10:24 07/03/2024

Các thương hiệu F&B chủ động tìm đường xuất khẩu

Tuệ Mỹ

Những năm qua, Việt Nam là mảnh đất đầu tư hấp dẫn và tiềm năng với nhiều thương hiệu F&B quốc tế. Tuy nhiên, năm 2023 ghi nhận những tín hiệu đáng mừng khi nhiều thương hiệu F&B lớn nhỏ của Việt Nam tự tin đặt chân đến các thị trường mới…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Xã hội hiện đại với sự thay đổi của thói quen tiêu dùng đã mang tới những động lực phát triển mới cho ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), theo đó, 50% các vụ nhượng quyền tại Việt Nam trong khoảng thời gian gần đây là trong lĩnh vực F&B. Để tìm kiếm cơ hội “thoát đáy”, nâng sức cạnh tranh, nhiều thương hiệu thậm chí đã chủ động tìm kiếm thị trường mới để tăng lợi nhuận cho thời gian tới.

ĐEM CHUÔNG ĐI ĐÁNH XỨ NGƯỜI

Năm 2022, Trung Nguyên khai trương cửa hàng Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tại Thượng Hải, đánh dấu bước tiến mới của Tập đoàn Trung Nguyên ở thị trường Trung Quốc. Đến tháng 7/2023, cửa hàng thứ hai của Trung Nguyên tiếp tục được mở tại Trung tâm thương mại One East, Thượng Hải. Tháng 9/2023, Trung Nguyên cũng chính thức khai trương cửa hàng Trung Nguyên Legend đầu tiên tại Westminster, California, Mỹ. Cửa hàng phục vụ cà phê pha phin như cà phê Legend, cà phê số 1, 2, 3, 5, 8, cà phê Ý, cà phê trứng, cà phê muối… 

Tương tự, năm 2023, thương hiệu Cộng Cà phê đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Toronto (Canada), đồng thời đánh dấu thị trường quốc tế thứ ba mà chuỗi cà phê này đặt chân tới. Chỉ mới đầu năm 2024, chuỗi này cũng mở thêm một cơ sở tại Hàn Quốc, nâng mạng lưới cửa hàng tại xứ sở kim chi lên con số 17. Hiện Cộng Cà Phê đã có tổng cộng 21 cửa hàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. 

Năm 2023, Cộng Cà phê đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Toronto (Canada).
Năm 2023, Cộng Cà phê đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Toronto (Canada).

Cũng trong năm 2023, Coffilia tiến vào thị trường vùng Vịnh Kuwait – nơi còn nhiều xa lạ với người Việt nhưng cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng. Cửa hàng nước ngoài đầu tiên của Coffila chính thức đón khách vào tháng 10/2023, nằm ngay trong tầng 1 của Khách sạn biển Al-Kout, tỉnh Ahmadi. Đây cũng là thương hiệu Việt Nam đầu tiên có mặt tại quốc gia này. Tại Việt Nam, Coffilia chưa phải cái tên nổi bật trong ngành F&B nhưng cũng được "đỡ đầu" bởi Tập đoàn Cà phê Minh Tiến - một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà phê arabica chất lượng cao.

Ngoài ra, theo doanh nhân Trần Nhật Vũ, đại diện Phúc Tea, thương hiệu vừa ký kết thành công nhượng quyền Master Franchise (hay đại lý nhượng quyền độc quyền) ở thị trường Đông Nam Á và Philippines. Thương hiệu chuyên biến tấu nhiều nông sản thành đồ uống tạo xu hướng trong thời gian qua dự kiến sẽ mở 100 cửa hàng trong vòng 5 năm, chính thức ra mắt vào quý 1/2024 ở Manila. “Để đi đến kết quả này, chúng tôi đã vượt qua một hành trình dài để đưa thương hiệu đồ uống Việt có mặt thị trường nước ngoài,” ông Vũ nói.

Cũng giống như các thương hiệu đồ uống, một số thương hiệu bánh kẹo, thực phẩm cũng chủ động tìm hướng “đem chuông đi đánh xứ người”. Tháng 8/2023, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Susan Burns đã có chuyến thăm nhà máy ABC Bakery ở quận Bình Tân (TP.HCM) và được “vua bánh mì” Kao Siêu Lực giới thiệu về dòng bánh Trung thu Mỹ - Việt. Thương hiệu này mong muốn giới thiệu tới người tiêu dùng hai nước những chiếc bánh kết hợp giữa các nguyên liệu hảo hạng của Mỹ như việt quất, hạnh nhân, kem phô mai, và trái thanh long Việt Nam.

Đoàn Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM thăm nhà máy ABC Bakery.
Đoàn Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM thăm nhà máy ABC Bakery.

NHIỀU TIỀM NĂNG CẠNH TRANH

Có thể nói, hoạt động nhượng quyền tại một số quốc gia đang góp phần thay đổi thị trường bán lẻ. Theo hiệp hội nhượng quyền thương mại thế giới (WFC) thị trường nhượng quyền Trung Quốc là một trong những nơi lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tính đến năm 2023, theo biên dịch của Trường Doanh nhân bán lẻ chuỗi và nhượng quyền Việt Nam, Trung Quốc có khoảng 2.400 thương hiệu nhượng quyền và 1,3 triệu cửa hàng nhượng quyền.

Tại Việt Nam, Phúc Tea không phải là doanh nghiệp nổi tiếng hay có thị phần lớn trong ngành, tuy vậy thương hiệu vẫn tìm kiếm được cơ hội để khai thác sân chơi tiềm năng bên ngoài Việt Nam bởi hướng đi vào thị trường ngách. Qua khảo sát, đội ngũ của Phúc Tea đánh giá người tiêu dùng ở các nước Đông Nam Á có niềm yêu thích nhất định với một thương hiệu ngoại, cộng với sản phẩm có tính đặc trưng, hiểu đúng “gu” khách hàng thì đơn vị nhỏ lẻ vẫn có cửa cạnh tranh và nhân bản.

Theo ông Nguyễn Hữu Long (Thích Nhân Chuỗi), nhà sáng lập và điều hành Trường doanh nhân Chuỗi bán lẻ & Nhượng quyền Việt Nam, am hiểu về thị trường là rào cản đầu tiên để hiểu nhu cầu của người tiêu dùng, hành vi, văn hoá mua sắm, sao cho phù hợp mà vẫn có nét riêng biệt của mô hình từ Việt Nam đưa sang.

Thông thường, những thương hiệu mang tính truyền thống, bản sắc Việt vẫn là những thương hiệu có tỉ lệ thành công cao khi ra thị trường quốc tế vì có sự cạnh tranh, độc đáo, mới lạ về sản phẩm. Nền ẩm thực Việt cũng khá phong phú và được bạn bè quốc tế ưa thích, nên lĩnh vực F&B có tiềm năng cao khi đưa thương hiệu ra thị trường quốc tế.

Có thể nói, hoạt động nhượng quyền tại một số quốc gia đang góp phần thay đổi thị trường bán lẻ.
Có thể nói, hoạt động nhượng quyền tại một số quốc gia đang góp phần thay đổi thị trường bán lẻ.

Trong khi đó, đối với các thương hiệu sản xuất, xuất khẩu là một trong những “con đường sáng” cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước ở ngành hàng F&B hiện nay. Đặc biệt, với tiềm lực còn khiêm tốn thì các doanh nghiệp nên thúc đẩy mạnh hơn qua kênh xuất khẩu trực tuyến khi đây vừa là xu hướng vừa là cơ hội. Lợi thế của việc xuất khẩu trực tuyến trong lĩnh vực này là các sàn thương mại điện tử phân phối không bị giới hạn về thời gian và không gian, từ đó giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội mở rộng thị trường.

Theo ông Kao Siêu Lực, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần luôn ở tâm thế sẵn sàng để một khi đối tác đưa ra các yêu cầu về đơn hàng thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng tốt một cách nhanh chóng các yêu cầu đó. Ngoài ra, trên thị trường F&B quốc tế, xu hướng của người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các sản vật bản địa, những sản phẩm có nguồn gốc thực vật, thực phẩm hữu cơ hoặc có các thành phần tốt cho sức khỏe. Đó cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt phát huy lợi thế của mình trước xu hướng này.

Thông tin tại Diễn đàn CEO: “Phá vỡ rào cản và mở rộng thị trường ngành F&B” hồi tháng 11/2023 cho thấy, để có thể đáp ứng được hàng loạt tiêu chí mới về bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và môi trường, điểm chung là các nhà sản xuất hoặc chuỗi nhà hàng phải tập trung vào các yếu tố phát triển bền vững. Doanh nghiệp nên chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, sử dụng nguyên vật liệu có phát thải thấp, tận dụng nhiên liệu sinh học, giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm… Cùng với đó là tăng cường quản lý chất lượng, tự tuân thủ và theo dõi sát sao việc tuân thủ các quy định về môi trường và xã hội của nhà cung ứng.