11:57 16/05/2018

"Cải cách thể chế còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp!"

KIỀU LINH

Nhìn chung tốc độ cải cách thể chế vẫn chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp

Hội thảo "Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 đến năm 2020".
Hội thảo "Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 đến năm 2020".

Đó là đánh giá về tiến độ cải cách thể chế của giới chuyên gia tại hội thảo "Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 đến năm 2020" diễn ra ngày 15/5 tại Hà Nội.

Cải cách thể chế còn chậm

Nêu hàng loạt thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội, tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới. Thành tựu này có ý nghĩa thiết thực, khẳng định nước ta đã lớn mạnh, không còn là một nước nhỏ, kém phát triển. 

Niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối của Đảng, Nhà nước và tương lai phát triển của đất nước được củng cố, nhất là kết quả nổi bật của công cuộc phòng chống tham nhũng, kỷ luật, kỷ cương ngày càng được tăng cường.

Nhiều chính sách cải cách, đổi mới trong nước tiếp tục phát huy hiệu quả, môi trường kinh doanh và cầu nội địa tiếp tục được cải thiện, tác động tích cực từ các hiệp định FTA, hiệp định CPTPP . 

Chẳng hạn như, tốc độ tăng trưởng GDP những tháng đầu năm đạt 7,38%, là mức cao nhất của quý 1 trong 10 năm trở lại đây. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm duy trì ở mức thấp, tăng 2,8%. Tình hình giải ngân vốn FDI ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 41,2 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký ước đạt khoảng 412 nghìn tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 73,76 tỷ USD…

Mặc dù ghi nhận thành tích đạt được của Việt Nam thời gian qua, đánh giá về cải cách thể chế, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ rằng, nhìn chung tốc độ cải cách thể chế vẫn chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2015 môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình của ASEAN 4, nhưng hiện khoảng cách vẫn rất xa. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải xếp thứ 40 trên thế giới, thực tế hiện đang đứng ở vị trí 86. Chính phủ chỉ đạo xoá bỏ mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh từ tháng 8 năm ngoái, đến nay 10 tháng rồi mà chưa nhiều Bộ, ngành nghiêm túc thực hiện.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa tỏ ra lo ngại về phát triển công nghiệp của Việt Nam. Ông nói: Công nghiệp chế tạo của Việt Nam hiện nay gần như nằm trong tay người nước ngoài, mà cụ thể là khối doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chúng ta mong muốn trở thành một nước công nghiệp. Tuy nhiên, đây là mục tiêu không hề dễ dàng. 

4 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á là Philipines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã thất bại trong nỗ lực công nghiệp hoá. Và các chuyên gia của họ từng khẳng định cơ hội để các nước Đông Nam Á trở thành một nước công nghiệp đã hết và không bao giờ quay lại.

Thế giới hiện nay là phẳng, các nước gần như đã mở cửa, các nền kinh tế phát triền sẽ không bao giờ để chúng ta có được công nghệ của họ. Trong bối cảnh như vậy, thì nhìn nhận phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin là hợp lý.

Bài học kinh nghiệm từ Đài Loan 

Bàn về phương thức cải cách thể chế sao cho hiệu quả, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, hiện nay, người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện quyết tâm chính trị thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong 1 năm qua, cải các thể chế có tiến triển nhưng chậm, dẫn đến tình trạng trên nóng, dưới lạnh. Do đó, trọng tâm vấn đề hiện nay đầu tiên là sự chuyển động cả hệ thống, thay vì chỉ người lãnh đạo.

Đây là chuyển động của toàn bộ máy, kể các cấp quản lý, cấp dưới. Rất cấp bách. Và để làm thế nào thì cần có chế tài. Điều này mới có thể giúp giải quyết vấn đề điều kiện kinh tế, giấy phép con.

Về trung hạn, cần cấu trúc lại bộ máy thể chế để hình thành đúng nghĩa nhà nước kiến tạo phát triển. Cần cấu trúc bộ máy kịp phục vụ giai đoạn thực sự kiến tạo, phát triển bằng cách nhìn mới, luật chơi mới để tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ các vướng cản trước đó để lại.

Về phía mình, Phan Đức Hiếu nêu quan điểm cần thay đổi tư duy ở cấp nhân viên, chuyên viên, chứ không chỉ dừng lại ở tầm lãnh đạo. Thay đổi tư duy trong bộ máy hành chính là một nội dung quan trọng của cải cách thể chế, từng bước bám sát trình độ tư duy của thế giới. 

Việt Nam cần sự đầu tư và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống doanh nghiệp lẫn chính quyền, các nhà làm chính sách. Có thể học hỏi kinh nghiệm của Đài Loan, đây là nền kinh tế thành công nhất trong lĩnh vực công nghiệp điện tử tại khu vực Đông Bắc Á. Năm 1962, thu nhập đầu người của Đài Loan chỉ bằng một nửa Malaysia, nhưng hiện nay đã gấp 3 lần.

Ông Hiếu nhấn mạnh: Về cách thức làm luật của ta, Việt Nam thường phải có luật rồi mới cho làm, hạn chế sức sáng tạo. Ở các nước phát triển, người ta đánh giá cao và khuyến khích Startup, các ý tưởng. 

"Các bạn trẻ cứ làm, luật chỉ là phương thức tạo hành lang pháp lý. Chỉ có bằng cách này, Việt Nam mới nhanh bắt kịp thế giới. Chúng ta biết hiện tính thích nghi và phản ứng nhanh của hệ thống chính sách là rất chậm. Uber vào rồi rời khỏi Việt Nam chóng vánh, trong khi chúng ta vẫn còn chưa tìm ra cách thức quản lý sao cho hiệu quả", ông Phan Đức Hiếu nói.