Các hãng xe điện Trung Quốc chấp nhận lỗ “khủng” để chiếm thị phần toàn cầu
Một dự báo cho rằng đến cuối thập kỷ này, các hãng xe Trung Quốc sẽ chiếm thị phần 1/3 trên thị trường ô tô toàn cầu...
Nio - một nhà sản xuất ô tô điện của Trung Quốc đang cạnh tranh mạnh với hãng xe điện Mỹ Tesla - có 11.000 nhân viên làm trong bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), nhưng mới chỉ bán được vỏn vẹn 8.000 chiếc xe mỗi tháng trong quý 2 năm nay.
Theo tờ báo New York Times, Nio đã đầu tư mạnh vào người máy (robot) đến nỗi một trong số các nhà máy của hãng chỉ sử dụng 30 kỹ thuật viên cho mục tiêu sản lượng 300.000 ô tô điện mỗi năm. Trong mỗi chiếc xe điện của Nio, mỗi ghế được trang bị một kính thực tế tăng cường (AR) trị giá 350 USD. Hãng cũng đã trình làng một chiếc điện thoại di động tương tác với hệ thống tự lái của xe.
THUA LỖ VẪN KHÔNG NGỪNG ĐẦU TƯ
Điều đáng nói là chưa một mẫu xe nào của Nio có lãi, và có lẽ còn lâu nữa mới có lãi. Trong quý 2, hãng này lỗ 835 triệu USD, tương đương lỗ 35.000 USD mỗi chiếc xe bán được.
New York Times nói rằng Nio và các công ty khác trong ngành công nghiệp ô tô điện đang phát triển rầm rộ của Trung Quốc có được sự hậu thuẫn to lớn của Chính phủ để có thể đứng vững và tiếp tục phát triển trong tình trạng thua lỗ như vậy. Khi Nio gần cạn tiền vào năm 2020, chính quyền một địa phương ngay lập tức đã rót cho công ty 1 tỷ USD để đổi lấy cổ phần 24%. Một ngân hàng quốc doanh dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư khác còn rót thêm cho Nio 1,6 tỷ USD.
Giờ đây, Nio được coi là hiện thân cho sự thống trị của Trung Quốc trong sáng tạo và sản xuất ô tô điện, phản ánh mối đe doạ mà ngành công nghiệp ô tô điện của nước này đặt ra đối với các hãng xe truyền thống ở châu Âu và Mỹ.
Cuộc đình công đã kéo dài hơn của Nghiệp đoàn Công nhân ô tô (UAW) chống lại “tam đại gia” công nghiệp ô tô Mỹ xuất phát từ chính những mâu thuẫn liên quan đến ô tô điện. Các hãng xe nói họ phải đầu tư nhiều tỷ USD để điều chỉnh dây chuyền sản xuất, trong khi người lao động nói họ phải bảo vệ công ăn việc làm của mình khỏi tự động hoá và công nghệ, bên cạnh đòi tăng lương.
Tại châu Âu tuần vừa rồi, các nhà chức trách - với mối lo về sự xuất hiện tràn ngập của ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc tại thị trường khu vực - đã khởi động một cuộc điều tra nhằm xác định xem các hãng xe điện Trung Quốc có được nhận trợ cấp của Chính phủ. Cuộc điều tra này có thể dẫn tới việc châu Âu áp thuế quan lên xe điện Trung Quốc. Trong vòng 3 năm qua, xuất khẩu ô tô điện của Trung Quốc đã tăng 851%, chủ yếu sang thị trường châu Âu. Cuộc điều tra của Liên minh châu Âu (EU) là một vấn đề địa chính trị phức tạp, bởi nhiều công ty quan trọng của châu Âu có mối quan hệ ràng buộc với thị trường Trung Quốc, và Bắc Kinh được cho là sẵn sàng trả đũa.
Hôm thứ Tư tuần trước, sau khi châu Âu tuyên bố khởi động cuộc điều tra chống trợ cấp nhằm vào ô tô điện Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc đã gọi đây là “hành vi bảo hộ rõ rành rành sẽ gây gián đoạn và bóp méo nghiêm trọng chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu”.
Những hãng xe điện Trung Quốc như Nio, vốn dĩ đã và đang chi mạnh cho hoạt động marketing ở Đức và các nước châu Âu khác, cần đẩy mạnh xuất khẩu. Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu các hãng xe điện này có bán được đủ số xe tương xứng với mức chi khổng lồ cho nghiên cứu và đầu tư.
Tiền lương ở Trung Quốc thường thấp hơn so với ở Mỹ hay châu Âu. Công nhân ô tô tại những thành phố lớn như Thượng Hải có thể kiếm được 30.000 USD cả lương, thưởng và các chế độ khác mỗi năm, trong khi công nhân ở những thành phố nhỏ hơn nằm sâu trong nội địa có mức lương thấp hơn nhiều. Trong khi đó, hãng Ford của Mỹ cho biết công nhân của hãng được trả bình quân 110.000 USD/người mỗi năm. Cuộc đình công của UAW đòi tăng lương 40% trong vòng 4 năm, cộng thêm 1 ngày lương mỗi tuần làm việc.
Những gì diễn ra tại nhà máy ô tô điện mới của Nio nói lên một điều rằng sản xuất xe điện ở Trung Quốc giờ đây đã đạt cấp độ tự động hoá thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Và các hãng xe Mỹ nhận thấy rằng họ đang phải mua robot công nghiệp và các thiết bị tự động hoá khác từ các nhà sản xuất Trung Quốc - theo nhà phân tích Michael Dunne ở San Diego, Mỹ, một người chuyên nghiên cứu về ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.
“Các hãng xe Mỹ nhìn quanh và hỏi liệu Mỹ có thiết bị gì đạt được khả năng tự động hoá cao như của Trung Quốc, và câu trả lời là không”, ông Dunne nói.
CUỘC XÂM CHIẾM THỊ TRƯỜNG TOÀN CẦU CỦA Ô TÔ ĐIỆN TRUNG QUỐC
Ông Paul Gong, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường ô tô châu Á của ngân hàng UBS, dự báo đến cuối thập kỷ này, các hãng xe Trung Quốc sẽ chiếm thị phần 1/3 trên thị trường ô tô toàn cầu. Phần lớn sự tăng trưởng trong dự báo mà ông Gong đưa ra đến từ cú tăng dự kiến trong thị phần của các hãng xe Trung Quốc tại thị trường châu Âu lên 20% từ mức dưới 3% hiện nay.
Theo ông Gong, ở Trung Quốc, “cạnh tranh diễn ra khốc liệt đến nỗi mỗi hãng xe buộc phải phát triển công nghệ mới”.
Thế mạnh công nghệ của Trung Quốc thậm chí còn thuyết phục một số hãng xe châu Âu rằng sẽ có lợi hơn về mặt kinh tế nếu thiết lập quan hệ đối tác với phía Trung Quốc, ngay cả khi họ đang phải cạnh tranh với các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
Hồi tháng 7, hãng xe Đức Volkswagen chi 700 triệu USD để đổi lấy cổ phần 4,99% trong XPeng, một startup ô tô điện Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn thua lỗ. Thương vụ này định giá XPeng ở mức 14 tỷ USD. Nếu như Nio nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền thành phố Hợp Phì, thì XPeng cho biết đã được hỗ trợ bởi chính quyền thành phố Vũ Hán.
Hồi tháng 4, Volkswagen tuyên bố sẽ xây dựng một trung tâm phát triển ô tô trị giá 1,1 tỷ USD ở Hợp Phì, thành phố miền Trung của Trung Quốc. Tại trung tâm này, Volkswagen sẽ tuyển dụng 2.000 kỹ sư để làm công việc vốn dĩ trước đây chỉ diễn ra tại trụ sở của hãng ở Wolfsburg, Đức, nhằm phục vụ cho việc sản xuất ô tô tại Trung Quốc.
Không phải hãng ô tô điện nào của Trung Quốc cũng đang ngập trong thua lỗ. BYD - nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu ở Trung Quốc và trên thế giới - đã nhân ba lợi nhuận lên 1,5 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. BYD tự sản xuất được pin xe và là một hãng xe điện có hiệu quả sản xuất rất cao.
Các nhà nghiên cứu của UBS đã phối hợp với một công ty cơ khí ô tô để tháo tung một chiếc xe điện Seal của BYD. Họ phát hiện thấy chiếc xe thuộc dòng hatchback sedan này có giá thành sản xuất thấp hơn 35% so với một chiếc xe có kích thước nhỏ hơn một chút và chất lượng tương tự là chiếc ID3 của Volkswagen.
Trong một dấu hiệu cho thấy sẽ có ngày càng nhiều xe điện BYD được xuất khẩu ra toàn cầu, hãng này mới đây đã đặt các hãng đóng tàu Trung Quốc đóng cho một đội tàu vận chuyển ô tô xuyên đại dương của riêng hãng. Đây sẽ là đội tàu chuyên chở ô tô lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới.
Ngoài thị trường châu Âu, các thương hiệu ô tô điện của Trung Quốc cũng đang bùng nổ doanh số ở nhiều thị trường khác từ Trung Đông tới Mỹ Latin. Thị trường duy nhất mà ô tô điện Trung Quốc chiếm thị phần không đáng kể và khó gia tăng được thị phần là Mỹ.
Hồi năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế quan 25% lên tất cả ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra đề xuất hỗ trợ ô tô điện, nhưng không đưa ô tô điện có xuất xứ Trung Quốc vào diện được hỗ trợ.
Thị trường ô tô Trung Quốc đã suy giảm liên tục từ năm 2017 đến nay, khi doanh số của ô tô chạy động cơ đốt trong giảm nhanh hơn tốc độ tăng trưởng doanh số của ô tô điện. Dịch vụ gọi xe cũng ngày càng trở nên phổ biến, và mạng lưới đường sắt cao tốc và tàu điện ngầm giúp việc đi lại của người dân thuận tiện hơn bao giờ hết. Sự suy giảm của thị trường trong nước càng khiến các hãng xe Trung Quốc có động lực để tìm kiếm thị trường ở nước ngoài.