23:03 01/11/2023

Cần thanh toán những “món nợ” hạ tầng, nhân lực của quá khứ đang cản trở cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay

Đỗ Phong

Sự thiếu vắng và không hoàn chỉnh, không đồng bộ của thể chế, hạ tầng và nhân lực của những cuộc cách mạng công nghiệp trước sẽ cản trở, làm chậm bước và thậm chí triệt tiêu động lực của những nỗ lực xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xã hội 4.0...

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Tp.Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận tại Hội trường ngày 1/11/2023.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Tp.Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận tại Hội trường ngày 1/11/2023.

Đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế xã hội ngày 1/11/2023, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Tp.Hồ Chí Minh, cho biết thành tựu lớn trong thời gian qua Việt Nam đã chống chịu và vượt qua đại dịch, vững vàng trước những biến động toàn cầu, để tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

NHIỀU NỘI DUNG, BỘ PHẬN CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 3.0, THẬM CHÍ 2.0 VẪN CHƯA CÓ

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về thực hiện Nghị quyết 31 những nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế được triển khai trên thực tế trong giai đoạn 2021-2023 chưa nhiều, do đó chưa mang lại những thay đổi đáng kể về cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng. Tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển. Hiện nay còn 36,3% số nhiệm vụ chưa hoàn thành việc ban hành văn bản, chương trình, đề án triển khai thực hiện.

Để đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội mà Đại hội Đảng XIII đề ra là trở thành nước phát triển vào năm 2045, nhất thiết phải nỗ lực tham gia sâu rộng vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam phải xây dựng kinh tế số, xã hội số và chính phủ số, thoát bẫy thu nhập trung bình và nợ công...Cũng theo đại biểu, Việt Nam phải thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ, thoát khỏi mô hình chủ yếu xuất khẩu tài nguyên, gia công với lao động giá rẻ và có thứ hạng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.

 
Trong khi nỗ lực xây dựng kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số và xã hội công nghiệp 4.0, chúng ta cần phải thanh toán những món nợ về thể chế, hạ tầng và nhân lực của các giai đoạn phát triển trước mà chúng ta còn thiếu. Điều này cũng quan trọng không kém những nỗ lực số hóa nền kinh tế.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Tp.Hồ Chí Minh

Việt Nam có nhiều tiềm năng và thuận lợi lớn để trở thành một nước phát triển cao vào năm 2045. Tuy nhiên, trong khi nỗ lực đồng hành với thế giới trong nền kinh tế số và xã hội số, đại biểu cho rằng trong 3 lĩnh vực thể chế, hạ tầng và nhân lực có nhiều nội dung, nhiều bộ phận của cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, thậm chí 2.0 chúng ta vẫn chưa có.

Ví dụ, chúng ta vẫn chưa có thể chế hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực cơ bản của một quốc gia công nghiệp hóa, vì chưa hoàn thành công nghiệp hóa đất nước. Ngay cả ở những đô thị lớn của đất nước, những hạ tầng cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp 2.0 vẫn chưa hoàn tất, xử lý chất thải, rác thải, chống ngập, chống lũ, xây dựng đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng, hệ thống y tế, giáo dục, trình độ văn minh và văn hóa của xã hội.

Điều này cho thấy chúng ta còn phải thanh toán những món nợ của cuộc cách mạng công nghiệp 2.0. Còn cách mạng 3.0 diễn ra trên thế giới từ nửa thế kỷ nay và Việt Nam vừa mới bắt đầu 10 năm nay, đại biểu nói.

Theo đại biểu, khi chọn lựa đầu tư vào các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, chuỗi giá trị cao như chip bán dẫn, AI, linh kiện máy bay…, các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc lựa chọn Việt Nam hay các quốc gia khác trong khu vực hay là trong châu lục khác. Đại biểu thông tin thêm một số chuyên gia đã tiên lượng cách mạng công nghiệp 5.0 sẽ bắt đầu ở các nước phát triển vào giữa những năm 2030 tới đây.

Đại biểu nhấn mạnh, “trong khi nỗ lực xây dựng kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số và xã hội công nghiệp 4.0, chúng ta cần phải thanh toán những món nợ về thể chế, hạ tầng và nhân lực của các giai đoạn phát triển trước mà chúng ta còn thiếu. Điều này cũng quan trọng không kém những nỗ lực số hóa nền kinh tế. Việc xây dựng nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0 không thể bỏ qua những bước phát triển hạ tầng kinh tế xã hội của một quốc gia công nghiệp hóa”.

Ngược lại, sự thiếu vắng và không hoàn chỉnh, không đồng bộ của thể chế hạ tầng và nhân lực của những cuộc cách mạng công nghiệp trước sẽ cản trở, làm chậm bước và thậm chí triệt tiêu động lực của những nỗ lực xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xã hội 4.0.

Theo đại biểu, đây là thách thức lớn nhất trong quá trình nỗ lực trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045. “Nếu không có chuyển biến đột phá và đồng bộ trong công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới tư duy và nhận thức, quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật, thu hút và trọng dụng hiền tài xã hội trong và ngoài nước…tiềm năng vẫn mãi là tiềm năng và khát vọng vẫn mãi là khát vọng”, đại biểu nói.

RÀ SOÁT ĐẦU TƯ NGUỒN LỰC, ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA

Góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Lý Thị Lan, đoàn Hà Giang cho biết, cử tri tin tưởng và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều hành quyết liệt hơn. Để đạt được mục tiêu, Chính phủ cần tiếp tục triển khai hiệu quả thực chất, toàn diện những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Đề cập tới Chương trình chuyển đổi số quốc gia, theo đại biểu, trong quá trình thực hiện đã tạo sự phát triển đột phá về công nghệ số. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được tập trung triển khai với nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của dữ liệu.

Đại biểu Lý Thị Lan, đoàn Hà Giang, phát biểu thảo luận tại hội trường chiều ngày 1/11/2023.
Đại biểu Lý Thị Lan, đoàn Hà Giang, phát biểu thảo luận tại hội trường chiều ngày 1/11/2023.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số ở địa phương đang gặp phải nhiều vướng mắc, bất cập, còn nhiều thiếu thốn về vật tư, thiết bị, nhân sự, công nghệ. Với các địa phương vùng sâu, vùng xa, nhiều người chưa có điện thoại di động, khả năng tiếp cận thông tin còn khó khăn.

Đại biểu cũng cho biết, việc triển khai hệ thống thông tin giữa trung ương và địa phương chưa đồng bộ, còn trùng lặp, dẫn đến trường hợp địa phương phải dừng triển khai để thay thế, nâng cấp, kết nối đồng bộ với trung ương. Có những hệ thống thông tin dùng chung trong hệ thống chính trị nhưng mỗi nơi sử dụng một phần mềm khác nhau, gây lãng phí, chậm triển khai chuyển đổi số.

Để đẩy mạnh triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm từ thể chế, nhân lực số, kết nối các cơ sở dữ liệu, quyết liệt triển khai hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất từ trung ương đến địa phương, tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo dữ liệu luôn đúng, đủ, sạch, sống theo thời gian thực.

Cùng quan điểm, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, đoàn Quảng Nam, cho biết tiến trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định doanh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số. Các cơ sở dữ liệu về đất đai, tài chính, doanh nghiệp đang dần hoàn thiện, góp phần lớn trong việc đánh giá chính xác tình hình kinh tế, xã hội của nước ta, điều tiết các chính sách vĩ mô liên quan.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, hiện nay tồn tại nhiều ứng dụng quản lý được các cơ quan, ban ngành triển khai đến người dân như: VNeID, VssID, Sổ sức khỏe điện tử… Vì mỗi lĩnh vực đều có phần mềm, ứng dụng riêng, nên quá trình tương tác, hướng dẫn ít nhiều gây phiền hà cho người dân, gây tình trạng quá tải phần mềm, ứng dụng. Một số phần mềm, ứng dụng vận hành không tốt, hiệu quả không cao, chỉ cài đặt mang tính số lượng, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân trong cuộc sống...

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống kê, rà soát hiện nay có bao nhiêu phần mềm đang được xây dựng, đã được triển khai, có nguồn lực đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước. Cần đánh giá tính hiệu quả, thiết thực của các phần mềm ứng dụng này, đồng thời kiểm soát chặt chẽ để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, chỉ đạo xây dựng một phần mềm, ứng dụng thống nhất có khả năng tích hợp tất cả các nội dung quản lý nhà nước của các ngành, các lĩnh.

Ngoài ra, việc có quá nhiều phần mềm triển khai đến người dân khiến nhiều cơ quan, đơn vị lưu trữ, quản lý, khai thác thông tin công dân như địa chỉ, số điện thoại, nên việc quản lý, bảo mật các thông tin này cần hết sức được quan tâm. Đại biểu đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ và có các biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.