10:07 02/04/2011

Câu chuyện cuối tuần: Văn hóa xin lỗi

Sơn Hà

Ở Nhật, xin lỗi là điều bình thường khi ai đó phạm sai lầm, còn tại Việt Nam, xin lỗi nhiều khi là điều "cực chẳng đã"

Thủ tướng Nhật Naoto Kan xin lỗi người dân về thảm họa phóng xạ.
Thủ tướng Nhật Naoto Kan xin lỗi người dân về thảm họa phóng xạ.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta mắc sai lầm và phải xin lỗi người khác để được tha thứ. Đó vốn dĩ là một chuyện bình thường, việc đương nhiên phải làm, nhưng thực tế, với một số người, lời xin lỗi đơn giản ấy lại thật hiếm hoi.

Một chuyện  “nhỏ”


Tối 29/3, trong phần mở đầu của chuyên mục “Người xây tổ ấm” phát trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã chính thức xin lỗi khán giả truyền hình về sự cố chương trình “Mối tình đầu của Lượm” phát sóng ngày 25/1.

Trước đó, trong ngày, thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 18 triệu đồng đối với Đài Truyền hình Việt Nam vì đã “thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng”. Ngoài tiền phạt, Bộ còn yêu cầu VTV cải chính, xin lỗi theo đúng quy định của Luật Báo chí.

Trong chương trình tối 29/3, biên tập viên Phạm Kim Ngân, người phụ trách chuyên mục "Người xây tổ ấm" đã chân thành cáo lỗi cùng khán giả về sự cố này, thừa nhận sơ xuất trong quá trình kiểm định thông tin, đồng thời khẳng định những người làm chuyên mục sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của khán giả về sự cố trên.

Ngược dòng thời gian, hôm 25/1, chương trình "Người xây tổ ấm" đã có một cuộc trò chuyện với cô Lượm, một người gặp nhiều bất hạnh trong cuộc đời. Số phận éo le của cô Lượm đã khiến khán giả rất xúc động, nhiều nhà hảo tâm đã gửi tiền và quà giúp Lượm.

Tuy nhiên, thực tế cô Lượm trên màn ảnh nhỏ không phải là "Lượm". Cô này tên thật là Trần Thị Thùy Dương và "cuộc đời của cô" được mô tả dựa trên câu chuyện của một người khác. Sau khi sự việc vỡ lở, hôm 3/3, nhân vật Lượm đã gửi thư xin lỗi công chúng.

Tuy nhiên, trong chương trình phát sóng ngày 8/3, những người làm chương trình "Người xây tổ ấm" của Đài Truyền hình Việt Nam lại gây bức xúc cho khán giả, khi loanh quanh giải thích về câu chuyện Lượm và chỉ dừng ở mức "lấy làm tiếc khi để xảy ra sơ suất".

Sơ xuất của nhà đài là rõ ràng, nhưng khi vụ việc vỡ lở, nhân vật chính đã lộ mặt và nói lời xin lỗi, nhưng phải rất lâu sau đó, "nhà đài" mới chính thức cáo lỗi khán giả và cũng chỉ sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu.

Và góc nhìn từ Nhật Bản

Hôm 28/3, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã lên tiếng xin lỗi nhân dân nước này vì quyết định thị sát khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 trên máy bay, ngay sau khi xảy ra trận động đất, sóng thần vừa qua, gây trì hoãn công việc tại đây.

Theo hãng thông tấn Kyodo của Nhật, lúc 10h30 tối 11/3, vài giờ sau trận động đất và sóng thần, Cơ quan An toàn hạt nhân Nhật đã báo cáo viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra tại lò phản ứng số 2 rằng, hệ thống làm mát bị hỏng có thể khiến cho các thanh nhiên liệu quá nóng, đẩy phóng xạ bay vào không khí.

Đến sáng 12/3, giới chuyên môn bắt đầu phát hiện iodine phóng xạ trong nhà máy. Cùng lúc, áp lực tại lò số 1 cũng bắt đầu tăng. Theo Kyodo dẫn các nguồn tin trong chính phủ, đó là những thời điểm cực kỳ quan trọng và quý giá để làm giảm áp lực bên trong các lò phản ứng cũng như ngăn chặn các vụ nổ.

Tuy nhiên, Thủ tướng Kan đã quyết định thị sát khu vực này trên máy bay vào lúc sáng sớm 12/3, khiến cho cuộc chạy đua với thời gian để cố gắng làm giảm sức nóng bên trong các lò phản ứng bị trì hoãn. Công ty điện lực Tokyo bắt đầu giảm áp lúc 9h04, sau khi chiếc trực thăng của ông Kan đã rời khỏi khu vực.

Lúc đó, các công nhân của TEPCO đã cố gắng mở các van thông hơi nhằm xả bớt áp lực bên trong lò phản ứng. Tuy nhiên, phải đến 2 giờ 30 phút chiều, công việc này mới thực hiện được.

Ngược dòng thời gian, trong cuộc họp báo tối 25/3, Thủ tướng Naoto Kan cũng đã gửi lời xin lỗi tới các nông dân và chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ vụ nhiễm xạ khi nhiều quốc gia tuyên bố cấm nhập khẩu nông sản từ Nhật Bản.

Ông Naoto Kan không phải là nhà lãnh đạo duy nhất ở Nhật từng thốt lên lời xin lỗi công chúng. Năm ngoái, cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama cũng đã xin lỗi người dân đảo Okinawa vì không giữ cam kết đưa căn cứ quân sự Mỹ ra khỏi hòn đảo này, như ông đã từng hứa khi tranh cử.

Trước đó, năm 2009, cựu Thủ tướng Nhật Taro Aso đã xin lỗi vì việc Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này đã gà gật như say rượu trong cuộc họp báo ở hội nghị G7. "Tôi thực sự lấy làm tiếc phải thay bộ trưởng tài chính giữa lúc quốc hội đang thảo luận về dự thảo ngân sách", ông Aso nói hôm 19/2/2009.

Hai câu chuyện trên đây vốn dĩ không hề liên quan tới nhau và cũng ở hai hoàn cảnh rất khác nhau, nhưng lại có chung một điểm, đó là lối ứng xử khi phạm lỗi. Ở Nhật Bản, xin lỗi là một việc bình thường khi ai đó phạm lỗi dù lớn hay nhỏ. Còn ở Việt Nam, xin lỗi nhiều khi là điều "cực chẳng đã", thậm chí bị "ép" mới chịu thốt ra.