14:00 27/01/2023

Cẩn trọng với đồng vốn đầu tư

Đỗ Mến

Góp vốn đầu tư với mong muốn được hưởng lợi nhuận, song nhiều người không tham gia điều hành, giải quyết công việc kinh doanh dẫn đến nguy cơ không kiểm soát được dòng vốn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, TAND TP Hà Nội đã xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc góp vốn làm ăn chung.

Cáo trạng thể hiện, Trần Thị Thanh Hảo (SN 1973, ở phường Quang Trung quận Hà Đông, Hà Nội, dược sỹ) là giám đốc Công ty TNHH dược phẩm Hoàng Sơn, chuyên kinh doanh thuốc tân dược. Khoảng tháng 9/2016, Hảo gặp lại bạn học đại học là anh Chu Thanh H. (SN 1973). Biết anh H. có tiền nên Hảo rủ anh H. góp vốn thành lập Công ty dược phẩm quốc tế Phoenix để kinh doanh. Sau khi thành lập công ty, Hảo và anh H. thay nhau đứng tên đại diện pháp luật.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, anh H. tham gia hỗ trợ một số hoạt động bán hàng. Còn các hoạt động điều hành chính của công ty do Hảo điều hành, giải quyết và tự chịu trách nhiệm.

Quá trình làm ăn chung, do cần tiền vào mục đích cá nhân và nhận thấy anh H. không để ý đến hoạt động kinh doanh nên Hảo nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của anh H.

Với kế hoạch này, Hảo nại ra lý do công ty trúng gói thầu cung cấp thuốc cho Bệnh viện thuộc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và mời anh H. góp vốn cùng. Để anh H. tin tưởng, Hảo lập ra bảng số liệu gói thầu gồm các loại thuốc cần nhập, số lượng, đơn giá, tiền…

Hảo cũng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty sản xuất thương mại Mỹ Châu Việt Nam vào ngày 1/6/2017. Theo đó, Công ty Mỹ Châu chỉ đứng tư cách pháp nhân ký kết với Công ty Hoàng Sơn, còn anh H. bỏ tiền góp vốn.

Tin tưởng là thật nên từ tháng 6/2017 đến tháng 4/2019, anh H. đã 9 lần chuyển khoản cho Hảo số tiền hơn 14 tỷ đồng.

Ngược lại, từ tháng 2/2018 đến tháng 1/2020, Hảo chuyển khoản 15 lần cho anh H. lợi nhuận hơn 4,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hảo còn ký hợp đồng kinh doanh thuốc tân dược Việt Nam và rủ anh H. góp 3,5 tỷ đồng.

Trong thời gian thực hiện 2 dự án trên, Hảo tiếp tục nói dối anh H. là có gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện thuộc Sở y tế tỉnh Thanh Hóa. Lần này, anh H. góp thêm 13,5 tỷ đồng. Hảo lập ra các giấy tờ giả mạo như hợp đồng cung ứng thuốc giữa Công ty dược phẩm Hoàng Sơn với Bệnh viện đa khoa huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Anh H. còn chuyển cho Hảo hơn 1,5 tỷ đồng để góp vốn vào dự án cung cấp thuốc cho các bệnh viện thuộc Sở y tế tỉnh Hà Giang.

Góp vốn vào 3 dự án nhưng sau thời gian dài không thấy Hảo phân chia lợi nhuận nên anh H. yêu cầu Hảo chốt số tiền gốc và lãi.

Đối với dự án nhập thuốc tân dược Việt Nam, do không bán được hàng nên Hảo thỏa thuận với anh H. sẽ nhận nợ 1,1 tỷ đồng số hàng tồn kho. Hai bên thống nhất chốt nợ ngày 30/4/2019, Hảo còn nợ anh H. gốc và lãi hơn 30 tỷ đồng.

Do không có tiền trả, Hảo tiếp tục nảy sinh hành vi gian dối. Lần này, Hảo bịa chuyện sẽ chuyển nhượng căn biệt thự tại khu đô thị Văn Quán cho anh H. với trị giá 22,5 tỷ đồng để trừ nợ. Thấy anh H. đồng ý, Hảo tự soạn hợp đồng chuyển nhượng biệt thự, nhờ người đóng giả là nhân viên văn phòng công chứng để sang tên căn biệt thự.

Đến tháng 9/2019, anh H. muốn bán biệt thự trên nên đã trao đổi với Hảo. Lo sợ anh H. phát hiện sổ đỏ giả nên Hảo bàn với anh H. chuyển nhượng biệt thự cho Công ty Phoenix. Anh H. đồng ý và giao lại sổ đỏ cho Hảo làm giấy tờ.

Do vẫn còn chưa thanh toán hết nợ cho anh H. nên Hảo lại nghĩ cách lập hợp đồng giả mạo để chuyện nhượng căn biệt thự ở làng Việt Kiều Châu Âu cho anh H.

Cơ quan tố tụng, Hảo có hành vi gian dối khi làm giả các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chiếm đoạt tiền của anh H. hơn 24 tỷ đồng.

Ngoài hành vi trên, vào tháng 11/2019, Hảo vay tiền anh Đỗ Kiên Q. (SN 1978) để đáo hạn ngân hàng và trả nợ. Do phải cần có tài sản đảm bảo nên Hảo làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở phường Phúc La, quận Hà Đông, hợp đồng đặt cọc để vay anh Q. hơn 20 tỷ đồng.

Với hành vi trên, Hảo bị đưa ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức. Do phiên tòa vào giữa tháng 1/2023 vắng người liên quan nên Hội đồng xét xử đã quyết định dời lịch xét xử sang ngày khác.

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần kiểm soát đồng vốn đầu tư bằng cách thiết lập quy trình, quy định nội bộ... để tránh việc “giao trứng cho ác”.