“Các đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp, doanh nhân sẽ được tổng hợp gửi đến Bộ Chính trị”
Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Các đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp, doanh nhân trong Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế" sau khi được hoàn thiện sẽ được gửi trực tiếp đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đây là chia sẻ của ông Hoàng Đình Vinh, Chánh văn phòng Ban Kinh tế Trung ương tại Diễn đàn Tiêu dùng Việt Nam và lễ công bố và vinh danh 100 sản phẩm, dịch vụ Tin và Dùng được người tiêu dùng bình chọn trong năm 2019 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức với sự góp mặt của hơn 500 doanh nghiệp, doanh nhân đến từ khắp cả nước.
Phát động doanh nghiệp, doanh nhân "hiến kế"
Trong hơn 30 năm "Đổi mới" vừa qua Đảng và Nhà nước luôn xác định và thực hiện quan điểm nhất quán phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, đồng thời đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối quan trọng về đổi mới và phát triển kinh tế đem lại thành tựu quan trọng, phát triển kinh tế to lớn trong thời gian qua.
Gần đây nhất tại Hội nghị Trung ương 5, Khóa 12, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành 3 nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề then chốt và mang tính nền tảng đối với quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, ở nước ta. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa 12 đã đem lại những kết quả quan trọng với phát triển kinh tế của đất nước, cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đình Vinh trên thực tế doanh nghiệp, doanh nhân vẫn gặp khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và nền kinh tế Việt Nam chưa phát triển nhanh và bền vững, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế. Cơ chế chính sách còn nhiều bất cập thiếu đồng bộ đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, doanh nhân.
Với quan điểm mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ thực tiễn khách quan, lấy dân làm gốc, làm trung tâm và mục tiêu phát triển và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng chủ trì chỉ đạo và tổ chức Cuộc vận động "Doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế". Cuộc vận động đã được phát động từ ngày 3/9/2019.
Đảng và Nhà nước coi trọng doanh nghiệp - doanh nhân
Cũng theo ông Hoàng Đình Vinh, Cuộc vận động khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với vai trò vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, nhằm phát huy trí tệ, dân chủ, lòng tự hào tự tôn của dân tộc và tinh thần trách nhiệm tự lực tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế.
Cuộc vận động nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5, Khóa 12 góp phần đưa đường lối chủ trương của đang chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Cuộc vận động này cũng thể hiện sự tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa Đảng và Nhà nước, giữa cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên tinh thần doanh nghiệp doanh nhân hết lòng vì Đảng, Nhà nước phụng sự tổ quốc, nhân dân.
Đảng và Nhà nước trân trọng lắng nghe các ý kiến gợi ý, tiếp thu các đề xuất sáng kiến hay của doanh nghiệp, doanh nhân để lãnh đạo điều hành đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Cũng tại sự kiện "Tin và Dùng Việt Nam 2019" ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: Chúng ta vừa tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". 10 năm thực hiện cuộc vận động, 10 năm ghi nhận sự nổ lực của các doanh nghiệp, các thương hiệu Việt Nam đến nay năng lực cạnh tranh của các thương hiệu Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, không chỉ khẳng định tại thị trường trong nước mà nhiều thương hiệu ngành hàng tiêu dùng đã vươn ra thị trường quốc tế, trở thành niêm tự hào của Việt Nam.
Hội nhập kinh tế quốc tế là tất yếu khách quan mang lại nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế. Việc tham gia AEC hay ký kết các Hiệp định thương mại thế hệ mới song phương đa phương đã đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có độ mở cao của khu vực và thế giới. Điều này mang lại nhiều cơ hội rất lớn nhưng cũng song hành nhiều thách thức Chính phủ và các Bộ ngành địa phương luôn quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực không ngừng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
"VCCI cũng là thành viên Ban tổ chức cuộc vận động doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến để hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế đất nước do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phát động thực hiện. Điều này thể hiện mạnh mẽ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc lắng nghe, đáng giá cao đóng góp hiến kế của doanh nghiệp, doanh nhân vào quá trình xây dựng chính sách phát triển kinh tế đất nước" – ông Võ Tân Thành chia sẻ.
Góp phần xây dựng văn kiện Đại hội Đảng thứ 13
Theo ông Hoàng Đình Vinh, mọi góp ý của mọi thành phần kinh tế đều được Ban tổ chức trân trọng đón nhận, tổng hợp xem xét để chuyển đến các cơ quan của Đảng và Nhà nước nghiên cứu góp phần xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế và góp phần xây dựng văn kiện Đại hội Đảng thứ 13.
"Thông qua quá trình tiếp nhận các ý kiến của doanh nghiệp, doanh nhân từ trực tiếp đến Ban tổ chức hay thông qua các đơn vị thành viên, Ban tổ chức sẽ phân công các đồng chí thành viên tổ giúp việc đồng hành với doanh nghiệp và doanh nhân để hoàn thiện hơn các sáng kiến, các đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân để các ý kiến trở thành những đề xuất sáng kiến gắn liền với nội dung các doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm, phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng để gửi trực tiếp đến Bộ Chính trị, Ban Bí Thư", ông Hoàng Đình Vinh nhấn mạnh.
Phát biểu tại sự kiện "Tin và Dùng Việt Nam 2019", ông Nguyễn Thế Hào, Phó tổng biên tập Thường trực Thời báo Kinh tế Việt Nam, cho biết: Thời báo Kinh tế Việt Nam triển khai thông tin về cuộc vận động doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp, xây dựng chính sách phát triển kinh tế trên toàn thể cộng động doanh nghiệp thuộc mọi khu vực kinh tế. Đây là cuộc vận động có ý nghĩa quan trọng được Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, chỉ đạo, tổ chức và Thời báo Kinh tế Việt Nam vinh dự được chọn là cơ quan phối hợp thực hiện.
"Các ý kiến đóng góp, các sáng kiến, hiến kế của doanh nghiệp, doanh nhân đang được ban tổ chức tiếp nhận, tổng hợp và tại sự kiện "Tin và Dùng Việt Nam 2019" chúng tôi mong mỏi sẽ có nhiều sáng kiến hay nhiều đóng góp tâm huyết của các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục gửi đến ban tổ chức thông qua nhiều kênh tiếp nhận trong đó có Thời báo Kinh tế Việt Nam", ông Nguyễn Thế Hào phát động.