09:54 04/08/2007

Cạnh tranh bằng “chiêu” nói xấu

Minh Quang

Nhiều doanh nghiệp sử dụng “độc chiêu” này để hạ đối thủ, thành công cũng có, thất bại cũng nhiều

Rất khó kiện các công ty cạnh tranh nói xấu bởi tìm ra những chứng cứ gây tổn hại đến kinh doanh của công ty bị nói xấu không dễ dàng.
Rất khó kiện các công ty cạnh tranh nói xấu bởi tìm ra những chứng cứ gây tổn hại đến kinh doanh của công ty bị nói xấu không dễ dàng.
Có nhiều cách để cạnh tranh, nói xấu là một trong những cách đó. Nhiều doanh nghiệp sử dụng “độc chiêu” này để hạ đối thủ, thành công cũng có, thất bại cũng nhiều. Bất luận thế nào thì đối thủ cũng đã một phen chao đảo vì chiêu “độc”.

Cuối cùng Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), Trung tâm Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm và Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương đã đưa ra kết luận khẳng định bồn inox Toàn Mỹ không độc hại, nước bên trong không chứa hàm lượng Mn cao gây nguy cơ ung thư cho người sử dụng.

Ba giấy chứng nhận xét nghiệm của các cơ quan chức năng này quả thật như ba lá “bùa hộ mệnh” giúp Toàn Mỹ giải được nạn.

Toàn Mỹ cho biết: công ty “nhặt” được nhiều tờ rơi trong đó khuyến cáo người sử dụng không nên lựa chọn bồn inox có chất gây ung thư do một số hãng sản xuất. Tên của Toàn Mỹ cũng được đề cập trên những tờ rơi gửi các đại lý và khách hàng. Những tờ rơi này là nguyên căn làm Toàn Mỹ chao đảo tưởng chừng như khó vượt qua.

Toàn Mỹ không phải là nạn nhân duy nhất bị trúng “độc” của chiêu nói xấu. Khi vụ nước tương “đen” được nói nhiều trên các phương tiện truyền thông thì lòng tin của người tiêu dùng cũng mất đi. Nhiều người tiêu dùng đồng loạt tẩy chay sản phẩm nước tương, kể cả những sản phẩm nước tương không bị liệt vào danh sách đen. Nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nước chấm truyền thống này khốn đốn vì sai lầm của mình. Đó là lẽ đương nhiên, nhưng sự khốn đốn của họ bị “bồi” thêm trò chơi xấu của đối thủ.

Một trong những công ty nước tương sạch phát tán tại các chợ cho các đại lý và người tiêu dùng những tài liệu về các nhà sản xuất nước tương “đen”. Tài liệu này được thu thập được từ những bài báo trên các phương tiện truyền thông với ý đồ của người phát tán là hạ uy tín của doanh nghiệp khác. Nói xấu trong vụ bồn inox được xem là bịa đặt vì không đúng sự thực thì nói xấu trong trường hợp nước tương là “thừa nước đục thả câu”. Chiêu này quả là “độc” thật, làm đối thủ thấm đòn.

Có nhiều cách nói xấu trong kinh doanh và chiêu thường được sử dụng là nói xấu sản phẩm của đối thủ, nhưng cũng có kiểu nói xấu cực kỳ lạ, đó là trường hợp của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh sản phẩm sữa nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Cách đây mấy năm rất nhiều người tiêu dùng bất ngờ nhận được thư ngỏ nói về sản phẩm sữa X.O. Nội dung của bức thư cho biết sản phẩm X.O kém chất lượng, gây hiện tượng tiêu chảy và nôn trớ cho trẻ khi sử dụng. Thư ngỏ này khuyên để tránh ảnh hưởng đến trẻ khách hàng nên chuyển qua sử dụng sản phẩm Star để thay thế sữa X.O.

Khi biết thư ngỏ này, công ty sản xuất sữa X.O đã phản ứng kịch liệt vì cho rằng đó là nói xấu sản phẩm của họ. Thế nhưng khi tìm hiểu thì công ty Hàn Quốc mới phát hiện ra rằng người phát thư ngỏ nói xấu trên chính là Công ty Việt Anh, nhà phân phối X.O của mình tại Việt Nam. Và điều ngạc nhiên hơn nữa là cả hai sản phẩm X.O và Star đều do một hãng sản xuất và một nhà phân phối.

Công ty Hàn Quốc dọa kiện Việt Anh vì nói xấu sản phẩm của mình, gây tổn hại đến công ty. Sở dĩ nhà phân phối đưa ra chiêu nói xấu là vì công ty Hàn Quốc có ý định ngưng hợp đồng đại lý phân phối với Việt Anh và chiêu nói xấu này được cho là cách tốt nhất để Việt Anh tiêu thụ lượng lớn sản phẩm sữa mang nhãn hiệu Star còn tồn kho trước khi ngưng làm nhà phân phối.

Chuyện các nhân viên bán hàng hoặc nhân viên tiếp thị nói xấu sản phẩm khác để lấy lòng khách hàng khi đi chào hàng hoặc giới thiệu sản phẩm cũng bị xem là cách cạnh tranh nói xấu. Kiểu nói xấu này khá phổ biến đến mức nó trở thành công cụ kinh doanh của các nhân viên kinh doanh và tiếp thị.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nói xấu kiểu này là con dao hai lưỡi. Việc nói xấu sản phẩm của đối thủ cạnh tranh có thể thuyết phục được khách hàng nhưng đôi khi việc cố gắng đó sẽ làm cho khách hàng nghi ngờ về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, rằng sản phẩm có vấn đề nên người bán hàng cố gắng thuyết phục người mua mua hàng như để giải quyết sản phẩm kém chất lượng. Nói xấu đối thủ đôi khi còn làm cho người mua nghĩ rằng doanh nghiệp sợ cạnh tranh với đối thủ nên mới sử dụng chiêu nói xấu.

Cạnh tranh nói xấu là cạnh tranh không lành mạnh và hiểu theo cách nào đó đó là kinh doanh không đạo đức. Luật Cạnh tranh có những điều khoản về cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, các nhà tư vấn luật cho rằng rất khó kiện các công ty cạnh tranh nói xấu như những trường hợp trên bởi tìm ra những chứng cứ gây tổn hại đến kinh doanh của công ty bị nói xấu không dễ dàng vì nguyên nhân làm giảm doanh số bán hàng không phải chỉ duy nhất do việc bị đối thủ nói xấu.

Ngoài ra, lãnh đạo một công ty bị cạnh tranh nói xấu cho biết công ty có bằng chứng về hành vi nói xấu của đối thủ, nhưng không muốn khởi kiện. Lãnh đạo này giải thích là vì việc khiếu kiện mất thời gian, chưa kể cái được từ vụ kiện có tương xứng với công sức mà công ty đã bỏ ra theo đuổi có thể kéo dài hai ba năm.

Trước đây đã từng có một vụ kiện cạnh tranh nói xấu xảy ra ở Tp.HCM giữa những đơn vị sản xuất nệm trước khi Luật Cạnh tranh ra đời ở Việt Nam. Quảng cáo của đơn vị nọ gián tiếp nói xấu sản phẩm của nhiều đơn vị khác cùng ngành nghề. Hai trong số công ty bị gián tiếp nói xấu đã đâm đơn kiện và kết quả là họ đã thắng sau nhiều năm đeo đuổi.

Mặc dù chỉ nhận được lời xin lỗi của đối thủ, nhưng các nhà lãnh đạo của hai công ty nguyên đơn cảm thấy cái được lớn hơn, đó là sự công nhận của người tiêu dùng về sản phẩm của họ và sự công bằng trong kinh doanh.