07:24 24/10/2024

Các tỉnh miền núi khó hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới

Chu Khôi

Tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, việc hoàn thiện các tiêu chí Nông thôn mới gặp nhiều trở ngại. Trong khi yêu cầu nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo phải dưới 4%, là quá cao và chưa phù hợp với thực tế tại khu vực miền núi…

Nhiều xã tại các khu vực miền núi gặp khó khăn trong việc hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.
Nhiều xã tại các khu vực miền núi gặp khó khăn trong việc hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.

Chủ trì Hội nghị trực tuyến đôn đốc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024 vào chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình ở tất cả các cấp, các ngành để hoàn thành các mục tiêu về xã đạt chuẩn Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao.

CẢ NƯỚC ĐÃ CÓ HƠN 6.300 XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế đến hết tháng 6/2024, cả nước đã huy động được trên 2,8 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí trực tiếp cho Chương trình khoảng 297.459 tỷ đồng (chiếm 10,5%); vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác khoảng 204.230 tỷ đồng (chiếm 7,2%); vốn tín dụng (Dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc đến 30/6/2024) khoảng 2.057.982 tỷ đồng (chiếm 72,9%); vốn doanh nghiệp khoảng 151.483 tỷ đồng (chiếm 5,4%); cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 112.729 tỷ đồng (chiếm 4,0%).

Tính đến ngày 20/10/2024, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4%) đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt Quyết định xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Trong đó, có 2.182 xã (chiếm 34,6%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 480 xã (chiếm 7,6%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 45,96% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). Trong đó, đã có 11 huyện (chiếm 5%) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra nhiều mặt còn hạn chế của chương trình xây dựng nông thôn mới, như tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương (vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp) năm 2024 (bao gồm các nguồn vốn của các năm trước kéo dài sang thực hiện năm 2024) đạt rất thấp.

 

"Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Đến nay, cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 72,1% sản phẩm 3 sao, 25,8% sản phẩm 4 sao, 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, đến hết tháng 8/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 45% tổng kế hoạch vốn được giao (trong đó, vốn kéo dài từ các năm trước giải ngân đạt 23,3%, kế hoạch vốn giao năm 2024 giải ngân đạt 49%), tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp chỉ mới đạt 16,2% tổng dự toán thực hiện trong năm (bao gồm dự toán kéo dài từ các năm trước và dự toán giao trong năm).

Bên cạnh đó, kết quả đạt chuẩn xã nông thôn mới của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, điển hình như: Đồng bằng sông Hồng 100%, Đông Nam Bộ 95,5%, trong khi đó Miền núi phía Bắc mới đạt 51,8%, Tây Nguyên 61,5%. Hiện vẫn còn 4 tỉnh thuộc khu vực Miền núi phía Bắc, có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới dưới 30%.

Đến nay vẫn còn 14 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh “trắng xã nông thôn mới”. Theo báo cáo của các địa phương, dự kiến đến hết năm 2024, có khoảng 11 địa phương không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2024.

KHU VỰC MIỀN NÚI VẪN KHÓ HOÀN THÀNH NÔNG THÔN MỚI

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, cho biết nhiều xã trên địa bàn tỉnh thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, khiến việc hoàn thiện các tiêu chí Nông thôn mới gặp nhiều trở ngại. Người dân tại những xã này sống rải rác, hệ thống giao thông chưa hoàn thiện, và đời sống kinh tế còn nhiều hạn chế, làm chậm quá trình nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Hữu Chiến: "Nhiều xã trên địa bàn tỉnh thuộc khu vực đặc biệt khó khăn".
Ông Nguyễn Hữu Chiến: "Nhiều xã trên địa bàn tỉnh thuộc khu vực đặc biệt khó khăn".

Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, các huyện miền núi của tỉnh đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nhưng lại bị cắt giảm các chương trình hỗ trợ về giáo dục và bảo hiểm y tế. Thêm vào đó, tiêu chí về nước sạch và môi trường lại không được bao gồm trong chương trình đầu tư công, đặc biệt là tại các khu vực miền núi.

Do đó, ông Đệ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Nhà nước để có các chính sách hỗ trợ phù hợp, nhằm đảm bảo người dân tại các vùng khó khăn này không bị tái nghèo và có thêm động lực hoàn thành mục tiêu nông thôn mới.

Bà Trần Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, nêu vấn đề: Tỉnh Bình Phước đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Một số xã nằm trong mục tiêu đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2024-2025 nhưng lại vướng vào quy hoạch bôxit, khiến việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng như trường học, nhà văn hóa, và đường sá bị đình trệ, dẫn đến chậm tiến độ.

Bà Trần Thị Tuyết Minh: "Ở các xã trong vùng bôxit, đầu tư vào cơ sở hạ tầng bị đình trệ".
Bà Trần Thị Tuyết Minh: "Ở các xã trong vùng bôxit, đầu tư vào cơ sở hạ tầng bị đình trệ".

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng yêu cầu tỷ lệ hộ nghèo phải dưới 4%, là quá cao và chưa thực sự phù hợp với thực tế tại địa phương. Vì vậy, bà đề nghị Nhà nước cần xem xét lại tiêu chí này để việc thực hiện được thuận lợi và sát với tình hình thực tiễn hơn.

Theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay chỉ tiêu về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới trên cả nước chỉ đạt khoảng 80%, trong khi mục tiêu đến hết năm 2025 là phải đạt 90%. Thời gian còn lại không nhiều, nhưng tiến độ thực hiện rất chậm.

“Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tiêu chí 17 và 18 liên quan đến môi trường hiện đang được hướng dẫn và chỉ đạo bởi nhiều Bộ, gây ra khó khăn và bất cập cho các địa phương. Điều này khiến cho các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ gặp khó khăn trong việc đạt được các chỉ tiêu này”, bà Ánh nêu thực tế.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Cần nỗ lực để các xã nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới đã đăng ký hoàn thành đúng thời hạn".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Cần nỗ lực để các xã nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới đã đăng ký hoàn thành đúng thời hạn".

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, vào cuối năm 2024, cần nỗ lực để các xã nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới đã đăng ký hoàn thành đúng thời hạn.

Trong các tháng còn lại của năm 2024, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình ở tất cả các cấp, các ngành để hoàn thành các mục tiêu về xã đạt chuẩn Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao.

Đồng thời, các địa phương cần phải tổ chức các cuộc họp chuyên đề để đôn đốc tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, nâng cao chất lượng thẩm định địa phương đạt chuẩn Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành phê duyệt chi tiết dự án/đề án/kế hoạch thực hiện các mô hình thí điểm thuộc các chương trình chuyên đề xong trước ngày 30/11; thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai chương trình.