Cần nguồn lực khổng lồ cho lĩnh vực đô thị
Để phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra là đến 2030, cả nước có 700 phường đạt chuẩn đô thị thì cần phải có nguồn lực khổng lồ, ước tính lên tới nhiều trăm tỷ USD...
Phát biểu tại hội thảo “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam” do Bộ Xây dựng và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chiều 16/11, đề cập đến con số trên, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), thừa nhận rằng để huy động được đủ nguồn vốn này là rất khó. Bởi nhìn lại thời gian qua, cứ 10 năm, chúng ta mới huy động được 3,5 - 4 tỷ USD vốn ODA (nguồn hỗ trợ chính thức cho lĩnh vực đô thị). Điều đó cho thấy, sự chủ động của các địa phương trong huy động và phát huy đa dạng nguồn vốn là vô cùng quan trọng.
THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CÁC CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ
Cũng bàn về vốn, ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội chia sẻ, riêng nhu cầu vốn để đầu tư thực hiện quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 đã lên tới 8,2 triệu tỷ đồng. Trong đó cần 5,5 triệu tỷ đồng (66%) để đầu tư hạ tầng kỹ thuật và 2,7 triệu tỷ đồng (34%) để phát triển hạ tầng xã hội.
Dự kiến, chúng ta phải mất 15 năm để huy động vốn đầu tư toàn xã hội vào công cuộc xây dựng đô thị theo đúng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Trong khi đó, vốn đầu tư công chỉ có thể giải quyết khoảng 3% nhu cầu đầu tư hạ tầng. Mà từ trước đến nay, đầu tư phát triển lại chủ yếu dựa vào nguồn lực đầu tư công, chưa có cơ chế chính sách rộng mở kêu gọi các nguồn lực kinh tế khác. Vì thế, theo ông Hùng, nhất thiết phải cân đối vốn đầu tư toàn xã hội theo chiến lược chung của toàn thành phố.
Còn theo bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, thời gian tới, việc chỉnh trang, tái thiết đô thị là nhiệm vụ hàng đầu tại các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn. Trong công cuộc chỉnh trang, tái thiết này cần quan tâm đến năng lực giao thông, chú trọng xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn đô thị, tăng diện tích cây xanh, không gian mở đô thị, đảm bảo an sinh nhà ở và các thiết chế văn hóa thiết yếu khác. Đối với vấn đề hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư hạ tầng kết nối, nhất là giao thông vùng, giao thông công cộng sức chở lớn tại đô thị lớn như TP. HCM, Hà Nội để khai thác hiệu đầu tàu dẫn dắt quá trình đô thị hóa theo hướng cạnh tranh, sáng tạo, và hội nhập quốc tế.
“Trong nhiệm vụ này, nguồn lực thực hiện (nhất là trong trường hợp hạ tầng kỹ thuật) là một thách thức đối với các chính quyền đô thị”, bà Lan Anh nhận định.
PHÁT HUY NGUỒN LỰC TỪ ĐẤT ĐAI
Lãnh đạo Cục Phát triển đô thị cho rằng để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đô thị hoá và giải quyết những điểm nghẽn hiện nay, các thể chế, chính sách phát triển đô thị đóng vai trò quan trọng, tạo hành lang pháp lý và sự minh bạch trong triển khai và thu hút sự tham gia của toàn xã hội.
Trong đó, cơ chế để tạo nguồn lực cho đô thị rất cần được khơi thông. Một trong những cơ chế đó là khai thác hiệu quả từ không gian đô thị, chuyển đổi không gian đô thị, định giá và nắm bắt được giá trị gia tăng của đất đai, giá trị của không gian đô thị trong quá trình đầu tư tái thiết, xây dựng thương hiệu đô thị.
Nói rõ hơn về các giải pháp nêu trên, ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường phân tích: khi tỷ lệ đô thị hóa tăng cao, phát triển đô thị không thể tiếp tục lan ra trên mặt phẳng mà buộc các đô thị phải phát triển theo chiều đứng, cả lên cao và xuống sâu trong lòng đất, trên mặt nước và trong lòng nước. Chắc chắn vấn đề đầu tiên là lấy tiền ở đâu để đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị theo những xu hướng hiện đại nhất. Từ những kinh nghiệm phát triển đô thị trên thế giới, người ta rút ra một kết luận: đô thị nào tìm được cách hợp lý động viên được nguồn lực tại chỗ để chỉnh trang, phát triển mới theo kịp được xu hướng tiền tiến. Ngồi chờ ngân sách nhà nước của trung ương thì không bao giờ đủ cho địa phương phát triển.
Nguồn lực đầu tiên cần lưu tâm, theo ông Võ là nguồn lực từ các tài nguyên thiên nhiên, bao gồm đất đai và các tài nguyên thiên nhiên khác. Tại đô thị, tài nguyên đất đai có 3 đặc tính quan trọng: một là được sử dụng vô thời hạn, tức là không có khấu hao; hai là giá trị tăng lên ngày càng cao do diện tích bị hạn chế mà con người ngày càng đông hơn; ba là đô thị có điều kiện càng hoàn chỉnh thì giá đất đai tăng lên càng cao. Ngược lại, đối với các tài nguyên thiên nhiên khác thì bị tiêu hao trong quá trình sử dụng, sử dụng đến một thời điểm nhất định sẽ bị cạn kiệt. Vì vậy, đất đai là một nguồn lực chủ yếu để phát triển và chỉnh trang đô thị.
“Muốn phát triển đô thị hiệu quả, chúng ta cần có kinh phí vượt trội để thực hiện. Kinh phí lấy từ vốn hóa đất đai là đúng quy luật kinh tế, phù hợp với kinh nghiệm của các nước đã hoàn thành công nghiệp hóa. Chúng ta cần chuyển nguồn thu chính dựa vào giá trị đất đai từ cơ chế Nhà nước thu hồi đất sang thu từ thuế bất động sản và thu từ giá trị tăng thêm của đất do phát triển đô thị mang lại. Cơ chế chuyển dịch đất đai cần chuyển hẳn sang cơ chế góp/tái điều chỉnh đất đối với mọi dự án đầu tư sinh lợi và tất cả các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị. Diện nhà nước thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với các dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không có khả năng sinh lợi, nhưng phải giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng đối với mọi thiệt hại do thu hồi đất gây ra”, ông Võ nêu quan điểm.