Càng xuất khẩu càng lỗ
Có một nghịch lý là các doanh nghiệp xuất khẩu càng xuất khẩu được nhiều thì nguy cơ lỗ càng cao
Việc ký các đơn hàng đầy ắp từ đầu năm đến nay đã khiến dệt may nhanh chóng xếp thứ 4 trong nhóm 6 mặt hàng xuất khẩu đã đạt kim ngạch trên 1 tỉ Đô la Mỹ (ước đạt 3,04 tỉ Đô la qua 4 tháng, tăng 18,9% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, nghịch lý là ở chỗ, các doanh nghiệp xuất khẩu không vì thế mà hào hứng vì càng xuất khẩu được nhiều thì nguy cơ lỗ càng cao.
Đã chốt giá, không thể quay đầu
Bất chấp suy thoái kinh tế năm 2009, xuất khẩu dệt may vẫn về đích như kế hoạch đề ra và tăng trưởng xuất khẩu vẫn tiếp tục trong bốn tháng đầu năm. Theo thống kê chính thức, đến thời điểm hiện nay, xuất khẩu dệt may đã hoàn thành một phần ba chỉ tiêu kế hoạch năm, khiến cho mục tiêu cả năm là 10,5 tỉ Đô la Mỹ là hoàn toàn có cơ sở.
Nhưng chính những người trong cuộc lại lo lắng về mức độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, vì càng xuất khẩu càng lỗ, kể cả khi đơn giá đặt hàng của các doanh nghiệp hiện đã tăng bình quân từ 5-7% so với thời điểm cuối năm 2009 và tăng gần 15% cũng so với cùng kỳ.
Vấn đề là giá nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào tăng quá cao nên việc tăng giá đầu ra thêm vài phần trăm không bù đắp được các chi phí đầu vào đã có mức tăng mạnh hơn nhiều lần.
Dệt may Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc đến 90% vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Cho nên, theo lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu bông xơ gần đây khiến giá bông thế giới đã lên đến 1,9 Đô la Mỹ/ki lô gam, so với giá 1,3-1,4 Đô la Mỹ/ki lô gam vào thời điểm đầu năm và gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giá sợi nhập khẩu cũng đã tăng 34,3% so với cùng kỳ.
Tất cả những lý do này khiến cho tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may (có thêm phần của da giày) đã lên đến 738 triệu Đô la qua bốn tháng, dẫn đầu nhóm hàng nhập khẩu cho sản xuất của nhóm ngành công nghiệp nhẹ; hay chỉ thấp hơn kim ngạch nhập khẩu của một, hai mặt hàng có giá trị lớn như sắt thép hay ô tô nguyên chiếc.
Có điều, các hợp đồng xuất khẩu đã ký và chốt giá từ đầu năm nên việc điều chỉnh giá gần như là không thể đàm phán lại. Và đó là nguyên nhân trực tiếp nhất dẫn đến việc các doanh nghiệp lo cân đối giá đơn hàng đầu vào - đầu ra đã là một bài toán khó nên việc ký thêm các đơn hàng mới cho vụ sản xuất cuối năm 2010, đầu năm 2011 cần được cân nhắc kỹ.
Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may còn lo đơn hàng tăng nhưng lao động lại thiếu. Bởi hiện tại, vấn đề thiếu nhân công đã làm giảm năng lực sản xuất chung của ngành may mặc khoảng 10% so với năm trước.
Một lãnh đạo trong ngành phân tích, ở Việt Nam doanh nghiệp lớn, đơn hàng nhiều hiện cũng chỉ trả cho người lao động bình quân không quá 200 Đô la/tháng (gần 4 triệu đồng/tháng) trong khi giá nguyên liệu tăng cao, giá cả sinh hoạt, lương cơ bản cũng tăng... khiến cho doanh nghiệp dù có muốn cũng khó đáp ứng được mong muốn của người lao động. Hơn nữa, trong năm 2009, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, đơn giá hàng có giảm 10-20% thì doanh nghiệp vẫn phải tăng lương ít ra là 10% để hỗ trợ người lao động, nhằm giữ chân họ. Song, thu nhập thấp khiến cho không phải muốn giữ là được.
Không chủ động, khó nói chuyện cạnh tranh
Lợi thế cạnh tranh xuất khẩu hiện nay không chỉ nằm ở giá, mặc dù giá rẻ ở đầu vào hay đầu ra vẫn đóng một vai trò quyết định. Các lợi thế hiện bao gồm cả thời gian giao hàng, chất lượng gia công sản phẩm, quy trình sản xuất khép kín... Hay nói khác đi là đối tác sẽ cân nhắc chọn bạn hàng dựa trên khả năng chủ động sản xuất.
Trong rất nhiều cuộc gặp doanh nghiệp để bàn lối ra thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, lãnh đạo của Tập đoàn Dệt may luôn nhắc đến xu hướng rút ngắn thời gian sản xuất của các doanh nghiệp trên toàn cầu. Một đơn hàng từ lúc ký đến khi giao hàng tới tay nhà nhập khẩu trước đây có thể là 180 ngày, nhưng nay chỉ còn 90 ngày, thậm chí còn một phần ba thời gian so với trước. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam khi gia công phải nhập khẩu nguyên phụ liệu và không chủ động được nguồn hàng, cộng với thời gian làm thủ tục hải quan lâu nên gặp khó khăn lớn.
Trước tình hình này, một số doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị Bộ Công Thương có cơ chế hỗ trợ, điều tiết để doanh nghiệp dệt, sợi trong nước cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu nhằm ổn định sản xuất và hạ giá đầu vào. Song việc này không dễ, do cơ chế thị trường, mọi giao dịch phải thuận mua vừa bán và phải thực hiện các cam kết với WTO về việc không bảo hộ.
Hơn nữa, kể cả có can thiệp được thì nguồn bông, xơ trong nước cũng chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu dệt sợi. Một nguồn nguyên liệu sản xuất khác là phụ kiện như chỉ, khóa kéo, khuy cao, tấm bông lót... trong nước sản xuất được 60-70% nhu cầu. Nhưng phần này chỉ nằm trong 10% nguyên phụ liệu nói chung của sản phẩm. 90% nguyên phụ liệu giá trị gia tăng lớn, quyết định đến giá cả sản phẩm vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Tình trạng phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ còn kéo dài và chỉ giảm đi khi nhà máy sản xuất sợi polyester, công suất 160.000 tấn/năm do các doanh nghiệp phía Nam đầu tư và một nhà máy sản xuất xơ của nước ngoài cũng đầu tư tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), công suất 60.000 tấn/năm sẽ chỉ đi vào hoạt động từ cuối năm 2011.
Ngọc Lan (TBKTSG)
Tuy nhiên, nghịch lý là ở chỗ, các doanh nghiệp xuất khẩu không vì thế mà hào hứng vì càng xuất khẩu được nhiều thì nguy cơ lỗ càng cao.
Đã chốt giá, không thể quay đầu
Bất chấp suy thoái kinh tế năm 2009, xuất khẩu dệt may vẫn về đích như kế hoạch đề ra và tăng trưởng xuất khẩu vẫn tiếp tục trong bốn tháng đầu năm. Theo thống kê chính thức, đến thời điểm hiện nay, xuất khẩu dệt may đã hoàn thành một phần ba chỉ tiêu kế hoạch năm, khiến cho mục tiêu cả năm là 10,5 tỉ Đô la Mỹ là hoàn toàn có cơ sở.
Nhưng chính những người trong cuộc lại lo lắng về mức độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, vì càng xuất khẩu càng lỗ, kể cả khi đơn giá đặt hàng của các doanh nghiệp hiện đã tăng bình quân từ 5-7% so với thời điểm cuối năm 2009 và tăng gần 15% cũng so với cùng kỳ.
Vấn đề là giá nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào tăng quá cao nên việc tăng giá đầu ra thêm vài phần trăm không bù đắp được các chi phí đầu vào đã có mức tăng mạnh hơn nhiều lần.
Dệt may Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc đến 90% vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Cho nên, theo lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu bông xơ gần đây khiến giá bông thế giới đã lên đến 1,9 Đô la Mỹ/ki lô gam, so với giá 1,3-1,4 Đô la Mỹ/ki lô gam vào thời điểm đầu năm và gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giá sợi nhập khẩu cũng đã tăng 34,3% so với cùng kỳ.
Tất cả những lý do này khiến cho tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may (có thêm phần của da giày) đã lên đến 738 triệu Đô la qua bốn tháng, dẫn đầu nhóm hàng nhập khẩu cho sản xuất của nhóm ngành công nghiệp nhẹ; hay chỉ thấp hơn kim ngạch nhập khẩu của một, hai mặt hàng có giá trị lớn như sắt thép hay ô tô nguyên chiếc.
Có điều, các hợp đồng xuất khẩu đã ký và chốt giá từ đầu năm nên việc điều chỉnh giá gần như là không thể đàm phán lại. Và đó là nguyên nhân trực tiếp nhất dẫn đến việc các doanh nghiệp lo cân đối giá đơn hàng đầu vào - đầu ra đã là một bài toán khó nên việc ký thêm các đơn hàng mới cho vụ sản xuất cuối năm 2010, đầu năm 2011 cần được cân nhắc kỹ.
Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may còn lo đơn hàng tăng nhưng lao động lại thiếu. Bởi hiện tại, vấn đề thiếu nhân công đã làm giảm năng lực sản xuất chung của ngành may mặc khoảng 10% so với năm trước.
Một lãnh đạo trong ngành phân tích, ở Việt Nam doanh nghiệp lớn, đơn hàng nhiều hiện cũng chỉ trả cho người lao động bình quân không quá 200 Đô la/tháng (gần 4 triệu đồng/tháng) trong khi giá nguyên liệu tăng cao, giá cả sinh hoạt, lương cơ bản cũng tăng... khiến cho doanh nghiệp dù có muốn cũng khó đáp ứng được mong muốn của người lao động. Hơn nữa, trong năm 2009, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, đơn giá hàng có giảm 10-20% thì doanh nghiệp vẫn phải tăng lương ít ra là 10% để hỗ trợ người lao động, nhằm giữ chân họ. Song, thu nhập thấp khiến cho không phải muốn giữ là được.
Không chủ động, khó nói chuyện cạnh tranh
Lợi thế cạnh tranh xuất khẩu hiện nay không chỉ nằm ở giá, mặc dù giá rẻ ở đầu vào hay đầu ra vẫn đóng một vai trò quyết định. Các lợi thế hiện bao gồm cả thời gian giao hàng, chất lượng gia công sản phẩm, quy trình sản xuất khép kín... Hay nói khác đi là đối tác sẽ cân nhắc chọn bạn hàng dựa trên khả năng chủ động sản xuất.
Trong rất nhiều cuộc gặp doanh nghiệp để bàn lối ra thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, lãnh đạo của Tập đoàn Dệt may luôn nhắc đến xu hướng rút ngắn thời gian sản xuất của các doanh nghiệp trên toàn cầu. Một đơn hàng từ lúc ký đến khi giao hàng tới tay nhà nhập khẩu trước đây có thể là 180 ngày, nhưng nay chỉ còn 90 ngày, thậm chí còn một phần ba thời gian so với trước. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam khi gia công phải nhập khẩu nguyên phụ liệu và không chủ động được nguồn hàng, cộng với thời gian làm thủ tục hải quan lâu nên gặp khó khăn lớn.
Trước tình hình này, một số doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị Bộ Công Thương có cơ chế hỗ trợ, điều tiết để doanh nghiệp dệt, sợi trong nước cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu nhằm ổn định sản xuất và hạ giá đầu vào. Song việc này không dễ, do cơ chế thị trường, mọi giao dịch phải thuận mua vừa bán và phải thực hiện các cam kết với WTO về việc không bảo hộ.
Hơn nữa, kể cả có can thiệp được thì nguồn bông, xơ trong nước cũng chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu dệt sợi. Một nguồn nguyên liệu sản xuất khác là phụ kiện như chỉ, khóa kéo, khuy cao, tấm bông lót... trong nước sản xuất được 60-70% nhu cầu. Nhưng phần này chỉ nằm trong 10% nguyên phụ liệu nói chung của sản phẩm. 90% nguyên phụ liệu giá trị gia tăng lớn, quyết định đến giá cả sản phẩm vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Tình trạng phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ còn kéo dài và chỉ giảm đi khi nhà máy sản xuất sợi polyester, công suất 160.000 tấn/năm do các doanh nghiệp phía Nam đầu tư và một nhà máy sản xuất xơ của nước ngoài cũng đầu tư tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), công suất 60.000 tấn/năm sẽ chỉ đi vào hoạt động từ cuối năm 2011.
Ngọc Lan (TBKTSG)