Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động nhân dịp Quốc khánh 2/9
Ngày 1/9, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức các hoạt động để kỷ niệm Quốc khánh 2/9…
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), các sự kiện tại các địa phương được diễn ra từ ngày 1-2/9 nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
DIỄU HÀNH ÁO DÀI KẾT NỐI DU LỊCH VÀ DI SẢN HÀ NỘI
Sáng ngày 1/9, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội và Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức chương trình diễu hành áo dài với tên gọi “Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội năm 2024”.
Chương trình diễn ra từ 5 giờ 30 đến 8 giờ 45 cùng ngày, với điểm xuất phát từ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Hơn 100 người cả nam và nữ mặc trang phục áo dài truyền thống đã tham gia diễu hành qua các tuyến phố tập trung nhiều điểm du lịch của Hà Nội như: Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ, Quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà Quốc hội, Phủ Chủ tịch, Cổng thành Cửa Bắc, Tháp nước Hàng Đậu, cầu Long Biên; Ô Quan Chưởng; chợ Đồng Xuân; Cột cờ Hà Nội. Kết thúc hành trình tại Đoan môn, trong Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.
Chương trình thu hút sự hưởng ứng của cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội cùng đông đảo nhân dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế.
Chương trình được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu các điểm đến du lịch Hà Nội. Đây cũng là hoạt động trải nghiệm mới thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Thủ đô Hà Nội, qua đó kích cầu du lịch.
Việc kết hợp đạp xe và mặc áo dài để khám phá các địa điểm di sản văn hóa tiêu biểu tại Hà Nội mang trong mình nhiều ý nghĩa sâu sắc, góp phần kết nối du lịch và di sản một cách độc đáo và hiệu quả. Qua đó tôn vinh vẻ đẹp truyền thống và hiện đại, kết nối du khách với di sản.
Hoạt động trải nghiệm mới này sẽ thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Thủ đô Hà Nội, khai thác, tôn vinh tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam gắn với di sản và du lịch nhằm bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu các điểm đến du lịch Hà Nội.
Đồng thời là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện trong khuôn khổ chương trình “Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024” gắn kết áo dài với di sản và điểm đến du lịch Hà Nội.
GIẢI CHẠY “HOA LƯ MARATHON 2024 – MIỀN ĐẤT DI SẢN THIÊN NIÊN KỶ”
Ngày 1/9, tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh tổ chức Giải chạy “Hoa Lư Marathon 2024 - Miền đất di sản thiên niên kỷ”.
Giải chạy được tổ chức vào đúng dịp nghỉ lễ Quốc khánh mùng 2/9 với thông điệp “Học tập và làm theo lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Giải đã thu hút hơn 1.500 vận động viên ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, các vận động viên người nước ngoài tham gia ở 3 cự ly gồm 3km, 5km, 10km.
Đường chạy của Hoa Lư Marathon 2024 đi qua nhiều danh thắng nổi tiếng của Ninh Bình như: Cố đô Hoa Lư, Quần thể danh thắng Tràng An và nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hoang sơ khác trong lòng di sản Tràng An. Đây là dịp để các vận động viên tham gia giải chạy khám phá di sản văn hoá, thiên nhiên khó quên qua mỗi bước chạy.
Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Bình, Phó Ban Tổ chức Giải chạy Lê Minh Thọ, cho biết Giải chạy Hoa Lư Marathon 2024 không chỉ là việc chinh phục một khoảng cách mà đây còn là việc kết nối tâm hồn, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống và lịch sử của đất nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự kiện còn nhằm động viên mọi người rèn luyện, nâng cao sức khỏe, khuyến khích phong trào tập luyện thể dục thể thao trong cộng đồng. Đây cũng là dịp để cùng lan tỏa yêu thương, nối dài vòng tay nhân ái; tôn vinh, quảng bá và bảo tồn giá trị di sản quý báu của vùng đất Cố đô Hoa Lư.
Dịp này, ban tổ chức trao tặng 21 suất học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; 150 suất quà hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Ninh Bình; 300 suất quà cho các gia đình có công với cách mạng và hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Hoa Lư.
LẦN ĐẦU TIÊN THÀNH PHỐ HẠ LONG TỔ CHỨC LỄ HỘI KINH KHÍ CẦU
Sáng 1/9, màn trình diễn nghệ thuật dùng khinh khí cầu đưa là cờ Tổ quốc thiêng liêng (rộng 100 m2) bay trên Quảng trường 30/10 chào mừng ngày Quốc khánh 2/9 của dân tộc đã chính thức khai mạc Lễ hội. Hình ảnh lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh bay trên Quảng trường biểu trưng cho niềm tự hào dân tộc, niềm hạnh phúc của mỗi người dân tham dự.
Đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 30 năm ngày vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận lần đầu là Di sản thiên nhiên thế giới (12/1994).
Lễ hội khinh khí cầu lần đầu tiên được thành phố Hạ Long tổ chức với mục tiêu hiện thực hóa Đề án “Hạ Long - Thành phố Lễ hội”, tạo nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn trên địa bàn thành phố để thu hút khách du lịch, đồng thời quảng bá rộng rãi về hình ảnh của thành phố di sản và văn hóa và con người Hạ Long đến đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế, tạo hiệu ứng lan toả cho các kỳ lễ hội tiếp theo.
Lễ hội có 20 khinh khí cầu nhiều màu sắc, kích thước khác nhau được tham gia trưng bày, trải nghiệm. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động đa dạng như bay treo khinh khí cầu, tham quan bên trong khinh khí cầu, đêm hoa đăng khinh khí cầu, khí cầu trang trí mặt đất và bay biểu diễn dù bay có động cơ (Paramotor).
Thông qua lễ hội, thành phố mong muốn sẽ mang lại cho nhân dân và du khách những trải nghiệm ấn tượng, cảm giác thú vị, khó quên khi được ngắm nhìn từ trên cao không gian, cảnh quan tươi đẹp, hùng vĩ của thành phố Hạ Long, của vịnh Hạ Long; được hòa mình vào không gian sôi động, kỳ thú của những đêm hoa đăng trình diễn ánh sáng khinh khí cầu và thưởng thức những bữa tiệc âm nhạc, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn.
Trong kỳ nghỉ lễ, tại thành phố Hạ Long nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung diễn ra đồng loạt nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, điều này giúp du khách từ khắp nơi khi đến Quảng Ninh có được những trải nghiệm, khám phá thú vị. Các sự kiện đó sẽ là cầu nối, phát huy giá trị du lịch, đưa những hình ảnh, sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn và đặc sắc của Quảng Ninh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
SÔI NỔI LỄ HỘI ĐUA THUYỀN TRUYỀN THỐNG TRÊN SÔNG NHẬT LỆ
Sáng 1/9, tại Di tích lịch sử bến phà Quán Hàu, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), Lễ hội Đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ năm 2024 đã diễn ra với sự tham dự của 19 thuyền đua đến từ 13 xã, thị trấn, trong đó có 11 thuyền đua nam và 8 thuyền đua nữ với 450 vận động viên tham gia tranh tài. Các đội nam đua tranh ở cự ly 15km, đội nữ đua tranh ở cự ly 7,5km. Đội đua nữ thi đấu một lượt; đội đua nam căn cứ vào kết quả vòng bảng đã chọn ra các đội xếp hạng A và hạng B để tham gia thi đấu vòng chung kết.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2022 là một nét đẹp trong đời sống văn hóa, thể thao của người dân huyện Quảng Ninh, được khơi nguồn và phát triển từ hơn 500 năm nay. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ đã trở thành một Lễ hội văn hoá truyền thống đặc trưng của người dân huyện Quảng Ninh.
Hằng năm cứ đến dịp Quốc khánh 2/9, huyện Quảng Ninh lại mở hội đua thuyền, với ý nghĩa phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, đồng thời tạo khí thế vui tươi, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
Đây cũng là dịp để đông đảo nhân dân, bạn bè, du khách thập phương cùng hướng về quê hương, góp phần đẩy mạnh các hoạt động du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngày 2/9, sẽ diễn ra lễ hội bơi thuyền truyền thống tại các huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình).