07:58 01/06/2018

Canada, Mexico và EU “nổi đóa” sau khi bị Mỹ đánh thuế thép, nhôm

An Huy

Canada và Mexico nhanh tay tung biện pháp trả đũa, EU tuyên bố đã có kế hoạch đáp trả

Bên trong một nhà máy thép ở Bỉ - Ảnh: Reuters.
Bên trong một nhà máy thép ở Bỉ - Ảnh: Reuters.

Canada và Mexico đã tung biện pháp trả đũa đối với Mỹ sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu từ hai nước này và Liên minh châu Âu (EU). Về phần mình, châu Âu cảnh báo đã sẵn sàng trả đũa Mỹ, làm dấy lên những lo ngại mới về nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại toàn cầu.

Hãng tin Reuters cho biết, chương trình đánh thuế kim loại nói trên được Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross công bố trong một cuộc họp báo qua đường điện thoại. Quyết định này khép lại cánh cửa miễn trừ thuế thép và nhôm mà chính quyền Trump mở ra trước đó cho ba đối tác trên, đồng thời cho thấy một lập trường cứng rắn hơn của Washington trong đàm phán thương mại.

Tháng 3 năm nay, chính quyền ông Trump áp thuế quan 25% lên thép và 10% lên nhôm nhập khẩu từ mọi quốc gia vào nước này. Tuy nhiên, các nước trong EU, Mexico và Canada, cùng một số đồng minh khác của Mỹ được tạm miễn khỏi chương trình đánh thuế này để có thời gian đàm phán với Washington.

Dù cuộc đàm phán miễn trừ không giúp các đối tác này tránh được thuế kim loại của Mỹ, Washington vẫn đang để ngỏ khả năng đàm phán.

"Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục đàm phán, cả với Canada, Mexico và châu Âu, vì còn có những vấn đề khác mà chúng tôi cần giải quyết", ông Ross nói.

Mặc dù vậy, Canada và Mexico - hai nước đang đàm phán với Mỹ về điều chỉnh Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) - đã nhanh tay đáp trả.

Canada, nhà cung cấp thép lớn nhất cho Mỹ, tuyên bố áp thuế lên 12,8 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm các mặt hàng rượu whiskey, nước cam, thép, nhôm và các sản phẩm khác.

"Chính quyền Mỹ ngày hôm nay đã đưa ra một quyết định mà chúng tôi lấy làm tiếc, và chắc chắn là dẫn tới các biện pháp trả đũa", Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại một cuộc họp báo.

Mexico cũng tuyên bố đáp trả tương xứng, với thuế quan được áp lên một loạt sản phẩm nông sản và công nghiệp của Mỹ, gồm giò lợn, táo, nho, pho mát, thép… Bộ Kinh tế Mexico nói thuế này sẽ được duy trì cho tới khi Chính phủ Mỹ dỡ bỏ thuế áp lên thép và nhôm từ Mexico.

EU thì cảnh báo sẽ đánh thuế mạnh tay đối với xe mô-tô Harley Davidson và rượu whiskey của Mỹ. Đây đều là những sản phẩm chủ lực của các bang có tỷ lệ ủng hộ cao dành cho các nghị sỹ của Đảng Cộng hòa.

"Việc Mỹ có muốn bước vào một cuộc xung đột thương mại với đối tác thương mại lớn nhất của họ là EU hay không hoàn toàn tùy thuộc vào Mỹ", Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp Bruno Le Maire tuyên bố.

Việc Washington đánh thuế thép và nhôm đối với Canada, Mexico và EU cũng vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sỹ Cộng hòa và doanh nghiệp Mỹ. Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham) nói rằng chính sách thương mại hiện nay của nước này có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế và gây thiệt hại hơn 2 triệu việc làm, chủ yếu ở các bang thân Đảng Cộng hòa.

Thuế thép và nhôm là một phần trong nỗ lực của ông Trump nhằm bảo vệ nền công nghiệp Mỹ và công nhân Mỹ trước điều mà ông cho là sự cạnh tranh quốc tế không bình đẳng. Đây là một chủ đề chính trong chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump.

Khi công bố chương trình thuế thép và nhôm vào tháng 3, chính quyền Mỹ đã tạm miễn hoặc miễn hẳn cho một số nước gồm Australia, Argentina và Hàn Quốc. Các đối tác thương mại của Mỹ đều yêu cầu được gia hạn miễn hoặc miễn hẳn thuế này.

Ngoài áp thuế lên thép và nhôm, tuần trước, chính quyền Trump đã mở một cuộc điều tra nhằm vào xe hơi và xe tải nhập khẩu để xác định xem xe nhập khẩu có gây nguy cơ an ninh quốc gia. Kết quả của cuộc điều tra này có thể là mức thuế 25% áp lên xe nhập khẩu.

Theo một số chuyên gia, Mỹ đang thể hiện một lập trường cứng rắn hơn về thương mại, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang trong một cuộc đàm phán thương mại quan trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo cách làm hiện nay của Washington có thể khiến các đồng minh thân cận xa lánh Mỹ, theo đó làm suy yếu sức ép toàn cầu đối với Trung Quốc trong vấn đề thương mại.

Vào ngày 1/6 này, Bộ trưởng Ross sẽ bay đến Bắc Kinh để tiếp tục cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Tuần này, Trung Quốc đã dọa sẽ trả đũa sau khi Mỹ tuyên bố giữ nguyên kế hoạch áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.