08:00 13/10/2021

Cần chấp nhận mở cửa nền kinh tế

Phan Nam

Việc phục hồi kinh tế quan trọng không kém gì chống dịch. Nếu cứ “ngăn sông cấm chợ” thì nguy cơ suy thoái kinh tế là không tránh khỏi...

Việc phục hồi kinh tế quan trọng không kém gì chống dịch..
Việc phục hồi kinh tế quan trọng không kém gì chống dịch..

Toạ đàm “Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch Covid-19” do Reatimes tổ chức ngày 12/10, nhận được nhiều ý kiến đề xuất quan trọng từ các chuyên gia, nhà quản  lý và doanh nghiệp.

THÁO GỠ VƯỚNG MẮC CÁC THỦ TỤC CẦN THIẾT

“Như chúng ta đều biết, Việt Nam sau khi bị cách ly chống dịch khoảng 4 tháng, ở khu vực phía Nam, đã cho thấy sự “rơi thẳng đứng” của nền kinh tế. GDP từ 6% trong quý 2 tụt xuống -6% vào quý 3/2021. Chúng ta cũng nhìn thấy sự “ra đi” của 10.000 doanh nghiệp, dẫn đến số lượng lớn người lao động thất nghiệp. Sự sa sút trầm trọng của nền kinh tế cũng chính là bài học của các nhà quản lý”, ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhìn nhận.

Phân tích sâu hơn về thực trạng trên, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng có lẽ nút thắt, vướng mắc lớn nhất là doanh nghiệp kẹt cứng ở mô hình “Zero Covid” và cách sống chung an toàn với Covid. Nếu không gỡ được tư duy này thì không thể gỡ được cho doanh nghiệp. Kinh tế đang phải đối mặt với những khó khăn, nếu vài quý có con số kinh tế phát triển âm như hiện nay thì suy thoái rõ rệt.

Cần chấp nhận mở cửa nền kinh tế - Ảnh 1

“Việc phục hồi kinh tế là vấn đề lớn hơn phòng chống dịch Covid-19 nhiều lần. Cần phải gỡ từ các mục tiêu xung đột, mâu thuẫn. Nếu chúng ta muốn sạch bóng F0 và phát triển kinh tế thì cần phải chấp nhận có các ca Covid-19 nhưng phát bệnh khi năng lực y tế đáp ứng được. Phải chấp nhận mở cửa kinh tế. Tôi cho rằng cần áp đặt một chế độ trách nhiệm cân bằng. Nếu chỉ áp đặt cho cho lãnh đạo địa phương trách nhiệm về việc để xảy ra Covid-19 tràn lan thì họ sẽ không để tâm đến mục tiêu kinh tế. Do đó, cần phải áp đặt cân bằng hai mục tiêu vừa chống Covid-19 vừa phát triển kinh tế” ” ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, đối với doanh nghiệp, có nhiều vấn đề cần quan tâm.

Thứ nhất là câu chuyện khôi phục mở cửa kinh tế với thế giới, đặc biệt là việc xuất khẩu. Cần tạo điều kiện đầy đủ cho doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu chứ không thể ngăn cấm hay áp đặt về vấn đề giao thông vì sẽ cản trở vấn đề di chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu vật tư… Khi đã tiêm phòng trên toàn diện rộng thì vấn đề Covid-19 lây nhiễm không còn quá nghiêm trọng.

Thứ hai là câu chuyện nhân lực lao động cho doanh nghiệp. Làm thế nào để thu hút họ trở về các thành phố. Đặc biệt là, với trách nhiệm của doanh nghiệp bất động sản. Phải làm sao để công nhân có nhà ở ổn định ở các khu công nghiệp để họ an cư, an tâm sản xuất kể cả khi xảy ra ra dịch bệnh khác. Phải biến kế hoạch tạo dựng nhà ở cho người lao động sớm thành hiện thực.

Thứ ba, với nhóm tiêu dùng thì cần phải bảo đảm thị trường mở cửa trở lại. Vấn đề an sinh xã hội cho người dân nói chung, người nghèo, người lao động phải được đáp ứng tốt nhất để từ đó kích cầu tiêu dùng.

Thứ tư là vốn vay cho doanh nghiệp, phải quan tâm đến hai vấn đề: nếu vay của dân bằng trái phiếu hay công cụ nào thì phải trả lãi suất cao? Thứ nữa, là tiền tích trữ cần phải chi tiêu luôn vì không phải lúc này thì còn lúc nào nữa.

Thứ năm, thủ tục và chính sách hiện nay còn rất vướng. “Câu chuyện thực thi pháp luật tệ là vấn đề lớn. Thực tế, những người làm chính sách không phải là người thực thi chính sách. Người cao hơn là người ban hành quyết định, người đưa vấn đề vào cuộc sống lại là người khác. Nhưng ban hành quyết định là một chuyện, triển khai, thực thi lại là một việc khác. Tôi cho rằng Quốc hội cần ban hành nghị quyết tháo gỡ vướng mắc ở các thủ tục, chính sách cần thiết”, ông Dũng bày tỏ.

Đồng quan điểm, ông Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ: việc người dân sinh sống ở TP.HCM “ào ào” trở về quê, có hai nguyên nhân. Một là do dịch bệnh, hai là do họ thất nghiệp và không còn kế mưu sinh. Từ đó chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc rằng, đã đến lúc cần lo cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể lo cho người lao động của họ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc lo cho tiềm lực quốc gia, trụ cột của quốc gia và cũng chính là lo cho dân.

DOANH NGHIỆP CẦN “TRỢ THỞ”

“Nhìn ra thế giới có thể thấy, nhiều quốc gia đã áp dụng nhiều chính sách khác nhau để hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ. Ví dụ như Hoa Kỳ, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng 30% GDP của các nước; con số này ở Nhật Bản là 50% GDP, còn Việt Nam thì sao? Đã đến lúc chúng ta cần hoạch định rõ ràng cho tương lai, để sống cho hiện tại và bền vững về sau. Để làm được điều đó, đầu tiên cần sửa là cơ chế. Cái gì Nhà nước không cấm thì cần mở ra cho doanh nghiệp làm. Cần cơ chế cho doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, bền vững hơn thì doanh nghiệp mới phát triển, đi lên được”, ông Hợp khuyến nghị.

Trong khi đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cần nhìn nhận các giải pháp dưới 3 góc độ quan trọng. Bao gồm: lựa chọn chống dịch bằng cách khôn khéo hơn; mở cửa ra sao để sống chung với dịch; động lực cho tăng trưởng ra sao đối với xuất khẩu, đầu tư công? 

 
"Đã qua thời chúng ta theo đuổi lợi nhuận tuyệt đối mà là thời kỳ tính bằng sự cống hiến cho xã hội. Do đó, các doanh nghiệp hãy nghĩ khác đi, nghĩ nhiều hơn về giá trị xã hội. Đây cũng là cách để chúng ta vượt qua đại dịch, khiêu vũ dưới mưa”.

Ông Vũ Tiến Lộc.

Trên cơ sở đó, ông Lộc đã đề xuất “giải pháp 5T”

Thứ nhất là "trợ thở" bằng cách mở cửa - “Mở cửa hay là chết?”. “Từ đầu tháng 10 chúng ta đã mở cửa nhưng cần mạnh mẽ hơn nữa chứ không phải nửa đóng nửa mở. Cần một luật sống chung khi mở cửa để các cấp chính quyền địa phương chủ động mở cửa, thay vì “xin” như hiện nay. Đồng thời, xoá bỏ giấy phép con trong lộ trình mở cửa nền kinh tế. Đây là việc quan trọng. Từ đó tạo nên sự chủ động, nhất quán trong hành xử từ trung ương về địa phương”, ông Lộc nhận định.

Thứ hai là "tiếp máu". “Mất khả năng thanh khoản là khó khăn chung của doanh nghiệp hiện nay, do đó cần hỗ trợ “tiếp máu” cho doanh nghiệp bằng các chính sách tài khoá. Nếu chỉ có ngân hàng giảm lãi suất thì không đạt được kết quả tích cực nhất. Vì vậy, cần có các chính sách, các quỹ bảo lãnh ngân hàng. Cần nhấn mạnh rằng, chính sách tài khoá phải tích hợp với chính sách tiền tệ  phải kết hợp để “bơm máu” cho doanh nghiệp… Hiện nay, các gói chính sách mới thực hiện được 50% nên còn rất nhiều dự địa để tiếp tục hỗ trợ”, ông Lộc lý giải.  

Thứ ba là tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cởi trói chính sách cho doanh nghiệp. “Hiện nay, luật pháp còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn phiền hà. Tôi cho rằng, Việt Nam cần phải đạt được mục tiêu trở thành top 4 phát triển kinh tế trong ASEAN”, ông Lộc nói. 

Thứ tư là cần thúc đẩy nâng cao trình độ của doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp không chỉ cần tiền, mà cần Nhà nước cần hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ quản trị cho các doanh nghiệp. Về phía các doanh nghiệp cũng cần phải học để cải thiện trình độ của mình.

Cuối cùng là tiếp cận thị trường. Cần tổ chức xúc tiến qua mạng mạnh mẽ. Trước mắt phải tính toán phương án “cơm áo gạo tiền”. Tuy nhiên, 3 tháng cuối năm cũng cần quan tâm xanh hóa, xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa. Đề cao tính xã hội của doanh nghiệp, có trách nhiệm xã hội, hướng đến phát triển bền vững là cực kỳ cần thiết.

“Đã qua thời chúng ta theo đuổi lợi nhuận tuyệt đối mà là thời kỳ tính bằng sự cống hiến cho xã hội. Do đó, các doanh nghiệp hãy nghĩ khác đi, nghĩ nhiều hơn về giá trị xã hội. Đây cũng là cách để chúng ta vượt qua đại dịch, “khiêu vũ dưới mưa”, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh.