08:43 23/05/2025

Cần 7.500 tỷ đồng đầu tư cảng biển Bình Định đến năm 2030

Hoài Niệm

Dự thảo Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Cục Hàng hải và Đường thủy trình Bộ Xây dựng, xác định tổng vốn đầu tư đến năm 2030 vào khoảng 7.590 tỷ đồng, gồm 1.250 tỷ đồng đầu tư hạ tầng hàng hải công cộng và 6.340 tỷ đồng đầu tư cho các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa...

Một góc khu cảng Bình Định nhìn từ trên cao. Ảnh internet
Một góc khu cảng Bình Định nhìn từ trên cao. Ảnh internet

Theo dự thảo quy hoạch, hệ thống cảng biển Bình Định gồm khu bến Qui Nhơn - Thị Nại - Đống Đa; khu bến Nhơn Hội; bến cảng Phù Mỹ, cùng các khu neo đậu, chuyển tải, tránh trú bão.

Báo cáo của Cục  Hàng hải và Đường thủy Việt Nam cho biết, năm 2024, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Bình Định đạt khoảng 11.930.000 tấn; trong đó hàng khô chiếm 81%, hàng lỏng 8% và hàng container 11%. Tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân giai đoạn 2020 - 2024 đạt 6%/năm.

Cơ quan này cũng cho biết thêm là trong thời gian qua, các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng cảng biển khu vực đã phát huy tốt, giúp cảng Bình Định tăng khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn và thu hút hàng hóa xếp dỡ. Công tác kiểm tra tải trọng, bảo trì cầu cảng, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm túc. Việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để điều động tàu hợp lý, giảm thời gian chờ cầu, bảo đảm an toàn hàng hải và xử lý kịp thời các sự cố trên tuyến luồng… đã được thực hiện nghiêm túc.

Trên thực tế, dù đạt những kết quả tăng trưởng tích cực nhưng cảng biển Bình Định vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như tuyến luồng hàng hải Qui Nhơn hiện chưa đáp ứng cho tàu 50.000 tấn đầy tải ra vào; kết nối giao thông còn hạn chế, chưa có đường sắt và đường thủy nội địa dẫn đến cảng.

Nguyên nhân chủ yếu được lý giải là nguồn lực đầu tư từ nhà nước và doanh nghiệp còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu cải tạo, nâng cấp hạ tầng kết nối. Nhiều nhà đầu tư còn hạn chế về năng lực, chậm đổi mới công nghệ và phương thức khai thác đã khiến hiệu quả hoạt động tại một số bến cảng chưa cao.

Dự thảo quy hoạch nêu rõ: Đến năm 2030, hệ thống cảng dự kiến đáp ứng lượng hàng từ 17,65 - 18,75 triệu tấn/năm; hàng container từ 0,32 - 0,37 triệu TEUs, hành khách từ 150.000 - 200.000 lượt/năm. Cảng biển Bình Định sẽ có 8 bến cảng, gồm 16 - 18 cầu cảng, tổng chiều dài khoảng 3.600 - 4.000 m. Tầm nhìn đến 2050, cảng Bình Định tiếp tục mở rộng với tốc độ tăng trưởng hàng hóa dự kiến 4,5 - 5,5%/năm.

Tổng nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 khoảng 178 ha, chưa gồm các khu công nghiệp, logistics liên quan và 19.404 ha mặt nước, bao gồm vùng nước trong phạm vi quản lý. Tổng nguồn vốn cho giai đoạn đến năm 2030 được xác định vào khoảng 7.590 tỷ đồng; trong đó, 1.250 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng, và 6.340 tỷ đồng đầu tư cho các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa.

Trước đó, ngày 07/4/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển đối với khu bến cảng Phù Mỹ thuộc cảng biển Bình Định. Cụ thể, tại Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 16/01/2025, bến cảng Phù Mỹ thuộc cảng biển Bình Định gồm các bến cảng tại huyện Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn. Khu bến này nhằm phục vụ khu kinh tế, công nghiệp (năng lượng, luyện kim), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực.

Tuy nhiên, theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, hiện quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển tại khu vực này chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng cảng biển, tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét cập nhật và phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển đối với bến cảng Phù Mỹ.

Dự thảo quy hoạch vừa được Cục Hàng hải và Đường thủy trình Bộ Xây dựng còn nêu rõ sẽ ưu tiên đầu tư các bến tại khu bến Qui Nhơn, nâng cấp các hạng mục bảo đảm an toàn hàng hải như khu neo đậu tránh trú bão, bến công vụ và cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước chuyên ngành.