Cẩn trọng với các biến chứng khi phun, xăm môi
Vấn đề thường gặp nhất là nhiễm trùng tại chỗ xăm, gây sưng, tấy đỏ, chảy máu, nổi mụn, tụ mủ hoặc xăm hỏng, lệch, gây sẹo vĩnh viễn…
Ngày nay nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày càng cao, xăm môi là phương pháp giúp cải thiện tình trạng thâm môi, môi nhợt nhạt, giúp môi trở nên hồng hào, gợi cảm hơn, rút ngắn thời gian trang điểm, thế nhưng đây là phương pháp chứa nhiều rủi ro, tai biến có thể xảy ra.
Tại khoa Thẩm Mỹ Da, BV Da Liễu TP.HCM trung bình mỗi tháng các bác sĩ tiếp nhận từ 3-5 trường hợp có biến chứng xăm môi đến khám. So với việc xăm ở các vùng khác trên cơ thể (xăm mày, xăm mi mắt…) tỷ lệ biến chứng xăm môi được xảy ra nhiều hơn. Đối với xăm mày mỗi tháng tại BV tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 1 - 2 ca biến chứng. Đặc biệt, không chỉ tỷ lệ biến chứng cao hơn, nhiều trường hợp xăm môi gặp phải các biến chứng nặng khó điều trị như: tình trạng nhiễm trùng tại chỗ xăm, gây sưng, tấy đỏ, chảy máu, nổi mụn, tự mủ, viêm làm tăng sắc tố khiến môi bị thâm đen nhiều hơn hoặc xăm hỏng gây lệch, sẹo xấu vĩnh viễn trên viền môi…
Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, xăm môi, phun môi là 2 phương pháp đưa mực xăm vào trong lớp da hoặc niêm mạc, tùy theo độ nông sâu mà có thể gọi là xăm hay phun khác nhau. Phun môi là kỹ thuật sử dụng máy phun xăm có gắn đầu mũi kim siêu nhỏ, bên trong có gắn bầu mực tác động vào môi với độ sâu không quá 0,2 mm, đưa mực xăm vào lớp biểu bì của da, thời gian nghỉ dưỡng ít, môi ít sưng nề, tuy nhiên độ bền màu kém. Xăm môi là kỹ thuật dùng kim đâm xuyên qua lớp sừng, sau đó thoa đều mực xăm lên hoặc lấy mũi kim nhúng vào mực trước rồi thoa lên da đưa mực xăm vào lớp sâu của da, có thể qua lớp đáy xuống trung bì. Với độ sâu tác động lên môi, kỹ thuật xăm môi giúp bền màu hơn, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về các biến chứng, thường gây tổn thương lớp niêm mạc nhiều nên khi xăm có thể gây chảy máu. Sau xăm, môi sưng nề to và có thể gây nhiễm trùng.
Quá trình phun xăm, nếu không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn, không thay kim trong quá trình phun xăm, có thể lây truyền các bệnh nguy hiểm như HIV, viêm gan B,C, …nhất là khi thực hiện tại các cơ sở nhỏ, không đủ điều kiện tiệt trùng. Biến chứng nặng nhất khi phun xăm là sốc thuốc tiêm, phản ứng với thuốc tê,… Nguyên nhân thường do quá trình ủ tê mất nhiều thời gian, nhiều cơ sở đã tiêm thuốc tê để tiến hành nhanh hơn.
ThS.BS Trần Nguyên Ánh Tú nhấn mạnh: "Trong trường hợp dùng loại mực xăm tốt, cũng không thể loại trừ được hoàn toàn phản ứng dị ứng với mực xăm, nhất là màu xăm đỏ. Cuối cùng, việc chăm sóc sau khi thực hiện kỹ thuật xăm cũng rất quan trọng, hầu hết các trường hợp xảy ra tai biến do nơi thực hiện kỹ thuật xăm không tư vấn hoặc tư vấn sai cách chăm sóc sau xăm". Không nên xem nhẹ các phương pháp làm đẹp đơn giản mà chủ quan dẫn đến "tiền mất tật mang".
Để đảm bảo an toàn, đẹp, bền, bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo các bà, các cô, các chị cần tìm hiểu kỹ để chọn đúng cơ sở uy tín, có chuyên môn. Nhân sự làm việc ở các cơ sở này ngoài chứng nhận, chứng chỉ hành nghề phun, xăm, thêu trên da, còn phải có giấy chứng nhận đã được tập huấn về phòng, chống lây nhiễm các bệnh qua đường máu, dịch sinh học. Người làm nghề phun xăm phải được tập huấn và có giấy phép chứng chỉ hành nghề của Sở Lao động Thương binh và Xã hội cấp cho ngành phun xăm thẩm mỹ. Trong và sau quá trình thẩm mỹ, nếu có bất cứ điều gì bất thường xảy ra, dù là nhỏ, mọi người cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để tránh việc tự xử lý sai khiến thương tổn càng nặng, khó phục hồi.