Các nước TPP 11 nhất trí vực dậy thỏa thuận
11 nước TPP cam kết giữ “những thành tố cốt lõi” của thỏa thuận, đồng thời xác định rõ còn nhiều việc cần phải làm
11 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhất trí tiếp tục làm việc để cứu thỏa thuận này khỏi nguy cơ đổ vỡ, sau khi sự bất đồng của Canada trong quá trình đàm phán làm dấy lên những nghi ngờ mới về khả năng trụ vững của thỏa thuận.
Theo một dự thảo tuyên bố cuối cùng do hãng tin Reuters thu thập được, dự kiến sẽ được APEC công bố ngày 11/11, nhóm 11 nước còn lại trong TPP sau khi Mỹ rút lui đã cam kết giữ "những thành tố cốt lõi" của thỏa thuận, đồng thời xác định rõ còn nhiều việc cần phải làm để đạt được kết quả cuối cùng.
Lẽ ra vào ngày 10/11, lãnh đạo các nước TPP đã có một cuộc gặp tại Đà Nẵng, bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), để bàn về thỏa thuận. Tuy nhiên, cuộc họp đã bị hủy vào phút chót khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau không đến.
Theo Reuters, dự thảo tuyên bố của các nước TPP 11 nói rằng "một nhóm giới hạn các điều khoản" trong thỏa thuận ban đầu khi còn có sự tham gia của Mỹ sẽ được gác lại; các nước sẽ tiếp tục công việc kỹ thuật trong 4 lĩnh vực cần phải đạt đồng thuận để "chuẩn bị cho thỏa thuận cuối cùng đem ra ký kết". Tuy nhiên, tuyên bố không đặt thời hạn cho việc đạt thỏa thuận cuối cùng.
"Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng tôi cho rằng chúng tôi đã đạt được tiến bộ trong ngày hôm nay", Bộ trưởng Bộ Thương mại Canada Francois-Philippe Champagne nói với các nhà báo có mặt tại APEC vào cuối ngày thứ Sáu. Trước đây, Canada vẫn nói họ muốn đảm bảo rằng TPP phải là một thỏa thuận có thể bảo vệ việc làm cho người lao động nước này.
Ông Champagne cho biết do hiểu sai về lịch trình nên Thủ tướng Trudeau mới không đến cuộc họp của các nhà lãnh đạo TPP như dự kiến. Vị Bộ trưởng cũng nói ngành ôtô và bảo vệ văn hóa là những lĩnh vực cần có thêm sự bàn bạc.
Hôm thứ Tư, Canada, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ nhì trong TPP 11, chỉ sau Nhật Bản, nói rằng họ sẽ không vội chấp nhận một thỏa thuận không có sự tham gia của Mỹ. Cũng giống như Mexico, lập trường của Canada bị làm phức tạp hơn bởi cuộc đàm phán lại Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) với chính quyền Trump.