Các doanh nghiệp phía Bắc cần tuyển hàng nghìn công nhân điện tử
Các doanh nghiệp ở 8 tỉnh, thành phía Bắc đang cần tuyển dụng hàng nghìn công nhân sản xuất trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, nhựa tại phiên tuyển dụng online ngày 28/9, cao nhất ở nhóm công nhân điện tử...
Sáng 28/9, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam tổ chức “Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố”.
Theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, phiên giao dịch việc làm đã thu hút 121 doanh nghiệp tham gia, với 15.578 chỉ tiêu tuyển dụng trên tất cả các sàn.
Phần lớn các địa phương đều có chỉ tiêu tuyển dụng khá, với mức trên 1.000 vị trí (trừ Thái Nguyên với 523 vị trí). Các tỉnh có số lượng vị trí cần tuyển dụng lớn là Ninh Bình với 3.840 chỉ tiêu; Bắc Giang 3.273; Bắc Ninh 2.930; Hải Phòng 1.487; Thái Bình 1.315…
Lao động phố thông là nhóm có chỉ tiêu tuyển dụng lớn nhất, chiếm gần một nửa trong tổng số việc làm, với 7.034 vị trí, theo sau là nhóm có trình độ cao đẳng – đại học trở lên với 4.854 vị trí, còn lại là nhóm trình độ trung cấp – công nhân kỹ thuật.
Qua tổng hợp, mức thu nhập có chỉ tiêu tuyển dụng cao hơn cả là mức từ 7 – 10 triệu đồng, chiếm đến hơn 5.700 việc làm, bởi đây vốn là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.
Thấp hơn không đáng kể là các vị trí có mức từ 10 đến 15 triệu đồng, với 3.362 chỉ tiêu, đây là mức thu nhập của những chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lí, giám sát, trưởng - phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.
Ngoài ra là các vị trí có phân khúc lương khác như từ 5 – 7 triệu đồng, thường dành cho lao động chưa có tay nghề; từ 15 triệu đồng trở lên cho các vị trí bậc cao, và một số mức do hai bên thỏa thuận.
Xét theo ngành nghề, công nhân sản xuất điện tử là nhóm có chỉ tiêu tuyển dụng vượt trội hơn hẳn các nhóm ngành khác, với 4.520 vị trí. Các nhóm ngành nghề có chỉ tiêu trên 1.000 khác là công nhân sản xuất nhựa, may mặc và kinh doanh – marketing. Ngoài ra, là các nhóm ngành có chỉ tiêu tuyển dụng không quá chênh lệch, cần từ trên 100 chỉ tiêu như công nhân xây dựng, cơ khí – hàn, thợ vận hành máy, bán hàng – thu ngân, kế hoạch sản xuất, kế toán – kiểm toán…
Riêng tại sàn việc làm Hà Nội, với hơn 1.200 chỉ tiêu tuyển dụng thì vẫn chủ yếu tập trung ở lĩnh vực thương mại – dịch vụ, chiếm gần một nửa tổng số vị trí cần tuyển (48,3%). Tại thị trường Hà Nội cũng cần tuyển dụng các công việc có trình độ cao đăng – đại học trở lên cao hơn cả so với các tỉnh, thành phố khác tham gia tại phiên, với gần 500 chỉ tiêu trong phiên ngày 28/9.
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố phía Bắc ngày 28/9 được kì vọng mang lại kết quả tốt, nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu tại Sàn giao dịch việc làm, tạo cơ hội việc làm cho tất cả người lao động trên địa bàn TP. Hà Nội cũng như các địa phương tham gia.
Thông qua đó, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng được lao động phù hợp, và hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, hiện đơn vị vẫn đang tiếp tục tuyên truyền, cung cấp thông tin thị trường lao động đến người lao động tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Nhờ đó, nhằm thu hút nguồn lao động, nhất là nhóm thiếu việc làm, mất việc tham gia phiên giao dịch việc làm hàng ngày, phiên online, lưu động để tìm kiếm được công việc phù hợp.
Đồng thời, cũng nhanh chóng hỗ trợ cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng được lao động đáp ứng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh từ nay đến cuối năm, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tiếp tục có sự biến động, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng, người lao động nên chủ động nâng cao tay nghề; cập nhật kiến thức liên quan đến vị trí việc làm của mình theo cùng sự chuyển động của thị trường lao động.
Trong trường hợp bất khả kháng xảy ra tình trạng mất việc, nếu người lao động có kiến thức và kỹ năng thì muốn chuyển dịch việc làm cũng dễ dàng hơn.