18:38 17/02/2025

Cẩn trọng vay vốn thông qua các kênh dịch vụ trung gian

Đỗ Mến

Nhiều người có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhưng không đáp ứng đủ các điều kiện hoặc ngại các thủ tục rườm rà nên tìm đến các kênh dịch vụ trung gian dẫn đến rủi ro mất tiền oan…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa hoàn tất truy tố đối với bị can Trần Thọ Anh (SN 1998, ở thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, Thọ Anh là lao động tự do, không có nghề nghiệp ổn định. Đầu năm 2023, Thọ Anh xin làm nhân viên văn phòng tư vấn dịch vụ tài chính ở quận Đống Đa, Hà Nội.

Theo thỏa thuận, Thọ Anh là người tìm kiếm khách hàng có nhu cầu vay vốn và cung cấp thông tin còn văn phòng làm thủ tục hồ sơ vay vốn cho khách hàng.

Ngoài ra, quá trình làm không được thu trước chi phí của khách và thỏa thuận với khách hàng. Chỉ sau khi khách hàng được giải ngân thì văn phòng sẽ thu tiền hoa hồng 25%/ số tiền được giải ngân. Thọ Anh sẽ được hưởng 5%.

Do cần tiền để chi tiêu, Thọ Anh nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của các bị hại bằng cách đưa ra các thông tin gian dối về việc có khả năng giúp khách hàng vay tiền.

Theo đó, khoảng tháng 6/2023, anh Nguyễn Quang K. gặp Thọ Anh và có trao đổi về việc anh K. có 32 khách hàng đang có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Thọ Anh đã tự nhận mình là chủ văn phòng tư vấn dịch vụ tài chính, có khả năng giúp khách hàng vay ngân hàng với số tiền từ 800 triệu đồng – 1 tỷ đồng. Số tiền chi hoa hồng từ 25%-30% trên số tiền được giải ngân.

Thọ Anh yêu cầu anh này đóng trước tiền bảo hiểm cho khách hàng. Thọ Anh cam kết trong vòng 15 ngày, thông tin bảo hiểm của khách hàng sẽ hiển thị trên hệ thống VssID và sau 45 ngày, khách hàng sẽ được ngân hàng giải ngân.

Tin tưởng thông tin trên, anh K. đã chuyển tạm ứng cho Thọ Anh 680 triệu đồng. Tuy nhiên, quá thời hạn cam kết trên thì Thọ Anh nại nhiều lý do và nói dối vẫn đang làm, chưa có kết quả.

Đến tháng 8/2023, do không có tiền trả, bị can xóa zalo, thay đổi số điện thoại và bỏ trốn. Đến tháng 9/2023, bị can mới trả lại anh K. 46,5 triệu đồng. Ngoài ra, cuối tháng 8/2023, Thọ Anh cũng chiếm đoạt đoạt tiền của chị Hoàng Thị L. số tiền 131 triệu đồng khi chị này muốn làm thu tục vay vốn ngân hàng.

Trước đó, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) làm rõ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất chuyên nghiệp.

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo đăng những bài viết trên mạng xã hội Facebook giả danh ngân hàng cho vay lãi suất thấp, không cần xác minh, giải ngân trong ngày và hướng dẫn người bị hại kết bạn Zalo, lấy thông tin cá nhân (căn cước công dân, tài khoản ngân hàng) đề nghị người bị hại chuyển tiền làm hồ sơ vay vốn online.

Hiện tượng giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo cho vay tiền online ngày càng phổ biến và phức tạp, khiến nhiều người dân mất tiền oan và gặp khó khăn tài chính. 

Để tạo dựng lòng tin với “khách hàng”, các đối tượng sẵn sàng cung cấp các thông tin “hợp lệ” như mã nhân viên, tên chi nhánh và các chính sách ưu đãi. Các đối tượng này thường lôi kéo nạn nhân vào những khoản vay không có thật với lãi suất thấp và điều kiện dễ dàng như không yêu cầu chứng minh thu nhập hay tài sản thế chấp. Sau khi bị hại bày tỏ mong muốn vay vốn, đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển một khoản tiền nhỏ để “mở hồ sơ” hoặc “phí thẩm định”.

Tiếp sau đó sẽ là một loạt phí khác như: Phí hồ sơ, phí bảo hiểm, phí giải ngân… Sau khi nhận được tiền, đối tượng thường biến mất, hoặc sử dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài khoản hoặc thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.

Các chiêu trò này không chỉ gây thiệt hại tài chính cho nạn nhân mà còn làm mất uy tín của các ngân hàng. Người bị lừa thường lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, mất mát tài sản mà không biết kêu cứu ở đâu. Thêm vào đó, việc thông tin cá nhân bị tiết lộ còn làm tăng nguy cơ người dân bị đánh cắp danh tính và tài khoản.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo cho vay online, người dân nên kiểm tra lại thông tin từ ngân hàng chính thống. Khi nhận được các cuộc gọi mời vay vốn, hãy liên hệ trực tiếp với chi nhánh ngân hàng qua số tổng đài hoặc trang web chính thức để xác minh thông tin.

Ngoài ra cũng nên cảnh giác với các khoản phí không hợp lý. Các ngân hàng uy tín thường không yêu cầu nộp phí mở hồ sơ trước khi khoản vay được phê duyệt. Nếu đối tượng yêu cầu chuyển khoản trước, thì khả năng rất cao đó là lừa đảo.

Người dân cũng không nên cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ như: số căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng hay mật khẩu. Nếu phát hiện hành vi đáng ngờ, người dân có thể báo cáo cho ngân hàng hoặc cơ quan công an để có biện pháp xử lý.