11:11 16/10/2012

“Cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng”

Nguyên Thảo

Cơ quan thẩm tra nhận xét về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 của Chính phủ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành cả ngày 16/10 để nghe và thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách - Ảnh: LN.<br>
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành cả ngày 16/10 để nghe và thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách - Ảnh: LN.<br>
Tình hình kinh tế - xã hội đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, tại phiên họp sáng 16/10.

Không có nhiều khác biệt so với nội dung đã trình bày tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế vừa qua, bản báo cáo ngày 15/10 của Chính phủ cho biết, trong số 15 chỉ tiêu được Quốc hội quyết định trong kế hoạch năm 2012, có 5 chỉ tiêu dự kiến sẽ không chạm đích gồm: tăng trưởng GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng.

GDP ước thực hiện cả năm đạt 5,16%, làm tròn là 5,2%, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực gặp rất nhiều khó khăn, triển vọng đạt và vượt kế hoạch 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo nghị quyết Quốc hội, hầu hết các thành viên Ủy ban Kinh tế đánh giá đây là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế viết.

“Một số ý kiến nêu, báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, số liệu báo cáo còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế phân tích trong báo cáo chủ yếu do khách quan, chưa nêu bật được những nguyên nhân chủ quan từ điều hành vĩ mô, 5 chỉ tiêu không đạt đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chưa sát, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn cũng là nhận xét được đưa ra tại phiên họp toàn thể thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình kinh tế - xã hội hồi giữa năm nay của Ủy ban Kinh tế.

Khi đó, hai chữ “tích cực” tại đánh giá “tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2012 đã có chuyển biến, đạt được những kết quả tích cực bước đầu, đúng hướng” ở báo cáo của Chính phủ chưa hoàn toàn thuyết phục được các thành viên cơ quan thẩm tra.

Nay, đến bản báo cáo này, một số ý kiến của cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng, lý giải về việc nền kinh tế đang có dấu hiệu tích cực lên, nhất là tăng trưởng GDP quý sau tăng cao hơn quý trước. Trong khi các thị trường đều giảm sút, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm dự kiến bằng 29,5% GDP, thấp hơn 4% so với chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội và các năm trước, tín dụng tăng trưởng âm một thời gian dài, số tăng 9 tháng chưa bù đắp được nợ xấu gia tăng trong khi tín dụng 9 tháng ước tăng 2,5%, hàng tồn kho cao, số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động hoặc cắt giảm lao động lớn; thị trường bất động sản, chứng khoán trầm lắng...

Vẫn quan ngại về tính chính xác của các con số, cơ quan thẩm tra đề nghị nhiệm vụ đặt ra trong năm 2013 là tạo dựng được nền tảng vĩ mô ổn định để tái cơ cấu mạnh nền kinh tế. Cần bắt đầu từ thay đổi tư duy làm quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực công khai, minh bạch thông tin điều hành, tính chính xác số liệu để làm căn cứ tin cậy cho việc ra quyết định.

Các chỉ tiêu cụ thể được cơ quan thẩm tra đưa ra tại báo cáo là phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5%; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 8%; nhập siêu khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu; bội chi ngân sách dưới 4,8% GDP; tạo việc làm mới khoảng 1,6 triệu người; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 84%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đạt 75%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cũng cho hay, một số ý kiến đề nghị tăng trưởng kinh tế chỉ phấn đấu ở khoảng 4%-5%; có ý kiến đề nghị khoảng 4%-4,5%.

Quan điểm khác nhau cũng thể hiện ở các đề nghị ưu tiên kiểm soát tăng CPI dưới 5%, dưới 6%, song cũng có ý kiến cho rằng không thể tăng thấp hơn năm 2012, đề nghị kiểm soát ở mức một con số như chỉ tiêu đề ra năm 2012.

Một số ý kiến tại Ủy ban cũng quan ngại chỉ tiêu bội chi ngân sách sẽ khó khăn hơn năm 2012 do nhiệm vụ thu ngân sách tiếp tục chịu nhiều áp lực do tăng trưởng kinh tế chưa phục hồi.

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013, cơ quan thẩm tra đề nghị  hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý. Giám sát chặt chẽ các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm quy định của nhà nước, nhất là vấn đề lãi suất, tiếp cận vốn tín dụng; cho phép cơ cấu lại nợ các khoản vay phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã hoàn thành các công trình nhưng do vốn ngân sách chưa thanh toán.