Cần chính sách tín dụng riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 90% tổng số doanh nghiệp nhưng dư nợ lại chỉ chiếm có 27%
Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 90% tổng số doanh nghiệp nhưng dư nợ lại chỉ chiếm có 27%.
Sáng 5/4, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự án luật - Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ hai, có ý kiến cho rằng cần có cơ chế mạnh hơn để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Vì nội dung dự thảo luật còn chung chung, chưa khuyến khích được các tổ chức tín dụng cho vay vốn, khó khả thi trong thực tế.
Theo Uỷ ban Kinh tế, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng quy định trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ có cơ chế, biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để phù hợp đặc điểm, tình hình của từng thời kỳ.
Quy định khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay doanh nghiệp dựa trên xếp hạng tín nhiệm và các biện pháp phù hợp khác cũng được bổ sung.
Ủy ban Kinh tế giải thích, nội dung này sẽ được hướng dẫn tại nghị định và do Chính phủ quyết định. Trong từng thời kỳ, tùy điều kiện ngân sách, Chính phủ sẽ quyết định các biện pháp, không làm ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ, tài khóa, tín dụng. Một số biện pháp đã thực hiện thời gian qua như tái cấp vốn (giống như gói tín dụng 30.000 tỷ hỗ trợ nhà ở), hỗ trợ cấp bù lãi suất (giống như đang áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp)...
Cơ quan thẩm tra cũng cho biết, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án thực sự đem lại hiệu quả nhưng không có tài sản bảo đảm, đáp ứng đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng thông qua hình thức cho vay tín chấp, ngoài việc tăng cường, củng cố chức năng, nhiệm vụ của quỹ bảo lãnh tín dụng, dự thảo luật còn giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức, cơ quan hữu quan cung cấp cơ sở dữ liệu thông tin về khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa để các tổ chức tín dụng và các tổ chức xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nêu rõ, trên thực tế doanh nghiệp nhỏ và vừa thường khó tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng vì năng lực quản trị hạn chế, tài sản bảo đảm ít, phương án, dự án kinh doanh, vay vốn xây dựng không bài bản, hệ thống sổ sách tài chính, kế toán thiếu minh bạch, tiềm lực tài chính yếu, dễ bị rủi ro.
Do vậy, dự thảo luật mới nhất đã bổ sung quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nâng cao năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp.
Khẳng định hiện nay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn ách tắc, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu con số khu vực doanh nghiệp này chiếm đến 90% tổng số doanh nghiệp nhưng dư nợ lại chỉ chiếm có 27%.
Ông Vượt cho rằng trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, nợ xấu, nợ công cao thì cần có chính sách tín dụng riêng và có bộ phận tín dụng riêng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi tất cả các nguồn lực đều yếu, nếu dự thảo luật không quy định cụ thể thì các tổ chức tín dụng có thể cho vay cũng được, không cho vay cũng được - ông Vượt phát biểu.
Bên cạnh hỗ trợ tín dụng, nhiều hỗ trợ khác với doanh nghiệp cũng được cho là còn chung chung, thiếu cụ thể, khó khả thi.
Dự thảo luật quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là trách nhiệm của Nhà nước. Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, Nhà nước có trách nhiệm với cả nền kinh tế, với dân, và sự hỗ trợ với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đảm bảo cơ chế thị trường chứ không phải là không giới hạn.
Nhìn tổng thể dự án luật, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) nhận xét, dự thảo mới nhất đã khả thi hơn. Và điếm sáng của dự án luật chính là quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Phản ánh ý kiến từ các doanh nhân, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Tô Hoài Nam nói, chính sách tại dự thảo luật là nhất quán và quy định về hỗ trợ rất rộng, tác động tích cực đến tất cả các khâu của doanh nghiệp.
Theo nghị trình, kỳ họp thứ ba tới đây Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.