Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chậm tiến độ vì thiếu cát
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110 km cần hơn 18,1 triệu m3 cát nhưng hiện mới chỉ được cung ứng gần 1,5 triệu m3, khiến công trình đã chậm tiến độ 3 tháng…
Chiều ngày 5/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã có buổi làm việc với các địa phương về triển khai các dự án giao thông trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận thông tin toàn bộ dự án trong năm 2023 được bố trí hơn 7.000 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 66%. Hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đạt trên 98%, còn 120 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 99%, còn 2 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Theo Giám đốc Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận, dự án đặt mục tiêu đạt 35% giá trị các hợp đồng xây lắp ngay trong năm 2023. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là về nguồn vật liệu, chủ yếu là nguồn cát, dẫn đến tiến độ dự án đang chậm tiến độ khoảng 3 tháng. Trong điều kiện đó, nhà thầu đang triển khai đào đắp hữu cơ, thi công các cầu, đường công vụ.
Cụ thể, về tiến độ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện đạt khoảng 8%, cao tốc dài 110 km cần 18,1 triệu m3 cát nhưng mới chỉ được cung ứng gần 1,5 triệu m3.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị trong tháng 9 này, ba tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cùng sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan phải hoàn thành thủ tục để cung ứng nguồn cát cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau như cam kết.
Đồng thời, các địa phương xem xét gia hạn, nâng công suất khai thác các mỏ cát trong quy hoạch, khả năng cho phép để phục vụ các công trình cao tốc trọng điểm trong khu vực.
Theo đó, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu cát đắp để hoàn thành công tác đắp nền đường trước tháng 6/2024 đối với dự án Cần Thơ - Cà Mau và trước tháng 12/2024 đối với dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị tỉnh An Giang bố trí bổ sung các mỏ đang khai thác khác thay thế các mỏ đã tạm dừng, bảo đảm cung cấp đủ 1,1 triệu m3 cát trong tháng 9/2023.
Bên cạnh đó, hoàn thiện các thủ tục để cung cấp 2,2 triệu m3 cát còn lại từ tháng 10/2023, bảo đảm đủ 3,3 triệu m3 cát trong năm 2023; có phương án cung ứng đủ khối lượng còn lại (khoảng 3,7 triệu m3) và hoàn thành thủ tục để các nhà thầu có thể khai thác trong năm 2023 cho dự án Cần Thơ - Cà Mau.
Đối với tỉnh Vĩnh Long, đẩy nhanh các thủ tục để các nhà thầu dự án Cần Thơ - Cà Mau có thể khai thác 1 mỏ đã giao (trữ lượng khoảng 0,75 triệu m3) và sớm có chủ trương giao 3 mỏ còn lại cho nhà thầu để triển khai các thủ tục trong tháng 9/2023.
Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị tỉnh Đồng Tháp sớm hoàn thiện thủ tục để tiếp tục cung cấp 1,3 triệu m3 từ các mỏ đang khai thác cho dự án Cần Thơ - Cà Mau và đẩy nhanh thủ tục để các nhà thầu khai thác các mỏ đã giao trong tháng 9/2023.
Song song đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần phải rà soát cơ chế, thành lập Tổ công tác với sự tham gia của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các địa phương để giải quyết các khó khăn trong quá trình triển khai dự án.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương có dự án cao tốc đi qua, các chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải phản ánh thẳng thắn và chính xác tình hình, phân tích rõ nguyên nhân để tìm giải pháp giải quyết. Đồng thời, cần phản ánh ngay những khó khăn đến Chính phủ, bộ, ngành liên quan trong quá trình thực hiện triển khai dự án.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long có 4 dự án trọng điểm với tổng chiều dài là 355km, tổng mức đầu tư khoảng 82.871 tỉ đồng. Tổng nhu cầu đá các loại khoảng 6,6 triệu m3, đất đắp khoảng 4,7 triệu m3, cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110 km, các tuyến nối khoảng 25 km, rộng 17 m, 4 làn, tổng vốn đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng. Tổng nhu cầu cát cho dự án khoảng 18,1 triệu m3, trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3, năm 2024 cần 9,0 triệu m3.