06:00 21/04/2023

Cây măng tây giúp đồng bào Chăm xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế

Hà Lê

Từ khi trồng cây măng tây, đời sống của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận không chỉ xóa đói giảm nghèo mà kinh tế còn khá lên rõ rệt, diện mạo nông thôn đổi thay từng ngày...

Cây măng tây đã giúp đời sống của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế
Cây măng tây đã giúp đời sống của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế

Trong những năm qua, bà con nông dân người Chăm tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây măng tây xanh, áp dụng mô hình canh tác VietGAP, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

XÂY NHÀ TO ĐẸP NHỜ CÂY MĂNG TÂY

Năm 2010, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận bắt đầu trồng thử nghiệm 1 ha cây măng tây. Đến nay, xã đã phát triển diện tích trồng cây măng tây hơn 110 ha, trong đó diện tích cây măng tây của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (thôn Tuấn Tú) chiếm hơn nửa. Hộ nghèo không có vốn đầu tư được hợp tác xã cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật...

Là người tiên phong hưởng ứng phong trào trồng cây măng tây, ông Kiều Minh Tiến, thôn Tuấn Tú chia sẻ: Thôn Tuấn Tú thuần đồng bào dân tộc Chăm, khí hậu khắc nghiệt – chỉ có gió và nắng, chưa kể diện tích đất sản xuất khan hiếm, đời sống khó khăn. Được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận thử nghiệm đưa cây măng tây xanh vào đồng đất của thôn, tôi đã tham gia và cây măng tây sinh trưởng tốt trên khoảnh vườn nhà; cây đã gia đình tôi nuôi được 4 người con ăn học đàng hoàng.

 

Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, giảm hộ nghèo hàng năm từ 1,5-2%; trong đó giảm hộ nghèo khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.

Hiện nay xã An Hải xác định măng tây là cây trồng chủ lực và tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây măng tây có định hướng bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phầm. Cùng đó là tạo cơ chế, chính sách về vốn vay để người dân tiếp cận dễ dàng. Theo các hộ trồng, cứ 1 ha cây măng tây cho thu hoạch từ 5-7kg/ngày, bán ra thị trường giá trung bình khoảng 50.000/kg. Như vậy, trung bình mỗi ha măng tây trong thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ các chi phí, người nông dân có lãi từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.

Ông Lỗ Trung Tài, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, cho hay 1 kg măng tây xanh có giá trị bằng 10 kg thóc. Mỗi ngày, Hợp tác xã thu mua cho các thành viên gần 2 tạ măng. Mỗi năm, người Chăm thôn Tuấn Tú có doanh thu gần 4 tỷ đồng. Hầu như 500 hộ trong thôn đã xây được nhà to đẹp nhờ cây măng tây xanh.

TẬP TRUNG LỒNG GHÉP THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÁC CHÍNH SÁCH DÂN TỘC

Măng tây xanh là một trong những sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, được phát triển theo chuỗi giá trị đạt chuẩn OCOP từ 3 sao đến tiềm năng 5 sao, mở ra nhiều triển vọng mới giúp người nông dân làm giàu. Trong đó, xã An Hải, huyện Ninh Phước là một trong những vùng trồng nhiều cây măng tây ở tỉnh Ninh Thuận. Nhờ hiệu quả kinh tế cây măng tây mang lại mà đời sống của người nông dân nơi đây, trong đó có đồng bào dân tộc Chăm ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Cây măng tây giúp đồng bào Chăm xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - Ảnh 1

Ông Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho hay măng tây xanh là cây kinh tế chủ lực cùng với nho, táo, đã đem lại nguồn thu đáng kể, nâng cao đời sống đồng bào Chăm địa phương, diện mạo nông thôn mới ngày càng phát triển bền vững. Mục tiêu của huyện Ninh Phước năm 2023 phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người lên 71,43 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,48%; chăm lo nâng cao chất lượng cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện...

Tại Ninh Thuận, đồng bào Chăm hiện có 19.239 hộ với 85.343 khẩu (chiếm 11% dân số toàn tỉnh), bà con cư trú tập trung chủ yếu ở các huyện: Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Bắc. Được biết, tỉnh Ninh Thuận đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương phù hợp, linh hoạt với thực tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Chăm nói riêng tại địa phương.

Tại những xã có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, các cấp, ngành đều triển khai các chính sách dân tộc công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đúng đối tượng. Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chăm không ngừng được nâng lên. Tình hình an ninh, trật tự được giữ vững. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Tất cả vùng đồng bào Chăm được sử dụng điện, có trạm y tế, có nhà văn hóa xã. Các thôn, khu phố vùng đồng bào Chăm đều có trường mẫu giáo tiểu học.

Đặc biệt, 11/13 xã vùng đồng bào Chăm đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (chiếm 84,61%). Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào được gìn giữ và phát huy. Cuối năm 2022, số hộ nghèo đồng bào Chăm còn 829 hộ (chiếm 7,5% so với số hộ nghèo toàn tỉnh) và 1.447 hộ cận nghèo (chiếm 14,3% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh).

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho hay năm 2023, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói chung và vùng đồng bào Chăm nói riêng.

Tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.