10:05 19/10/2007

Cạnh tranh hàng không mỗi ngày một quyết liệt

Quốc Trung

Ngành hàng không thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chưa từng có, với mức độ cạnh tranh không ngừng tăng

Tổng số máy bay dân dụng được giao hàng trong năm 2007 là 1.000 chiếc.
Tổng số máy bay dân dụng được giao hàng trong năm 2007 là 1.000 chiếc.
Năm 2007 là năm thứ tư liên tiếp ngành hàng không thế giới đạt mức tăng trưởng cao, với tổng số máy bay dân dụng thương mại dự kiến được giao vượt con số 1.000 chiếc, cao hơn so với 861 chiếc của năm 2006. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 1.300 chiếc vào năm 2008, năm "khởi sắc" đối với công nghiệp hàng không.

Báo cáo về triển vọng kinh doanh của Honeywell Aerospace, công ty chuyên cung cấp các hệ thống hàng không hàng đầu thế giới, vừa cho biết, ngành hàng không đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chưa từng có. Ở khu vực châu Á, các hãng hàng không giá rẻ đang phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh quyết liệt.

Nhu cầu máy bay dân dụng tăng cao

Theo báo cáo của Honeywell Aerospace, nhu cầu máy bay dân dụng toàn cầu đang ở mức cao kỉ lục và những biến động tài chính gần đây cũng không ảnh hưởng nhiều đến các đơn hàng mua máy bay mới của các cá nhân cũng như các hãng hàng không.

Ông Wilson cho biết, nhu cầu máy bay thương mại vẫn còn rất cao. Trong khi nhu cầu máy bay thương mại tại Bắc Mỹ, thị trường truyền thống của ngành công nghiệp này, đang có dấu hiệu "chững lại", thì nhu cầu ở các khu vực khác trên thế giới lại "gia tăng mạnh mẽ". Dịch vụ hàng không tư nhân sẽ tiếp tục tăng trưởng trên toàn cầu nhờ những lợi thế về hiệu quả khai thác, tiết kiệm thời gian và tránh được việc sử dụng các sân bay đầu mối thường xuyên xảy ra tắc nghẽn.

Dự báo, trong giai đoạn từ năm 2007-2017, các công ty sản xuất máy bay thương mại cá nhân hàng đầu thế giới như Bombardier (Canada), Gulfstream, Cessna, Hawker Beechcraft (Mỹ) và Dassault (Pháp) có thể sẽ bán được khoảng 14.000 máy bay, đạt doanh thu 233 tỉ USD.

Trong khi đó, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cũng đã nhận định, ngành hàng không châu Á -Thái Bình Dương sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong những năm tới. Các hãng hàng không khu vực này đã và đang tăng trưởng vượt bậc trong năm 2007, với dự kiến sẽ đạt lợi nhuận khoảng 1,2 tỉ USD, trong khi các hãng của Mỹ chỉ đạt khoảng 200 triệu USD.

Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) cho rằng năm 2007 dự kiến tăng 5,8% và năm 2008 tăng 5,6%. Trong 3 năm tới, hàng không châu Á tăng 8% và tăng trưởng của các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương vẫn ổn định. IATA dự đoán vận tải hành khách quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trung bình 5,7%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, còn vận tải hàng hóa tăng 6%/năm.

Trên phạm vi toàn cầu, vận tải hành khách quốc tế sẽ tăng trung bình 4,8%/năm và vận tải hàng hóa sẽ tăng khoảng 5,3%/năm.

Hàng không giá rẻ tăng nhanh về số lượng

Các chuyên gia dự báo, lượng hành khách quốc tế ở châu Á sẽ tăng trung bình 5,7%/năm trong giai đoạn 2006-2010, do thu nhập của người dân tăng nhanh dẫn đến nhu cầu đi lại, du lịch bằng đường hàng không tăng. Theo đó, sẽ có thêm nhiều đường bay mới được mở với giá thấp.

Làn sóng các hãng hàng không giá rẻ thâm nhập vào thị trường châu Á-Thái Bình Dương đã và đang làm tăng thêm áp lực cạnh tranh đối với các hãng hàng không lâu đời, dẫn tới khả năng dư thừa công suất.

Hàng không giá rẻ đã phát triển rất nhanh chóng, đặc biệt là ở châu Á. Chỉ trong vòng ba năm, 15 hãng hàng không giá rẻ đã ra đời tại châu Á-Thái Bình Dương. Sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không giá rẻ ở châu Á cũng rất quyết liệt. Điển hình là chặng Singapore - Bangkok, nơi hãng Valuair và Thai AirAsia phải chia sẻ thị phần với hàng chục đối thủ. Còn đối với chặng Hồng Kông - Singapore, Valuair phải cạnh tranh với bảy hãng khác.

Việc giảm chi phí, giảm giá vé đến mức tối đa để tăng sức cạnh tranh được cho là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn máy bay gần đây của các hãng hàng không giá rẻ. Tình hình mất an toàn của hàng không giá rẻ đáng lo ngại tới mức, Liên minh châu Âu đã cấm toàn bộ 51 hãng hàng không Indonesia bay vào các sân bay của EU. Trước đó, năm 2005, hãng giá rẻ của Thái Lan là Phukhet Air cũng bị đã bị một số nước châu Âu tẩy chay.

Những thảm kịch của hàng không giá rẻ Indonesia khiến người ta nghi ngờ việc đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, chế độ bảo dưỡng và việc sử dụng phi công ở đây. Để bán ra được những chiếc vé máy bay giá rẻ, trong điều kiện giá dầu liên tục leo thang, nhiều hãng đã cắt giảm công tác bảo dưỡng hoặc giảm lương nhân viên, khiến nguy cơ mất an toàn ngày càng cao. Để tăng sức cạnh tranh, nhiều hãng hiện luôn chào bán vé máy bay với mức thấp nhất có thể, đôi khi chỉ còn 20 USD.