CEO Huawei: “Không có Google, chúng tôi vẫn sẽ trở thành số 1 về smartphone”
Ông Nhiệm Chính Phi cho rằng Huawei vẫn có thể đạt tới vị trí nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, dù bị Mỹ cấm vận
Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc (CEO) Huawei, ông Nhiệm Chính Phi, tin rằng "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc này vẫn có thể trở thành thương hiệu điện thoại thông minh (smartphone) lớn nhất thế giới cho dù bị cắt nguồn cung phần mềm và ứng dụng từ đối tác Mỹ Google.
Huawei hiện đã là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Hãng từng đặt mục tiêu vượt qua đối thủ Hàn Quốc Samsung để trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới về doanh số trong năm nay, nhưng mục tiêu này đã gặp trở ngại sau khi Chính phủ Mỹ đưa Huawei vào "danh sách đen" thương mại hồi tháng 5. Lệnh cấm của Mỹ khiến các công ty nước này như Google, Intel, và Broadcom không thể cung cấp linh kiện và công nghệ cho Huawei nếu không có sự cho phép của Washington.
Hiện nay, thị phần của Huawei ở nhiều thị trường nước ngoài đang suy giảm do nhiều người tiêu dùng không muốn sắm một chiếc smartphone có thể không truy cập được vào gian ứng dụng Google Play Store và các ứng dụng phổ biến như Facebook, Uber hay Google Maps.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trang CNN Business ngày 26/11, khi được hỏi liệu Huawei vẫn có thể trở thành hãng smartphone lớn nhất thế giới mà không cần tới công nghệ của Google, ông Nhiệm đáp: "Tôi không cho đó là một vấn đề". Tuy nhiên, ông nói rằng Huawei sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để đạt tới vị trí đó.
Tuần trước, một số công ty Mỹ, trong đó có Microsoft, đã nhận được giấy phép tạm thời từ Bộ Thương mại nước này cho phép cung cấp hạn chế cho Huawei những công nghệ và linh kiện mà Washington cho là không đặt ra rủi ro đối với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ cũng nói rằng một số công ty đã bị cơ quan này từ chối cấp phép cung cấp cho Huawei.
Ông Nhiệm nói với CNN Business rằng Google chưa bị từ chối cấp phép, nhưng cũng chưa nhận được giấy phép này. Hiện Google chưa lên tiếng về vấn đề này.
Huawei vẫn nói rằng hãng muốn cộng tác với Google nếu có thể. Tuy nhiên, ông Nhiệm cho biết Huawei vẫn đang tích cực chuẩn bị một kế hoạch phòng bị quy mô lớn cho trường hợp bị cắt hoàn toàn nguồn cung từ Google.
Huawei hiện đang phát triển một hệ điều hành riêng có tên Harmony, và một gian ứng dụng riêng. Tuy nhiên, gian ứng dụng này của Huawei mới chỉ có 45.000 ứng dụng để người dùng có thể tải về, so với 2,8 triệu ứng dụng trên Google Play Store, theo dữ liệu từ Statista.
Ông Nhiệm nói rằng Mỹ vẫn là quốc gia mạnh nhất thế giới nếu nói về sáng tạo, và không một nước nào khác, kể cả Trung Quốc, có thể vượt qua được Mỹ trong lĩnh vực này "trong vài thập kỷ tới".
Mặc dù vậy, ông Nhiệm cũng cho rằng chính sức ép từ Mỹ có thể giúp cho các đối thủ công nghệ của nước này vươn lên mạnh mẽ nếu Washington tiếp tục đặt ra hạn chế đối với đối tác thương mại của các công ty Mỹ.
Nếu Huawei không thể hợp tác với các nhà cung cấp Mỹ, "chúng tôi sẽ phải tìm đến những lựa chọn thay thế. Và khi những lựa chọn thay thế đó chín muồi, tôi cho rằng khả năng quay trở lại những lựa chọn cũ là rất thấp", ông Nhiệm nhấn mạnh.
"Đây là một giai đoạn quan trọng đối với chúng tôi. Tôi hy vọng Chính phủ Mỹ có thể xác định đâu là điều tốt nhất cho các công ty Mỹ", ông nói thêm.
Dù bị Mỹ cấm vận, hoạt động kinh doanh của Huawei nhìn chung vẫn vững vàng. Tháng trước, Huawei công bố kết quả kinh doanh cho thấy doanh thu tăng 24% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số smartphone Huawei tăng mạnh ở Trung Quốc giúp bù đắp cho sự suy giảm ở thị trường nước ngoài.