08:30 09/11/2021

Lợi nhuận 2021 đã phản ánh vào giá cổ phiếu song chứng khoán vẫn rẻ trong tầm nhìn 1 năm tới

An Nhiên

Giả định tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 38% cho năm 2021 và 27% cho năm 2022, chứng khoán Việt Nam đang có mức định giá tương đương 18,2 lần lợi nhuận 2021 và 14,3x lợi nhuận 2022...

Thống kê từ FiinPro cho thấy, tính đến hết ngày 7/11/2021, 897/1735 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết, chiếm 94,5% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM đã công bố chính thức hoặc đưa ra ước tính kết quả kinh doanh quý 3/2021.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý 3 của 897 doanh nghiệp tăng 14,7% so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, giảm 19,7% so với quý liền kề trước đó. Luỹ kế 9 tháng năm 2021, lợi nhuận sau thuế toàn thị trường tăng 56,3% so với cùng kỳ, trong đó Ngân hàng tăng 44,7% và Khối doanh nghiệp tăng 60,3%, hoàn thành khoảng 86% kế hoạch 2021.

Tăng trưởng lợi nhuận quý 3 chủ yếu đến từ các ngành hưởng lợi nhờ đà tăng giá hàng hóa và hỗ trợ bởi cầu tiêu dùng cao đột biến trong tâm dịch. Trong đó, lợi nhuận nhóm phân bón tăng cao nhất với 2495,8% so với cùng kỳ, tiếp theo là nhóm gỗ với mức tăng 513,7%; nhóm thép tăng 170,2%; chăn nuôi tăng 92,5%; nhóm hoá chất tăng 69,5%...

Ở chiều ngược lại, hàng tiêu dùng cá nhân tăng trưởng lợi nhuận âm 141,8%; nhóm than âm 80,9%; nhóm bất động sản bán lẻ âm 96%; viễn thông âm 56,9%; bất động sản khu công nghiệp âm 44,6%; vật liệu xây dựng âm 34,2%; nhà thầu âm 45,1%.

Lợi nhuận 2021 đã phản ánh vào giá cổ phiếu song chứng khoán vẫn rẻ trong tầm nhìn 1 năm tới - Ảnh 1

Cập nhật riêng trong tuần vừa qua, có hơn 300 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính Q3/2021 nhưng gần 2/3 số doanh nghiệp này chứng kiến lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ. Đây là lý do khiến lợi nhuận chung toàn thị trường cũng như khối Phi tài chính tăng thấp hơn rất nhiều so với lần cập nhật gần nhất (31/10/2021).

Cụ thể, nhóm Bất động sản, tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành kém tích cực, tăng 13,3% so với cùng kỳ sau khi nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành như NVL, BCM, HTN, KDH, DIG, ITA công bố lợi nhuận Q3/2021 giảm mạnh so với cùng kỳ do tiến độ bàn giao gián đoạn khi Covid-19 bùng phát. Đây là bức tranh chung của các doanh nghiệp địa ốc bởi giãn cách xã hội do Covid-10, theo báo cáo gần đây của DKRA Vietnam, khiến thị trường bất động sản chững lại trong quý 2 và quý 3.

Riêng Q3, lượng chào bán và tiêu thụ căn hộ ở TP HCM giảm khoảng 60% YoY và 30% QoQ trong khi giá không tăng mạnh.

Tuy vậy, trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hóa nhỏ bao gồm CSC, API, IDJ duy trì đà tăng mạnh trong tuần đầu tháng 11 chủ yếu nhờ dòng tiền mang tính đầu cơ cao. 

Với nhóm thực phẩm, lợi nhuận sau thuế tăng 12,6% YoY trong quý 3, chủ yếu đến từ nhóm Masan (MSN và MCH). Với Vinamilk (VNM), lợi nhuận sau thuế Q3/2021 giảm 6,4% dù doanh thu tăng 4,1%, phần lớn do giá sữa nguyên liệu đầu vào tăng cao và chi phí triển khai “3 tại chỗ” và xét nghiệm Covid-19. Triển vọng lợi nhuận khó có sự đột phá khiến VNM trở nên kém hấp dẫn cho dù định giá của cổ phiếu đầu ngành sữa hiện đang thấp hơn mức trung bình 3 năm (18,6x).

Với nhóm đồ uống, lợi nhuận sau thuế Q3/2021 giảm 65% so với cùng kỳ dù doanh thu ghi nhận mức giảm thấp hơn, giảm 40%. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số giá cổ phiếu ngành Đồ uống giảm 12,3%, ngược lại với mức tăng 32% của VN-Index. Hai cổ phiếu đầu ngành Bia là SAB và BHN giảm lần lượt là 11,08% và 17,22%. Mặc dù giá cổ phiếu điều chỉnh, định giá hiện tại của ngành Đồ uống đang tương đương mức trung bình 3 năm (23,8x).

Lợi nhuận 2021 đã phản ánh vào giá cổ phiếu song chứng khoán vẫn rẻ trong tầm nhìn 1 năm tới - Ảnh 2

Với kết quả kinh doanh tích cực trong 9T2021, FiinPro ước tính lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2021 của 897 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết có thể tăng ít nhất 38%. Dự báo này chỉ đơn giản là giả định các doanh nghiệp niêm yết sẽ duy trì được con số lợi nhuận sau thuế tương đương với quy mô của Q4-2020. Đây là dự báo thận trọng trong bối cảnh một số ngành dự kiến có sự hồi phục vượt bậc nhờ cầu hồi phục trong giai đoạn “Sống chung với Covid-19”.

Dựa trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 38% cho năm 2021 và 27% cho năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có mức định giá tương đương 18,2 lần lợi nhuận 2021 và 14,3x lợi nhuận 2022. Điều này cho thấy triển vọng lợi nhuận của năm 2021 đã được phản ánh vào giá cổ phiếu trong khi định giá thị trường vẫn hấp dẫn với tầm nhìn 1 năm tới.