22:51 30/11/2021

Các đường bay trục chính Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh tăng tần suất lên 16 chuyến/ngày

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải vừa cho phép tăng tần suất khai thác trên nhiều đường bay nội địa, nhất là đường bay trục Hà Nội - Đà Nẵng - TP. Hồ Chí Minh lên 16 chuyến/ngày từ 1/12...

Tăng tần suất các chuyến bay nội địa từ ngày 1/12.
Tăng tần suất các chuyến bay nội địa từ ngày 1/12.

Ngày 30/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn ký Quyết định số 2036 sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quy định tạm thời về tiếp tục triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định số 1840 ngày 20/10/2021 của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

 
"Tùy tình hình thực tế, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất điều chỉnh tần suất trên các đường bay, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán năm 2022, gửi Bộ Giao thông vận tải trước ngày 25/12/2021".
Quyết định 2036.

Cụ thể, trên đường bay trục Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng - TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 14/12/2021, tần suất khai thác không vượt quá 16 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay, hiện là 6 chuyến mỗi ngày.

Từ ngày 15/12/2021, tần suất trên từng đường bay không vượt quá 20 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay.

Các đường bay khác được khai thác tần suất khai thác không vượt quá 9 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay, hiện đang khai thác 4 chuyến/ngày.

Quyết định mới 2036 cũng bỏ quy định: “Hành khách phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát theo mẫu được ban hành”.

Thay vào đó, “hành khách phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, sử dụng ứng dụng PC-COVID, chịu trách nhiệm tính trung thực của các thông tin khai báo”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Đặc biệt, khách sẽ không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác...

Với hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước thời điểm khởi hành chuyến bay.

Bên cạnh đó, hành khách khác cần đáp ứng một trong ba điều kiện.

Thứ nhất, người có chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, trong đó, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay.

Thứ hai, có giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay.

Thứ ba, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước thời điểm khởi hành chuyến bay.

Trước đó, đánh giá giai đoạn triển khai kế hoạch khai thác đường bay nội địa theo Quyết định số 1840, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, tần suất đường bay trục hạn chế nên các hãng hàng không tập trung vào dải giá cao, hạn chế cơ hội để hãng hàng không đưa ra các mức giá khuyến mại, gây bức xúc về giá vé đối với hành khách.

Tần suất vẫn đang hạn chế cũng khiến Vietravel Airlines chưa có cơ hội để tham gia khai thác thị trường nội địa.

“Các hãng hàng không gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch khai thác trong lịch bay mùa đông 2021/2022, đặc biệt là kế hoạch bay Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”, Cục Hàng không Việt Nam chỉ rõ.