22:29 11/06/2019

Cách nào để cải thiện tình trạng trẻ bị thấp còi?

An Nhiên

Ngày nay trẻ được cha mẹ cho ăn nhiều chất bổ nhưng vì sao vẫn suy dinh dưỡng? Theo các nhà nghiên cứu, việc giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em Việt Nam đang rất khó khăn và có dấu hiệu chững lại. Trong đó, có nguyên nhân là do chế độ chăm sóc sai lầm của các bậc cha mẹ.


Cách nào để cải thiện tình trạng trẻ bị thấp còi? - Ảnh 1.
Có chế độ dinh dưỡng hợp lýĐể phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Lê Danh Tuyên khuyến cáo, các gia đình cần quan tâm đến chăm sóc dinh dưỡng ngay từ tuổi vị thành niên, đặc biệt là giai đoạn mới kết hôn, chuẩn bị làm mẹ. Đặc biệt là dinh dưỡng hợp lý trong 1000 ngày vàng (đầu đời) tức là từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai đến khi trẻ 2 tuổi đóng vai trò hết sức quan trọng. Đảm bảo dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời gian mang thai để giúp thai nhi phát triển tốt và bà mẹ có đủ dự trữ các chất dinh dưỡng để nuôi con sau này. Mặt khác, bổ sung viên sắt trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh là rất cần thiết để phòng chống thiếu máu cho cả mẹ và con...Đặc biệt, bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng; cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Các gia đình nên sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn bổ sung của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D.Đáng lưu ý, gia đình cần cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A; trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm; thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.
Cách nào để cải thiện tình trạng trẻ bị thấp còi? - Ảnh 2.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, nguyên trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết những nguy cơ khiến trẻ bị thấp còi là sinh non, sinh đôi, suy dinh dưỡng bào thai, các bệnh lý nội tiết, di truyền... và do nuôi dưỡng không đúng cách.Trong khi đó, phải có đầu tư thiết yếu cho bà mẹ mang thai, trẻ em dưới 2 tuổi, nhóm trẻ tiền dậy thì (trẻ học đường) là những giai đoạn trẻ tăng trưởng chiều cao tốt nhất. Viện trưởng Lê Danh Tuyên, Viện Dinh dưỡng quốc gia, khuyến cáo tại các khu vực vùng sâu vùng xa, cần cung cấp viên đa vi chất cho bà mẹ có thai và bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em. Hiện tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em có sự khác biệt giữa các vùng, cao nhất là khu vực Tây nguyên (suy dinh dưỡng nhẹ cân là gần 22%, suy dinh dưỡng thấp còi là trên 34%), trung du và miền núi phía Bắc (suy dinh dưỡng nhẹ cân là 19,5%, suy dinh dưỡng thấp còi là trên 30%).Ngoài ra, theo ông Tuyên, các hoạt động thể lực, thể thao vừa sức, giấc ngủ ngon và đủ giấc chiếm 20% điều kiện để tăng trưởng chiều cao trẻ em.
Cách nào để cải thiện tình trạng trẻ bị thấp còi? - Ảnh 3.
Loại bỏ sai lầm trong chăm sóc trẻCho trẻ bú sữa mẹ nhưng không cho trẻ bú hết sữa cuối, trẻ ở tuổi ăn giặm chỉ ăn đủ năng lượng chứ thiếu các vi chất cũng làm cho trẻ bị thấp còi. Trong khi nhiều bà mẹ có suy nghĩ trẻ cứ uống nhiều sữa là sẽ tăng chiều cao, nhưng không phải như vậy vì uống sữa quá mức mà không ăn giặm cũng dẫn đến thiếu chất, gây thấp còi. Nếu trẻ chỉ ăn đủ năng lượng mà không đủ vi chất dinh dưỡng sẽ làm trẻ chỉ mập và cũng sẽ bị thấp còi. Ví dụ trẻ ăn nhiều bánh kẹo, nước ngọt... sẽ đủ năng lượng nhưng lại thiếu các vi chất.Nhiều gia đình có kinh tế nhưng trẻ vẫn bị thấp còi do cho trẻ ăn giặm không đúng cách. Nhiều bà mẹ cho rằng cho trẻ ăn đủ bốn nhóm chất là được. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoa, ngay cả khi cho trẻ ăn đủ bốn nhóm chất nhưng cách chế biến không đúng cũng làm trẻ bị thấp còi. Ví dụ cho trẻ ăn quá nhiều đạm, nấu thức ăn để lâu hay cho rau củ, trái cây, thức ăn vào ngăn đá để cả tuần mới cho trẻ ăn nên không còn chất nữa... Bác sĩ Hoa khuyên các bà mẹ cần đưa trẻ đi đo cân nặng, chiều cao hằng tháng. Nếu trẻ không đủ cân nặng, chiều cao nên đưa trẻ đến chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn. Đừng để lâu vì khi trẻ đã qua 2 tuổi mới đến thì bác sĩ dinh dưỡng cũng khó can thiệp.