08:21 08/09/2023

Hỗ trợ lao động mất việc, không chỉ cần trợ cấp tiền

Nhật Dương

Tình trạng người lao động bị mất, giảm việc làm kéo theo nhiều hệ lụy như vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, nạn tín dụng đen. Vì vậy, theo các chuyên gia, hỗ trợ cho người lao động cần chú trọng nhiều hơn vào đào tạo, duy trì việc làm một cách bền vững, tăng khả năng chống chịu trước các “cú sốc”, chứ không chỉ là trợ cấp tiền…

Người lao động tìm kiếm cơ hội tại các phiên giao dịch việc làm. Ảnh - N.Dương.
Người lao động tìm kiếm cơ hội tại các phiên giao dịch việc làm. Ảnh - N.Dương.

Những ý kiến trên được các chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm với chủ đề "Đa dạng phiên giao dịch việc làm nhằm gỡ khó cho thị trường lao động", chiều 7/9. 

Thị trường lao động việc làm trong nước những tháng cuối năm 2023 vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất; tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng; tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn.

DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐỀU CHỒNG CHẤT KHÓ KHĂN

Từ thực tế công tác kết nối cung – cầu lao động tại thị trường Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá trong thời điểm này, cả doanh nghiệp và người lao động đều khó khăn. Về phía doanh nghiệp là thiếu đơn hàng ảnh hưởng từ tình hình chung bao gồm chính sách tiền tệ; sức mua sụt giảm; chi phí sản xuất tăng cao; giá nguyên liệu tăng mạnh...

Hơn hết, sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp phải chống đỡ thời gian dài, để cải thiện tình trạng khó khăn, họ phải thực hiện nhiều biện pháp trong đó có chuyển đổi cơ cấu lao động.

“Khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì người lao động bị liên đới nhiều nhất. Đặc biệt, trong lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ…, người lao động trong các ngành này bị sa thải, đột ngột thất nghiệp”, ông Thành thông tin.

Bổ sung thêm về những khó khăn, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, bên cạnh đối diện khủng hoảng của thế giới thì với các doanh nghiệp, môi trường sản xuất kinh doanh còn nhiều rào cản, như vướng mắc về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn.

“Với khó khăn như vậy thì rất khó cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt để mở rộng việc làm. Doanh nghiệp muốn tuyển lao động có tay nghề, nhưng nhiều lao động mất việc lại không đáp ứng được yêu cầu, không có kỹ năng doanh nghiệp cần”, ông Quảng nhìn nhận.

Ngoài ra, với những người lao động mất việc, thì đằng sau họ là cả gia đình, con cái, nên việc di chuyển đến địa phương khác để có công việc mới gặp rất nhiều khó khăn, liên quan đến an sinh xã hội.

Theo ông Quảng, những tháng đầu năm 2023, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn, trên 500.000 người bị ảnh hưởng (mất, giảm việc làm), trong đó trên 54% người lao động mất việc làm, trên 40% giảm giờ làm.

Đáng lo ngại là thu nhập của người lao động không cao, hầu như đi làm chỉ đủ trang trải cuộc sống, nên giảm giờ làm thì càng gặp nhiều khó khăn hơn. Việc người lao động bị mất, giảm việc làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, chính sách an sinh xã hội, như vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần hay nạn tín dụng đen.

LAO ĐỘNG MẤT VIỆC KÉO THEO NHIỀU HỆ LỤY

Theo các chuyên gia, khi người lao động mất việc làm sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy không mong muốn. Thậm chí, ông Vũ Quang Thành cho rằng, đây là một trong những rủi ro lớn nhất của người lao động. “Với vai trò là đơn vị trực tiếp tham gia giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm…, chúng tôi đã lắng nghe rất nhiều chia sẻ của người lao động, cho thấy mất việc khiến cuộc sống của cả gia đình họ bị đảo lộn, liên tục gặp khủng hoảng”, ông Thành tâm tư.

Kết nối cung cầu tạo việc làm cho người lao động. 
Kết nối cung cầu tạo việc làm cho người lao động. 

Tuy nhiên, tại Hà Nội, ông Thành cho biết, qua thống kê thì số lượng lao động mất việc do doanh nghiệp cắt giảm không quá nhiều. Với nhóm lao động lớn tuổi, trình độ thấp, Trung tâm đã tiếp cận để hỗ trợ họ ngay từ khi doanh nghiệp thông báo cắt giảm.

Với những lao động nghỉ việc vì lương thấp đến làm thủ tục nhận chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đơn vị đã tư vấn, giới thiệu họ đến các doanh nghiệp tuyển dụng vị trí việc làm phù hợp. Với lao động giản đơn, trình độ thấp sẽ được tư vấn để có thể học nghề, trang bị nghề nghiệp phù hợp.

Ở góc độ rộng hơn, theo ông các chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh này cần sát hơn, cũng như cần các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu nội địa…để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, vốn, giá nguyên vật liệu đầu vào cũng rất cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi. Từ đó, người lao động sẽ có công ăn, việc làm.

Công tác định hướng, dự báo cũng rất quan trọng, giúp dần định hướng lại, hỗ trợ trong công tác phát triển nhân lực, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp. Như vậy, từng bước phục hồi thị trường lao động, việc làm bền vững.

Mặc dù thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ người lao động, song ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng cần hoàn thiện theo hướng hỗ trợ nhiều hơn nữa, chú trọng vào đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động một cách bền vững, chứ không chỉ trợ cấp tiền cho họ khi mất việc làm.

Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng cần hướng tới đảm bảo việc làm, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho người lao động. Ngoài ra, vẫn cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp để người lao động bị mất việc làm có điều kiện đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là chính sách về tiền lương, thu nhập, tránh tình trạng khi mất việc không đủ tiền duy trì cuộc sống, họ buộc phải rút bảo hiểm xã hội một lần.

“Mất việc, tìm việc làm đã khó, việc làm có thu nhập như cũ thì càng khó khăn hơn. Trong khi chi phí đời sống phục vụ sinh hoạt gia đình càng ngày càng cao. Nhiều người trong số họ buộc phải hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nhận trợ cấp thất nghiệp mà không đủ thời gian, điều kiện để học nghề mới. Vì vậy, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cần hoàn thiện để hỗ trợ thêm cho người lao động, giúp họ có điều kiện quay trở lại thị trường lao động khi mất việc làm”, ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh thêm.