10:44 25/10/2021

Hàng quán phục vụ tại chỗ TP.HCM: Doanh nghiệp còn nhiều e ngại

Lưu Hà

Dự kiến một số hoạt động sẽ được mở cửa thêm sau khi TP.HCM công bố cấp độ dịch, bao gồm ăn uống phục vụ tại chỗ sẽ được thảo luận vào hôm nay (25/10), trước khi thông báo rộng rãi đến người dân thành phố…

Mới đây, Sở Công Thương đã đề xuất UBND TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được phục vụ tại chỗ để phục vụ nhu cầu người dân, từng bước khôi phục kinh tế, phát triển du lịch. Bên cạnh đáp ứng các yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch của ngành y tế và theo bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thì cơ sở kinh doanh còn phải đáp ứng thêm nhiều điều kiện.

Cụ thể, khách hàng ăn uống tại chỗ phải được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. Hàng quán kết thúc hoạt động trước 21 giờ hằng ngày, không tiếp khách quá 50% công suất, không quá 2 người/bàn, khoảng cách giữa các bàn ăn tối thiểu 2m… Ngoài ra, trong 6 tiêu chí cho “mở cửa” dịch vụ ăn uống, TP.HCM còn quy định cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ không sử dụng máy lạnh trong không gian kín; không bán rượu bia...

Sau khi biết thông tin này, trong hai ngày cuối tuần vừa qua, nhiều nhà hàng, quán cà phê đã tất bật dọn dẹp, sửa chữa, vệ sinh và trang hoàng lại không gian, bếp núc để chờ thời điểm được đón khách phục vụ tại chỗ. Ghi nhận sơ qua tại các tuyến phố thuộc quận 1, quận 3... tại TP.HCM cho thấy, nhiều nhà hàng đã được dọn dẹp sạch sẽ để sẵn sàng mở cửa đón khách.

Ông Vũ Văn Quang, Tổng Quản lý hệ thống nhà hàng Rạn Biển trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) cho biết, ngay khi nghe thông tin dự kiến tuần tới, thành phố có thể cho mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ, nhà hàng huy động nhân viên dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn đồ dùng, chuẩn bị đầy đủ mọi thiết bị cần thiết để đón khách trong tình hình mới.

Trong khi đó, đại diện hệ thống chuỗi nhà hàng YEN (15 Lê Quý Đôn, quận 3) cho hay, nhà hàng đã hoàn thành các công đoạn vệ sinh bàn ghế, bếp nấu, sát khuẩn các vật dụng… để sớm được phục vụ cho khách hàng một cách tốt nhất. "Chúng tôi đang chờ văn bản chính thức cho phép phục vụ khách tại chỗ. Hy vọng việc này có thể giúp vực dậy tình hình kinh doanh," quản lý nhà hàng này cho biết.

Hàng quán phục vụ tại chỗ TP.HCM: Doanh nghiệp còn nhiều e ngại - Ảnh 1

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều hàng quán tất bật chuẩn bị thì vẫn còn không ít hàng quán ở TP.HCM vẫn đóng cửa, nghe ngóng thêm tình hình vì còn nhiều băn khoăn. Đa phần các doanh nghiệp ngành ăn uống tỏ ra lo ngại trước quy định khu vực phục vụ ăn uống đảm bảo mật độ tối thiểu 4 m2/người.

"Với quy định này, một nhà hàng có diện tích 100m² chỉ được phục vụ tối đa 25 khách một thời điểm. Một phòng VIP 10m2 bình thường được phục vụ tối đa 10 người, nếu theo quy định này thì phòng chỉ dành cho 2 người,” ông Lê Hoài Nam, Phó tổng giám đốc vận hành Công ty QSR Việt Nam cho biết. “Trong khi đó, khách hàng đi theo gia đình, nhóm bạn, đồng nghiệp trong công ty đã tiêm vaccine mà đến nhà hàng phải ngồi cách nhau 2m hoặc chỉ được ngồi 2 người/bàn là không thực tế”.

Từ thực tiễn kinh doanh qua 4 đợt dịch, ông Lê Hoài Nam đề xuất cần cho các nhà hàng bố trí lại bàn ghế để các nhóm khách đã tiêm vaccine, đi cùng nhau được ngồi gần và ngồi cách xa các nhóm khách khác. "Cơ quan chức năng nên trao quyền quản lý, tự chịu trách nhiệm cho mỗi doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, bởi nếu có vấn đề phát sinh ca nhiễm, đơn vị đó sẽ phải đóng cửa và bị ảnh hưởng doanh thu," ông Nam đề xuất.

Bên cạnh đó, một số cơ sở kinh doanh khác cho biết họ ủng hộ đề xuất của Sở Công thương là chỉ hoạt động tối đa 50% công suất. Tuy nhiên, chỉ cho nhà hàng mở cửa đến 21h là quá sớm khi thông thường 18 - 19h tối mới là giờ khách bắt đầu đến các hàng quán để dùng bữa. Ngoài ra, nên quản lý theo “con người xanh”, chính là người bán quán và thực khách đảm bảo đã tiêm vaccine, hơn là theo “vùng xanh”. Bởi người dân hiện đã tự do đi lại trên địa bàn TP.HCM, quận này sang huyện khác, phường này sang xã khác.

 
Riêng về lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống khi mở cửa trở lại phải cân nhắc 3 yếu tố. Thứ nhất là chi phí mặt bằng, thứ 2 là nhân công phục vụ và thứ 3 là khách hàng cũng sẽ có tâm lý thắt chặt chi tiêu sau dịch bệnh.

Ông Lý Nhất Hiếu, chủ hệ thống Hàng Dương Quán thì cho rằng đã có nhiều quy định về hạn chế sử dụng rượu bia, cần theo đúng quy định cũ. Không nên vì dịch mà cấm luôn một mặt hàng nếu chưa có nghiên cứu thấu đáo về mối liên hệ giữa sử dụng rượu bia và khả năng tăng lây lan dịch. "Nhóm khách hàng đã tiêm vaccine, ngồi trong phòng riêng hoàn toàn có thể cho họ sử dụng rượu bia, bởi ngay tại quán cà phê thì khách cũng ngồi uống cà phê và giao tiếp với nhau cả tiếng," ông Hiếu nói.

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, tỷ trọng các lĩnh vực dịch vụ chiếm trên 60% GRDP của TP.HCM do đó cần phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này khôi phục, phát triển và tiếp tục đóng góp vào ngân sách của thành phố.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng việc mở cửa cũng cần phải có lộ trình vì tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở riêng TP.HCM vẫn rất phức tạp. "Riêng về lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống khi mở cửa trở lại phải cân nhắc 3 yếu tố. Thứ nhất là chi phí mặt bằng, thứ 2 là nhân công phục vụ và thứ 3 là khách hàng cũng sẽ có tâm lý thắt chặt chi tiêu sau dịch bệnh”.

Bởi thực tế là, nếu mở cửa hoạt động lại thì các chủ quán ăn, nhà hàng sẽ phải chịu áp lực từ việc thuê mặt bằng, trả lương đầy đủ cho nhân viên... Ví dụ khi còn đóng cửa, phí thuê mặt bằng có thể được giảm 50 - 70%, nhưng khi mở cửa hoạt động thì tối đa cũng chỉ được giảm 20 - 30%. Trong khi đó, những lao động thông thường ở các tỉnh đã về quê rất nhiều, khi doanh nghiệp mở cửa trở lại sẽ gặp thách thức về nguồn nhân lực...

Vì vậy, ông Dũng kiến nghị có thể chỉ quy định chung cho các loại hình kinh doanh ăn uống tại chỗ với công suất tối đa 50%, phục vụ người có thẻ xanh Covid, tuân thủ 5K và đặc biệt không nên loại trừ chuyện nhà hàng có bán bia, rượu vì đó là đặc thù của ngành này.