lụt”.

Đặt trong bối cảnh trên, đợt tăng vốn lần này của các công ty chứng khoán là một yêu cầu gần như bắt buộc và để giảm bớt căng thẳng trước khi những quy định về vốn nói trên ra đời.

Trong áp lực này, nhưng công ty đã thâm niên hoạt động trên thị trường, đã có mức lãi nhất định thì khả năng tăng vốn không quá khó. Lợi nhuận có thể được trích với sự ủng hộ (có thể là buộc phải ủng hộ) từ các cổ đông hoặc phát hành thêm cổ phiếu.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cũng như nhận định của ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, với những công ty đã có thâm niên, thị phần và lợi nhuận, đặc biệt là các công ty đã niêm yết (hiện có 3 công ty) thì việc tăng vốn hoặc huy động vốn đang rất thuận lợi.

Còn với các công ty chứng khoán mới thành lập, đặc biệt là phần lớn mức vốn còn thấp, việc tăng vốn cũng không quá khó khăn nếu gọi thêm vốn trên thị trường, đặc biệt là từ nhà đầu tư nước ngoài. Có thông tin đề cập đến giá cổ phần của một số công ty chứng khoán mới đã được rao bán với mức cao, tuy còn phải xem xét lại, nhưng cũng phần nào nói lên sự hấp dẫn khi góp vốn vào những công ty này.

Ngoài ra, những công ty chứng khoán mới thành lập trực thuộc các ngân hàng thương mại cũng có được thuận lợi tăng vốn từ ngân hàng mẹ. Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank), khẳng định rằng Công ty Chứng khoán VPBank mới thành lập nhưng sẽ sẵn sàng đáp ứng được yêu câu vốn nếu những quy định trên ban hành.

Lãnh đạo một số ngân hàng có công ty chứng khoán trực thuộc cũng khẳng định là sẽ có đủ điều kiện và thuận lợi để đáp ứng những quy định về vốn. Và không chỉ hiện nay mà trong thời gian tới các bước tăng vốn sẽ tiếp tục diễn ra đều đặn.