10:04 01/06/2007

Cần có trung tâm đào tạo, cung ứng lao động cho khu công nghiệp

Kim Oanh

Làm thế nào để ổn định nguồn nhân lực về “chất” và “lượng” cho các khu chế xuất và khu công nghiệp tại Tp.HCM?

Cần đào tạo học sinh học nghề theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp.
Cần đào tạo học sinh học nghề theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo định hướng chuyển đổi các ngành nghề có công nghệ, kỹ thuật cao và phục vụ nhu cầu đầu tư mới sau khi Việt Nam gia nhập WTO, vấn đề đặt ra là phải có chiến lược dài hạn đối với nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.

Làm thế nào để ổn định nguồn nhân lực về “chất” và “lượng” cho các khu chế xuất và khu công nghiệp tại Tp.HCM?

Với 3 khu chế xuất và 12 khu công nghiệp, Tp.HCM đã tạo việc làm ổn định cho 200.000 lao động. Lực lượng lao động tuy dồi dào nhưng mang nhiều hạn chế như thiếu ổn định, năng suất lao động chưa cao... Những ngành kỹ thuật cao thiếu vắng công nhân lành nghề, chủ yếu là các chuyên gia nước ngoài.

Hướng nghề từ nhà trường

Tp.HCM có 72 trung tâm dạy nghề và 28 trường dạy nghề. Thế nhưng, khảo sát của Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp cho thấy, lao động ở khu chế xuất, khu công nghiệp phần lớn là học sinh phổ thông mới ra trường. Tình trạng này bắt nguồn từ thực tế là khả năng đào tạo tay nghề còn hạn chế, chất lượng tay nghề được đào tạo còn cách xa với yêu cầu. Vì vậy, người sử dụng lao động linh hoạt bằng cách đào tạo tại chỗ mà đầu vào là học sinh chưa có tay nghề.

Theo khảo sát của Ban Quản lý tại Khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung, sắp tới, các doanh nghiệp tiếp tục hình thức “tuyển học sinh phổ thông mới ra trường có kiến thức vững để đào tạo tại xí nghiệp thành lực lượng công nhân và kỹ thuật viên của chính xí nghiệp sau khi được đào tạo”.

Ông Trần Dũng Tiến, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp tại Tp.HCM cho rằng, theo hướng này, thành phố cần quyết liệt phong trào học sinh phổ thông hướng mạnh đến học nghề và học nghề tại cơ sở, trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất công nghiệp mà lập nghiệp, tránh lệ thuộc quá nhiều vào con đường đại học- cao đẳng.

Tuy vậy, nhu cầu thực sự của các doanh nghiệp không phải là học sinh phổ thông với trình độ học vấn xác định mà là lao động có tay nghề được đào tạo từ các trường, lớp. Cho nên, nếu hệ thống đào tạo “gãi đúng chỗ ngứa” thì người sử dụng lao động sẽ chuyển từ hình thức tuyển dụng rồi tự đào tạo theo đúng mục đích sang dựa vào đào tạo từ trường, lớp, trung tâm kết hợp với bổ túc tại chỗ hoặc đào tạo tại trường với sự phối hợp của các doanh nghiệp.

Thành lập trung tâm đào tạo và cung ứng lao động

Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh gia nhập WTO, yếu tố “lao động chất lượng cao” cần được nhấn mạnh hơn yếu tố “lao động giá rẻ”. Nhiều giải pháp được đặt ra nhằm nâng cao yếu tố chất lượng lao động. Theo ông Trần Ngọc Cang, Công ty TNHH Thiết kế Renesas Việt Nam, nhà trường nên tạo điều kiện cho sinh viên thực hành những kiến thức đã học thay vì quá nặng lý thuyết, chưa có nhiều ứng dụng thực tế nên không đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Công ty phải đào tạo lại khá tốn kém, làm giảm tính cạnh tranh về lao động.

Ông Trần Dũng Tiến, nguyên Uỷ viên Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố nêu ra kinh nghiệm của các nước: doanh nghiệp tiếp cận với nhà trường và tuyển chọn những học sinh, sinh viên triển vọng ở các lớp cuối khoá để đưa vào cơ sở trang bị thêm kỹ năng thực hành. Kết quả là sau khi tốt nghiệp, sinh viên được tuyển dụng ngay.

Theo PGS-TS. Phạm Văn Bôn, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp, khi doanh nghiệp và nhà trường liên kết thì trường học là nơi người lao động được trang bị lý thuyết, còn doanh nghiệp là nơi lý tưởng để thực hành. Khi học và hành đi đôi thì chất lượng nhân lực được cải thiện.

Ông Phan Quang Thịnh, công tác tại trường Đại học An Ninh cũng cho rằng, các trường, lớp đào tạo nghề ngắn hạn theo nhu cầu xã hội nên phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để đào tạo tập trung hoặc kèm dạy nghề tại doanh nghiệp theo hợp đồng đào tạo gắn với cung ứng lao động. Theo ông Thịnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như công đoàn, Sở Lao động, Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp trong đào tạo nghề. Ban quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp nhu cầu lao động chất lượng cao của các doanh nghiệp để điều tiết, đào tạo và cung ứng lao động. Từng cụm khu chế xuất, khu công nghiệp nên liên kết hoặc mỗi khu chế xuất, khu công nghiệp nắm bắt nhu cầu lao động đặc trưng của cả cụm khu chế xuất, khu công nghiệp để tổ chức hệ thống trung tâm, trường đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đồng ý rằng, nên có sự ra đời của trung tâm đào tạo và cung ứng lao động cho các khu chế xuất, khu công nghiệp. Trung tâm này đóng vai trò như là điều phối viên, là cầu nối giữa nhà trường, người lao động và người sử dụng lao động.