Cầu nội suy yếu, thị trường trồi sụt nhẹ
Thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay tương đương sáng hôm qua, nhưng đà tăng của giá lại kém hơn. Độ rộng thể hiện sự phân hóa ngay cả với các mã đầu cơ đang nóng, trong khi blue-chips chủ đạo vẫn giảm. Nếu không nhờ VHM đột biến mạnh lên, VN-Index đã mất điểm...
Thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay tương đương sáng hôm qua, nhưng đà tăng của giá lại kém hơn. Độ rộng thể hiện sự phân hóa ngay cả với các mã đầu cơ đang nóng, trong khi blue-chips chủ đạo vẫn giảm. Nếu không nhờ VHM đột biến mạnh lên, VN-Index đã mất điểm.
Độ rộng của VN-Index khá kém ngay từ đầu phiên. Số lượng cổ phiếu tăng giá chưa bao giờ vượt trội số giảm. Ngay cả khi thị trường tăng đạt đỉnh khoảng 10h40, VN-Index trên tham chiếu 0,45% thì cũng chỉ có 226 mã tăng/220 mã giảm.
Sau phiên giao dịch T+3 khá mạnh mẽ hôm qua, thị trường tiếp tục tích lũy thêm khối lượng cổ phiếu mới. Thực tế gần đây thị trường vượt qua ngày T+3 khá thuận lợi, nhưng lại gặp khó các phiên tiếp theo nếu dòng tiền không tiếp tục mạnh thêm.
Nhóm VN30 vẫn không thể tạo động lực rõ ràng hơn cho các chỉ số mà chỉ đủ giữ nhịp giảm sốc. VN-Index chốt phiên sáng tăng 1,47 điểm tương đương 0,1% nhưng VHM tăng 1,58% đã đóng góp xấp xỉ 1,5 điểm. Còn lại CTG tăng 1,37%, HDB tăng 2,78%, BVH tăng 2,05%, STB tăng 1,97% chỉ đủ bù đắp cho số giảm.
Độ rộng của VN30 cũng không tốt, với 10 mã tăng/17 mã giảm. Chỉ số đại diện rổ này tăng 0,18% nhờ số trụ giảm cũng không quá mạnh: VPB giảm 0,67%, VNM giảm 0,44%, MSN giảm 0,66%. Nhóm VIC, VCB đứng tham chiếu.
Trạng thái giao dịch của các blue-chips lâu nay vẫn trồi sụt khó chịu. Các mã vốn hóa lớn tăng giảm lệch pha hàng ngày nên không tạo được sự cộng hưởng cần thiết để gia tốc tăng điểm cho các chỉ số.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn giao dịch sôi động và tăng tốt hơn blue-chips, nhưng sáng nay nguội đi nhiều. Đầu tiên là độ rộng đều cân bằng trong các nhóm: Midcap chỉ có 28 mã tăng/34 mã giảm, chỉ số tăng 0,63%; Smallcap có 83 mã tăng/85 mã giảm và chỉ số tăng yếu 0,38%. Thứ hai là rất ít cổ phiếu còn kịch trần được, smallcap ghi nhận 6 mã và toàn sàn HoSE có 13 mã. HNX cũng chỉ có 13 mã trần, UpCOM rất ít với 18 mã.
Hiện tượng tăng bùng nổ giá trần hàng loạt trong các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ luôn là biểu hiện của tâm lý mạnh mẽ và kỳ vọng rất cao, thậm chí là “say đòn”. Nhà đầu tư không mua được cổ phiếu này sẽ nhảy sang mua các mã tương tự ở bất kỳ sàn nào. Dòng chảy vốn nóng này khiến cuối cùng hầu hết các mã đầu cơ sẽ tăng giá mạnh, thậm chí là trần cả loạt cùng nhau.
Tuy nhiên hiện tượng như vậy khó duy trì lâu vì sẽ đến lúc nhà đầu tư ngại mua thêm do giá lên quá nhanh, đồng thời người có cổ phiếu muốn bán bớt để hiện thực hóa lợi nhuận trên giấy. Sáng nay HoSE vẫn có gần 100 cổ phiếu đang giảm trên 1%, chủ yếu ở các mã nhỏ trong khi số tăng trên 1% cũng chưa tới 100 mã. Số cổ phiếu đang kịch trần có đảm bảo về thanh khoản (khớp khối lượng lớn hoặc được chặn mua giá trần lớn) không nhiều, tiêu biểu chỉ có DAG, ITD, TSC, LDG.
Tổng thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay tương đương sáng hôm qua, đạt 19.680 tỷ đồng. Giao dịch tại HoSE tăng gần 2%, đạt 17.373 tỷ đồng. Tuy nhiên về độ rộng thì sàn này đã kém hẳn so với sáng hôm qua. Điều đó nghĩa là cùng một mức thanh khoản nhưng khả năng đẩy giá lên cao hơn đã không còn. Đây thường là tín hiệu của khối lượng bán ra bắt đầu cân bằng được với khả năng mua vào, ít nhất là trong một thời điểm phiên sáng.
Điểm tích cực khá bất ngờ là nhà đầu tư nước ngoài giải ngân mạnh. Tổng giá trị mua vào trên HoSE đạt gần 1.424 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giao dịch sàn này. Đây là tỷ lệ cao vì các phiên sáng gần đây giao dịch mua của khối ngoại chỉ 4-5% mà thôi. Mức bán ra khoảng 814 tỷ đồng, tương đương vốn vào ròng 610 tỷ đồng.
Khối này đang mua mạnh HPG với 214 tỷ, VHM với 120 tỷ, CTG hơn 86 tỷ, STB khoảng 71 tỷ đồng. Nhóm VCB, GAS, KBC, BID, KDH, HDB đều từ 30 tỷ tới quanh 50 tỷ đồng ròng. Phía bán ra chỉ có GEX -35 tỷ, MSN -39 tỷ đồng. Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 sáng nay được mua ròng 587,7 tỷ đồng. Trừ HPG chỉ tăng nhẹ 0,53%, các cổ phiếu có lực mua từ khối này đều tăng khá mạnh. Điều này cũng phần nào thể hiện lực cầu suy yếu từ phía nhà đầu tư trong nước.