06:00 23/08/2021

Các nguồn thải gia tăng, môi trường biển suy giảm chất lượng

Nhĩ Anh

Quan trắc chất lượng nước biển ven bờ vẫn còn khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, với sự gia tăng các nguồn thải từ lục địa, đặc biệt là theo các dòng chảy từ sông ra biển dẫn đến môi trường biển nhiều nơi đang có xu hướng suy giảm về chất lượng...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020. Đây là một trong những nguồn thông tin dữ liệu hữu ích hỗ trợ tích cực, kịp thời cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam trong tình hình mới, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

HIỆN TRẠNG CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG BIỂN

Việt Nam là quốc gia biển, có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển các ngành kinh tế biển với đường bờ biển dài trên 3.260km, diện tích vùng biển trên 1 triệu km2, trên 3.000 hải đảo ven bờ với 2 quần đảo lớn ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa. Trên cả nước có 28 tỉnh thành phố giáp biển với dân số khoảng 51 triệu người. Hệ thống đô thị ven biển trải dài dọc bờ biển từ Bắc đến Nam, trong đó tập trung phần lớn ở khu vực vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ.

 

Theo quan trắc, chất lượng nước biển ven bờ vẫn còn khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10- MT:2015/BTNMT.

Đặc biệt, kinh tế biển phát triển mạnh ở hầu hết các tỉnh, thành có biển. Giai đoạn 2016-2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương có biển tăng bình quân 7,5%/năm, cao hơn so với nhịp tăng trưởng chung của cả nước với các hoạt động kinh tế biển như du lịch và dịch vụ biển, hàng hải, khai thác dầu khí và khoáng sản biển, thủy sản, công nghiệp, năng lượng…

Theo kết quả quan trắc môi trường nước biển ven bờ mà Tổng cục Môi trường triển khai thực hiện trên phạm vi biển ven bờ của 15 tỉnh thành phố có biển và các kết quả quan trắc, phân tích của các đơn vị khác thực hiện giai đoạn 2016-2019 cho thấy chất lượng nước biển ven bờ vẫn còn khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT.

Kết quả tính toán chỉ số tai biến môi trường (RQ) giai đoạn 2015-2019 cho thấy, phần lớn các điểm thực hiện quan trắc có giá trị đạt ở mức tốt (RQ<1). Nhưng tại một số vị trí có chỉ số RQ >1,5, có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao song giá trị trên chỉ mang tính thời điểm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết mức độ ô nhiễm gia tăng vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) do sự gia tăng giá trị các hợp chất hữu cơ, hợp chất chứa nitơ và chất rắn lơ lửng từ đất liền ra biển và sự trôi dạt chất ô nhiễm từ ngoài khơi vào dải ven bờ.

Riêng với chất lượng môi trường nước biển xa bờ tương đối ổn định và ít biến động qua các năm. Giá trị hàm lượng trung bình của các thông số quan trắc đều đạt tiêu chuẩn cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT.

GIA TĂNG CÁC NGUỒN THẢI GÂY Ô NHIỄM

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh, trong những năm qua, sự gia tăng các nguồn thải từ lục địa, đặc biệt là theo các dòng chảy từ sông ra biển dẫn đến môi trường biển nhiều nơi đang có xu hướng suy giảm về chất lượng.

Nhiều vùng cửa sông ven biển đã bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, đô thị. Tình trạng xả thải các chất thải chưa qua xử lý hay xử lý chưa đạt quy chuẩn diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại về kinh tế, đời sống, sinh kế cộng đồng dân cư ven biển và những tổn hại khó lường đối với hệ sinh thái biển.

 
Sự gia tăng các nguồn thải từ lục địa, đặc biệt là theo các dòng chảy sông ra biển dẫn đến môi trường biển nhiều nơi đang có xu hướng suy giảm về chất lượng. Nhiều vùng cửa sông ven biển đã bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, đô thị...

Bên cạnh đó, việc xảy ra một số sự cố môi trường do xả chất thải công nghiệp (điển hình là sự cố môi trường nghiêm trọng do công ty TNHH gang thép Formosa gây ra) và sự cố tràn dầu, ô nhiễm môi trường biển... đã làm chất lượng môi trường nước biển bị suy giảm.

Tình trạng ô nhiễm chất thải hữu cơ và dầu mỡ đã và đang diễn ra ở các tỉnh thành ven biển, đặc biệt là vùng cửa sông các tỉnh phía Bắc và dọc dải ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết ô nhiễm hữu cơ tuy chỉ có tính cục bộ nhưng khá cao và vượt mức cho phép ở gần các khu du lịch, đông dân cư từ Bắc vào Nam như Cửa Lục, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu...

Báo cáo chỉ ra rằng phần lớn các chất thải từ đất liền tác động gián tiếp đến môi trường nước biển và hải đảo thông qua các cửa sông ven biển, mức độ gia tăng tại các cửa sông chảy qua hoặc gần các thành phố biển.

Đối với các nguồn thải trên biển, nguồn thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản và hoạt động từ du lịch biển có mức độ tác động lớn nhất và là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại một số vịnh, đầm phá ven biển. Bên cạnh đó, sự gia tăng chất thải nhựa đại dương những năm gần đây trở thành vấn đề toàn cầu và là áp lực lớn trong quản lý chất thải trên biển ở Việt Nam.

Cùng với phát triển kinh tế biển, sự tăng trưởng của các ngành du lịch dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác khoáng sản và dầu khí, công nghiệp, khai thác và nuôi trồng thủy sản, việc tập trung dân cư, quá trình đô thị hóa tại các vùng ven biển đã và đang tạo nhiều áp lực đến môi trường biển do sự gia tăng lượng nước thải, chất thải rắn cũng như nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên.

Hiện Việt Nam có 28/63 tỉnh, thành phố có biển với dân số 51 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm 34%. Theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa kéo theo nhu cầu tiêu dùng của người dân gia tăng, đồng nghĩa với gia tăng phát sinh chất thải, gây sức ép lên môi trường.

Khảo sát cho thấy có 74% lượng chất thải rắn của các địa phương có biển được thu gom (năm 2019); lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 122-163 triệu m3/ngày. Có đến 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước tập trung khu vực ven biển, kéo theo đó là sự phát triển các dịch vụ du lịch biển, hệ quả không chỉ gây áp lực lên hạ tầng đô thị (hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống xử lý chất thải) mà còn tác động tiêu cực đến không gian các đô thị ven biển. Tác động rõ nhất có thể nhận thấy là sự thay đổi cảnh quan ven biển, điển hình như các dự án lấn biển làm khu nghỉ dưỡng thời gian qua.

Thống kê đến hết năm 2019, cả nước có 38/178 đô thị loại 4 trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt hơn 21%). Tỷ lệ nước thải ở các khu đô thị loại 3 trở lên được thu gom, xử lý đạt chuẩn quy định chỉ 12,5%. Có 49 nhà máy, trạm xử lý nước thải tập trung đô thị đang được khai thác...

Như vậy, có thể thấy lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý rất thấp, chưa kể lượng nước thải sinh hoạt nông thôn ven biển chưa được kiểm soát và các nguồn thải từ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội đang là một trong những áp lực lớn với môi trường nước biển. 

 
Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020 với 6 chương: Tổng quan về biển và hải đảo Việt Nam; Áp lực của phát triển kinh tế xã hội với môi trường biển và hải đảo; Hiện trạng môi trường biển và hải đảo; Tác động ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; Quản lý môi trường biển, liên quan đến quản lý nhà nước về biển và hải đảo; Các cơ hội, thách thức và giải pháp bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, tồn tại và thách thức trong công tác quản lý môi trường biển và hải đảo giai đoạn 2016- 2020 sẽ là cơ sở đưa ra đề xuất giải pháp giải quyết những vấn đề trọng tâm ưu tiên nhằm quản lý hiệu quả môi trường biển và hải đảo giai đoạn tới.