Cần tính đúng, tính đủ chi phí và đơn gíá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Việc xây dựng đơn giá tư vấn, giới thiệu việc làm sử dụng từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cần đảm bảo yêu cầu tính đúng, tính đủ các chi phí, đơn giá ban hành phải phù hợp với tính đặc thù của thị trường lao động của các vùng miền và địa phương…
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh nội dung này tại Hội thảo về đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm sử dụng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, do Cục Việc làm tổ chức sáng 21/6.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, thực hiện Nghị định số 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, và Quyết định số 486/QĐ-TTg ban hành về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao xây dựng đơn giá dịch vụ tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động sử dụng quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
“Việc xây dựng đơn giá tư vấn, giới thiệu việc làm cần đảm bảo yêu cầu tính đúng, tính đủ các chi phí, đơn giá ban hành phải phù hợp với tính đặc thù của thị trường lao động của các vùng miền và địa phương”, Thứ tưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, hiện nay, Trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương đang thực hiện xây dựng các phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
Việc hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp hiện nay được chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước và sẽ dần chuyển đổi sang từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động, theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại Điều 54 Luật Việc làm thì người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Từ khi Luật Việc làm có hiệu lực đến nay, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm đạt khoảng trên 11,5 triệu lượt người, trong đó, khoảng trên 1,4 triệu lượt người được giới thiệu việc làm. Riêng 5 tháng đầu năm 2023, tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là khoảng 755 nghìn lượt người, trong đó, khoảng 75 nghìn người được giới thiệu việc làm.
Năm 2018, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1051/QĐ-LĐTBXH quy định về định mức kinh tế kỹ thuật đối với dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm đối với người lao động, các địa phương căn cứ tình hình thực tế để tính hệ số đối với định mức và căn cứ tình hình ngân sách địa phương để xây dựng và ban hành đơn giá thực hiện trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiện nay, chưa đến 10 địa phương đã và đang xây dựng đơn giá dịch vụ công lĩnh vực việc làm theo Quyết định này.
Đối với đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm sử dụng từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là đơn giá áp dụng chung cho toàn quốc, được chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Việc tính đơn giá này được căn cứ trên cơ sở khoa học, tính đúng, tính đủ và thực tế của các địa phương để phân chia theo các nhóm đơn giá làm cơ sở thanh toán phí đối với đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ này.
Từ thực tế địa phương, ông Phạm Ngọc Khánh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc xây dựng đơn giá cũng cần tính toán đến sự thay đổi của các yếu tố ảnh hưởng, bao gồm cả chỉ số giá tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế kiểm tra giám sát, quy định rõ người chịu trách nhiệm nghiệm thu...