10:45 06/06/2007

“Câu chuyện về sự tăng trưởng”

Những nét chính của báo cáo về thị trường chứng khoán Việt Nam mà Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) mới công bố

Theo thống kê, lượng cổ phiếu đưa ra trong 4 tháng đầu năm nay đã tương đương với lượng được đưa ra trong cả năm 2006 - Ảnh: TP.
Theo thống kê, lượng cổ phiếu đưa ra trong 4 tháng đầu năm nay đã tương đương với lượng được đưa ra trong cả năm 2006 - Ảnh: TP.
Lần đầu tiên tại Việt Nam một công ty nội địa - Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã công bố bản cáo về thị trường chứng khoán, dựa trên những phân tích đánh giá độc lập về nền kinh tế vĩ mô, triển vọng phát triển của thị trường chứng khoán cũng như của 20 công ty niêm yết có mức vốn hoá thị trường lớn nhất hiện nay.

Bản báo cáo này được thực hiện bởi Khối Phân tích và Tư vấn đầu tư thuộc SSI, dành cho cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước, với hy vọng sẽ trở thành một kênh thông tin thường xuyên về thị trường chứng khoán Việt Nam bên cạnh kênh thông tin từ các tổ chức tài chính quốc tế, như Merrill Lynch, Goldman Sachs, World Bank…

Điểm tạo nên giá trị riêng cho Bản báo cáo là đưa ra nghiên cứu dựa trên "Câu chuyện về sự tăng trưởng", chứ không chỉ phân tích đơn thuần theo tiêu chí P/E khi nhận định về bức tranh chung của thị trường chứng khoán.

Theo đó, một trong những kết quả nghiên cứu được mô phỏng như sau: viễn cảnh năm 2007 của 20 công ty có vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán là hấp dẫn khi mức độ tăng doanh thu trung bình đạt 58,32%, cao hơn mức trung bình trong 3 năm gần đây của 50 công ty lớn nhất thuộc S&P 500.

Sau đây là những nét chính của báo cáo này.

Diễn biến của VN-Index và nguyên nhân của sự điều chỉnh

Năm 2006, chỉ số VN-Index đã tăng 146% và trong 3 tháng đầu năm 2007, chỉ số này tiếp tục tăng thêm 46%, đạt đỉnh cao 1.170 điểm vào ngày 12/3. Xu hướng đi lên này được thể hiện rõ trong biểu đồ VN-Index từ tháng 8/2006 đến tháng 5/2007.

Biến động của VN-Index trong thời gian này có thể được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị bứt phá do ảnh hưởng của sự kiện Việt Nam gia nhập WTO; giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh và giai đoạn điều chỉnh. Trong giai đoạn đầu, những sự kiện kinh tế chính trị tích cực của quốc gia như gia nhập WTO, tổ chức thành công Hội nghị APEC… đã tạo dựng một hình ảnh Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư.

Từ tháng 12/2006, sự bùng nổ về số lượng công ty niêm yết cộng hưởng với kết quả kinh doanh tốt năm 2006 của phần lớn doanh nghiệp là nguyên nhân khiến thị trường tăng trưởng mạnh mẽ từ tháng 12/2006 đến tháng 3/2007.

Sau 3 tháng chỉ số VN-Index tăng mạnh, đến tháng 3/2007 một đợt điều chỉnh đã xảy ra theo đúng quy luật cũng như dự báo của nhiều người. Một vài sự kiện như sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc và một số nước, nhận định của nhiều chuyên gia về "độ nóng" của thị trường Việt Nam… là những cú hích để thị trường bước vào đợt điều chỉnh.

Trước giai đoạn điều chỉnh, nhiều chuyên gia và cơ quản quản lý đã bày tỏ mối lo ngại rằng, giá cổ phiếu đang quá cao so với giá trị thật. Nếu xét theo chỉ số P/E, nhận định này hoàn toàn có lý. Chỉ số P/E trung bình của 20 công ty có vốn hóa lớn nhất vào ngày 12/3/2007 - ngày mà VN-Index đạt mức cao nhất - tại cả sàn Hà Nội và Tp.HCM là 54,98 lần. Hơn 2 tuần sau đó, quan sát tại các thị trường châu Á khác cho thấy, chỉ số P/E là dưới 20 lần.

Thêm một nguyên nhân khác khiến cho thị trường đi xuống là sự tăng mạnh lượng cung từ các IPO trong đầu năm 2007. Theo thống kê, lượng cổ phiếu đưa ra trong 4 tháng đầu năm nay đã tương đương với lượng được đưa ra trong cả năm 2006. Xét về giá trị, nếu thống kê tất cả những IPO lớn giai đoạn đầu năm 2007, các nhà đầu tư cần chi ra 21.000 tỷ đồng (1,3 tỷ USD), gấp 4 lần mức họ bỏ ra trong các đợt IPO năm 2006.

Nhu cầu đối với các cổ phiếu niêm yết, do đó, tất yếu sẽ bị giảm đi, đặc biệt sau khi những ảnh hưởng của thông tin về kết quả ấn tượng cuối năm 2006 cũng như những quyết định tách và thưởng cổ phiếu công bố đầu năm 2007 đã mờ nhạt.

Ngoài ra, những quyết định của Chính phủ cũng đã phần nào ảnh hưởng đến thị trường trong ngắn hạn, như việc quản lý dòng tiền từ các ngân hàng đến các công ty chứng khoán để cho vay phục vụ hoạt động mua bán chứng khoán…

Trong giai đoạn điều chỉnh, khi VN-Index xuống tới 905 điểm vào ngày 24/4, chỉ số P/E trung bình khi đó là 41,8 lần, vẫn cao hơn các nước trong khu vực (Trung Quốc 18,6 lần; Singapore 18,5 lần; Thái Lan 11,1 lần…). Tuy nhiên, khi cân nhắc đến các chỉ số khác của các công ty hàng đầu tại thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thấy, các cổ phiếu dẫn đầu thị trường đã điều chỉnh trở về mức giá đáng để các nhà đầu tư cân nhắc và do đó, xu hướng giảm giá không thể kéo dài.

Nhân tố chính ngăn VN-Index không tiếp tục giảm xuống dưới mức 905 điểm chính là những con số thuyết phục về tài chính và tiềm năng tăng trưởng của bản thân các công ty.

Câu chuyện về sự tăng trưởng

Ngoài những yếu tố tích cực về môi trường chính trị, khung pháp lý và môi trường kinh tế, tốc độ tăng trưởng của các công ty niêm yết là một điểm nhấn có ảnh hưởng quan trọng đến tương lai của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Khi theo dõi và phân tích tình hình kinh doanh năm 2007 của 20 công ty có mức vốn hóa lớn nhất, nhóm chuyên viên phân tích đã có những phát hiện thú vị.

Năm 2006 và 2007 là thời gian thuận lợi nhất để các công ty có thể thu hút vốn thông qua thị trường chứng khoán. Hầu hết các công ty, đặc biệt là 20 công ty có vốn hoá lớn nhất đã tiến hành phát hành tăng vốn với tốc độ tăng trung bình là 7% trong năm 2006 và dự tính khoảng 17% năm 2007. Quá trình tăng vốn làm giảm EPS, thậm chí làm âm tỷ lệ tăng trưởng EPS theo năm trong một số trường hợp.

Tuy nhiên, xem xét về mặt tăng trưởng doanh thu, tăng trưởng lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu, chúng ta sẽ thấy một bức tranh tốt đẹp hơn rất nhiều. Mức trung bình cộng của cả tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều trên 56% so với năm 2006, trong khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu năm trong 2007 dự đoán vẫn cao, ở mức 26,02%.

Hai dấu hiệu có vẻ đối nghịch nhau (EPS giảm, tăng trưởng cao) này được lý giải như sau: 20 công ty vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay chưa bao giờ thật sự có mức vốn hóa lớn theo tiêu chuẩn quốc tế. Bắt đầu từ xuất phát điểm thấp và phát triển quá nhanh, các công ty này cần tăng một lượng vốn lớn để mở rộng sản xuất. Do đó nếu xét về tăng trưởng, các công ty này chưa được định giá đúng mức, cũng như giá cổ phiếu chưa phản ánh đầy đủ giá trị thực sự.

Vì thế, sẽ là công bằng hơn khi nhìn các công ty này dưới góc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và một phần nào về đó tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên doanh thu hơn là dùng chỉ số P/E và tỷ lệ tăng trưởng EPS.

Đây là lần đầu tiên một báo cáo đưa ra cách nhìn nhận thị trường chứng khoán Việt Nam của người trong cuộc được chuẩn bị bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt để gửi cho các nhà đầu tư, bởi từ trước đến nay, các thành viên thị trường mới chỉ được tiếp cận với một số báo cáo của các tổ chức tài chính quốc tế.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI cho biết, Bản báo cáo của Khối Phân tích và Tư vấn đầu tư được thực hiện một cách độc lập, nhằm giúp người đọc hình dung về bức tranh chung của thị trường. Với việc chọn lựa phân tích 20 công ty có mức vốn hoá lớn nhất, SSI không nhằm khuyên nên đầu tư vào những công ty này, mà chỉ căn cứ trên tiêu chí vốn hoá thị trường lớn nhất (chiếm 80% tổng vốn hoá của cả sàn Hà Nội và Tp.HCM) để phân tích về bản chất tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Sau báo cáo này, SSI đang thực hiện một số sản phẩm phân tích khác về thị trường chứng khoán Việt Nam để giới thiệu cho các nhóm đầu tư chuyên biệt tại thị trường Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.